Thứ 2, 29/07/2024, 19:19[GMT+7]

Mừng tuổi, mừng thọ đầu năm: Nét đẹp văn hóa truyền thống

Thứ 4, 22/01/2020 | 17:57:19
8,561 lượt xem
Mừng tuổi, mừng thọ ngày đầu năm mới là phong tục lâu đời của người Việt. Mừng tuổi, mừng thọ là để cầu chúc một tuổi mới sức khỏe, may mắn, bình an cho người khác. Theo dòng chảy của thời gian, tục lệ này vẫn được gìn giữ và trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức cho biết: Phong tục mừng tuổi hay còn gọi là lì xì, phát vốn, mở hàng, hồng bao đã có từ rất lâu. Trước đây, khi kinh tế còn nhiều khó khăn, đa số người dân còn phải lo cơm áo, không có nhiều tiền để mừng tuổi. Đối tượng được mừng tuổi chủ yếu là trẻ em. Ngoài ý nghĩa khuyến khích sự phát triển của con người thì phong tục mừng tuổi còn góp phần giúp con trẻ làm quen với đồng tiền. Từ đó giáo dục con trẻ biết quý trọng đồng tiền, tiết kiệm, tích góp để dùng đồng tiền vào việc có ích. Người ta thường để những đồng tiền vào phong bao lì xì màu đỏ, bởi theo quan niệm màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn cả năm.

Phong tục mừng tuổi bằng tiền kèm theo phong bao lì xì xuất phát từ một truyền thuyết trong dân gian. Người Việt xưa tin rằng, những phong bao lì xì có tác dụng xua đuổi ma quỷ, mang lại may mắn cho mọi người. Chính vì lẽ đó mà phong tục mừng tuổi được lưu truyền năm này sang năm khác, được gìn giữ cho đến tận bây giờ. Nếu trước kia việc trao nhận tiền mừng tuổi chỉ diễn ra trong ngày mùng 1 tết thì ngày nay thời gian trao nhận tiền mừng tuổi có thể kéo dài sang mùng 2, mùng 3 cho tới mùng 10 tháng Giêng. Thậm chí, thời điểm trước và sau tết, người ta vẫn có thể mừng tuổi nhau cùng với việc đến thăm, chúc tết, tặng quà... Sự phát sinh này là do thay đổi nếp sống của cuộc sống hiện đại. Khi cuộc sống vật chất đầy đủ thì người ta nghĩ đến hưởng thụ nhiều hơn, cũng như việc “ăn tết” không chỉ còn gói gọn trong 3 ngày như trước. Những phong bao lì xì được trao đi kèm theo đó là lời chúc một năm mới an lành, tấn tài tấn lộc. Không chỉ trẻ con mới được nhận tiền mừng tuổi mà người lớn như ông bà, cha mẹ cũng được con cháu mừng tuổi, anh em, đồng nghiệp, bạn bè mừng tuổi cho nhau. Con cháu chúc ông bà “bách niên giai lão”, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì chăm ngoan, hay ăn chóng lớn. Nguyên tắc mừng tuổi là phải mừng tuổi bằng tiền chứ không phải là quà bánh hay bất cứ một thứ gì khác. Tiền mừng tuổi không hạn định về số lượng, mệnh giá, bao gồm cả tiền chẵn và tiền lẻ. Tiền mừng tuổi không chỉ được cho vào phong bao màu đỏ mà có thể là phong bao với rất nhiều màu sắc khác nhau, hoa văn bắt mắt, hấp dẫn. Ý nghĩa của một phong bao lì xì không nằm ở số lượng tiền có bao nhiêu mà ở chính những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức: Ngày nay, mừng tuổi không chỉ bằng tiền mà còn có thêm nghi thức khác là mừng thọ, chúc thọ - một nghi lễ dành riêng cho người cao tuổi. Không rõ phong tục mừng thọ chính xác có từ bao giờ nhưng đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Mừng thọ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, cũng như sự kính trọng người già, hiếu nghĩa, biết ơn với ông bà, cha mẹ. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của xã hội với người cao tuổi, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Những người già rất vui khi được con cháu mừng tuổi trong ngày tết. Đặc biệt, đối với người Việt, tuổi già là tuổi đáng quý trọng. Ngày xưa, những người từ 50 - 60 tuổi đã được mừng thọ. Nhưng ngày nay tuổi thọ trung bình kéo dài hơn nên những người tuổi tròn chục từ 70 trở lên mới được tổ chức mừng thọ. Trong tâm thức dân gian của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được “ngũ phúc” trong đời là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Trong đó, Thọ là yếu tố khó nắm bắt nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất. Tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng.

