Thứ 6, 22/11/2024, 23:41[GMT+7]

Dân là chủ, làm chủ trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 28/01/2020 | 16:20:29
523 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở Đắk Lắk, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến, khởi sắc rõ rệt. Thực tiễn trong 10 năm xây dựng nông thôn mới là những bài học kinh nghiệm quý được rút ra, cũng như định hướng trong giai đoạn tiếp theo.

Hơn 10 km đường giao thông nông thôn được bà con giáo dân Giáo xứ Tân Hòa (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) tự nguyện đóng góp và tổ chức làm với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 3 bài viết với chủ đề: Dân là chủ, làm chủ trong xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk.

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn. Các buôn làng vùng sâu, vùng xa đều khang trang hơn. Đời sống các dân tộc anh em không ngừng được cải thiện. Nhân dân phấn khởi cùng nhau thi đua lao động sản xuất, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã của tỉnh Đắk Lắk đều ở xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung trong toàn quốc. Năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế. Toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn chỉ có 3 xã đạt từ 10-12 tiêu chí nông thôn mới, 51 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí, toàn tỉnh đạt 508/2.888 tiêu chí.

10 năm trước đây, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh còn “khiêm tốn”. Hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế, trường học… chưa đáp ứng nhu được cầu của nhân dân. Đến nay, nhìn lại tổng thể, diện mạo nông thôn trên toàn tỉnh đã có sự đổi thay rõ rệt. Đặc biệt hệ thống cơ sở hạ tầng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư đồng bộ, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Ông Võ Huy Khôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Ea Ô là địa phương thuộc vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk, có những điểm cách trung tâm tỉnh gần 100 km, do vậy gặp nhiều khó khăn trong giao thương, phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hệ thống chính sách đầu tư từ chương trình đã trở thành “đòn bẩy”giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, kéo theo các mô hình kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn xã Ea Ô, đưa Ea Ô từ một xã khó khăn, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016.

Sinh sống tại xã Ea Ô từ năm 1976, ông Phan Đình Xuân chia sẻ: Nhìn lại chặng đường gần 10 năm xây dựng nông thôn mới của nhân dân xã Ea Ô mới thấy rõ sự đổi thay của vùng nông thôn. Những chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện dịch vụ y tế, giáo dục… đã tạo đà cho nhân dân vươn lên làm giàu với những mô hình kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Những ngôi nhà bê tông kiên cố, cao tầng dần thay chỗ cho những ngôi nhà ván tạm bợ. Đời sống tinh thần của nhân dân được quan tâm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thắt chặt tình đoàn kết giữa các xóm làng.

Cùng chung niềm vui nông thôn mới, ông Y Dhun Hmôk, Bí thư Chi bộ buôn Dur 1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana chia sẻ: Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân các dân tộc anh em trong buôn làng đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, đến nay người dân đã tự chủ lương thực. Nhiều gia đình gạo chất đầy kho, xây được nhà đẹp, mua được xe ô tô. Người dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy tính hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, buôn làng ngày càng khang trang và sạch đẹp.

Nói về sự đổi thay từ xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đánh giá: Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đời sống nhân dân được nâng cao, từ năm 2011 đến năm 2015, số hộ nghèo đã giảm từ 81.053 hộ xuống còn 25.322 hộ. Giai đoạn 2016-2018, số hộ nghèo đã giảm từ 81.592 hộ xuống còn 57.180 hộ, giảm 24.412 hộ. Thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2019 đã đạt 29,419 triệu đồng/người/năm.

Từ một địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều thay đổi về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2020, có 61 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. "Để có được kết quả đáng mừng như trên đó là do chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, phù hợp với thực tiễn và được nhân dân đồng thuận hưởng ứng", ông Nguyễn Hoài Dương khẳng định.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, những tác động của nhiều yếu tố như thiên tai, mất mùa, giá nông sản sụt giảm, nguồn lực hạn chế, nguồn vốn hạn hẹp… khiến tỉnh Đắk Lắk phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, tỉnh cần có giải pháp mang tính chiến lược, tiếp tục thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Những khó khăn cần vượt qua

Buôn Đôn là một trong những huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, do đó Chương trình xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều thách thức. Theo Ủy ban nhân dân huyện Buôn Đôn, tính đến hết năm 2019, toàn huyện chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới do cơ cấu kinh tế các xã chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, hiệu quả còn thấp, giá cả bấp bênh. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung; tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh…

Bên cạnh đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã, chưa thật sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; phát triển văn hóa, cải thiện môi trường chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, để khắc phục những hạn chế, tiếp tục tổ chức xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, tỉnh Đắk Lắk đã đề ra một số giải pháp trong thời gian tới như: Tổ chức rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình hiệu quả; có cơ chế, chính sách thích hợp và đủ mạnh để khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu hút nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

Cùng với đó,  Đắk Lắk tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, nhất là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh tập trung hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho rằng, trước những thách thức của xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương; khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng nguy hại đến đời sống của người dân nông thôn. Tỉnh cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình. Các địa phương chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn.

Tỉnh tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao, dịch vụ y tế; có giải pháp khắc phục, hạn chế vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn nông thôn, công khai các khoản đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện. Các địa phương thực hiện nghiêm túc việc xem xét, công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đảm bảo thực chất, khách quan; đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, cần tập trung chỉ đạo phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ các cấp, chính quyền các địa phương và nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đồng tâm hiệp lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hướng đến những mô hình xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… góp phần vào thành công chung của cả nước trên con đường xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Theo baotintuc.vn