Làng Thanh Nê xưa, nay là thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) là địa phương giàu truyền thống văn hóa. Đối với người dân nơi đây, mừng tuổi là phong tục quan trọng, đặc biệt là việc tổ chức lễ mừng thọ cho những người già, các cụ cao niên trong làng. Không rõ tục mừng thọ có từ bao giờ nhưng Thanh Nê là một làng tổ chức mừng thọ các cụ cao niên từ rất sớm và duy trì cho đến tận ngày nay. Đây cũng là dịp để con, cháu, những người thân ở khắp mọi nơi trên cả nước, dù bộn bề với cuộc mưu sinh, nhưng cứ đến tết là đều trở về quê nhà sum họp, quây quần, vừa đón tết vừa tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ, ông bà. Theo các cụ cao niên trong làng thì nghi lễ này trước đây được gọi là “hạ thọ nghi”. 

Trước ngày làm lễ mừng thọ, các cụ hương lão sẽ được mời ra đình nghe hát, uống rượu để con cháu tỏ lòng kính lão. Các hương lão được mời phải mũ áo chỉnh tề. Khi các chức sắc ra chào mừng thì các hương lão đứng dậy chắp tay vái 4 vái. Các chức sắc cũng vái đáp lễ rồi cùng dự tiệc vui. Trong tiệc rượu không được uống say, không được ăn nói bừa bãi. Các hương lão phải gương mẫu, tự mình gìn giữ chính đáng làm khuôn phép cho người và phải khuyên răn con cháu, lấy lòng thành tín thờ trời đất, thần thánh; lấy đạo hiếu thờ cha mẹ, lấy sự trung thực đối với huynh trưởng, lấy sự chính trực dạy bảo vợ con, đối với anh em phải hòa thuận, với xóm làng phải nhún nhường.

Còn đối với làng Tường An xưa, nay thuộc xã Tân Hòa (Vũ Thư), tục mừng tuổi thọ cho những người già trước kia được tổ chức vào ngày mùng mười tháng Giêng, gọi là “hội Yến Lão”, nay gọi là lễ mừng thọ. Ngày hội mừng thọ nơi đây có tế lễ, ăn cỗ, buổi tối có hát ca trù và giảng giải “thập điều” (10 điều răn dạy con cháu) với mong muốn con cháu ghi nhớ những điều cha ông răn dạy, sống tốt đời, đẹp đạo.

Có thể nói, dù ở địa phương nào, tục mừng tuổi nói chung, mừng thọ cho người già nói riêng rất được coi trọng, trở thành phong tục không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về.

Mừng tuổi, mừng thọ đầu năm mới là phong tục hàm chứa nhiều điều tốt đẹp, thể hiện sự kính già, yêu trẻ; tính thiện tâm của con người và ước mong ăn nên làm ra trong năm mới. Mặc dù cách đón tết nay và tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng tục mừng tuổi, mừng thọ đầu năm vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong tết cổ truyền của người Việt. Bởi lẽ khi kinh tế phát triển, cuộc sống vật chất đầy đủ, sự nghèo khó đã lùi xa thì giá trị tinh thần lại càng có ý nghĩa. Mỹ tục này đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, là một nét văn hóa làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Thu Hoài