Thứ 6, 26/07/2024, 12:20[GMT+7]

Chuyên gia chỉ cách chế biến đồ ăn mặn thừa sau Tết vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe

Thứ 4, 29/01/2020 | 15:08:37
1,518 lượt xem
ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân - trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) chia sẻ, có một số phương pháp bảo quản, xử lý từng loại thức ăn rất dễ dàng, thuận tiện cho chị em sử dụng vừa giúp đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh vừa tốt cho cơ thể.

1. Bánh chưng, bánh tét

Có thể cất vào ngăn mát nhưng khi đã bị nhớt không nên dùng lại, không để lại vào ngăn đá. Bánh chưng, bánh tét bị khô thì có thể hấp hoặc chiên lại.

Kết hợp giữa món bánh chưng chiên và cơm risotto kiểu Ý, food blogger Chánh Trần (TPHCM) tạo nên món bánh chưng chiên kiểu mới phù hợp với gia đình nào lỡ có món bánh chưng "ế".

Anh hướng dẫn: "Bánh chưng, bánh tét chiên sau tết là món quen thuộc. Tách riêng phần nếp của bánh với phần nhân ra. Dùng cối quết nhuyễn từng phần. Vì bánh tét, bánh chưng lúc làm người ta đã nêm gia vị rồi nên không cần nêm nữa. Nếp sau khi giã nhuyễn thì cán mỏng, cho phần nhân đậu xanh vào bên trong, vo thành viên tròn. Đun nóng chảo dầu, cho bánh nếp vào chiên vàng, vớt ra để ráo dầu. Món bánh nếp này ăn kèm tương ớt, nước mắm chua ngọt đều được".

2. Thịt kho thịt luộc, giò chả

Sau khi dùng còn thừa nên cất vào ngăn mát để bữa ăn tới đem hâm lại. Nhưng nếu lưu giữ trên 3 ngày thì nên cho vào ngăn đá để đông, giữ được trong 1 tuần.

Ngoài ra, bánh chưng, bánh tét có thể dát mỏng, cuộn cùng giò chả cắt sợi và củ kiệu/hành ngâm ở giữa, chiên giòn ăn với rau sống.

Chuyên gia chỉ cách chế biến đồ ăn mặn thừa sau Tết vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe - Ảnh 2.

3. Dưa hành, dưa kiệu

Có thể để bên ngoài nhưng nếu muốn lâu chua, giảm lên men thì để vào ngăn mát tủ lạnh, giữ được 1-2 tuần.

Theo anh Chánh Trần, dưa kiệu muối chua nếu không ăn hết thì sau tết khó mà tái sử dụng được vì ngán. Theo anh: "Để chống ngán, với kiệu ngâm giấm vớt ra, dùng dao thái cắt thành từng cọng nhỏ nhỏ, trộn gỏi. Những ngày này nhà nào cũng có nhiều khô bò, khô mực, khô gà… thêm rau thơm, ít đậu phộng rang, củ hành tây, ít ngó sen là đủ nguyên liệu cho món gỏi. Nước trộn gỏi là nước mắm chua ngọt thông thường. Những ngày ngán thịt mỡ, mà có món gỏi chua ngọt này ăn cực kỳ bắt cơm, hoặc đem đãi khách thì thật tuyệt".

4. Thịt gà

Thịt gà chưa ăn hết có thể dùng để nấu súp hoặc cháo, hoặc xé nhỏ trộn gỏi. Phần thịt cũng có thể dùng làm ruốc (chà bông) gà.

Chuyên gia chỉ cách chế biến đồ ăn mặn thừa sau Tết vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe - Ảnh 3.

5. Các món thịt nguội, giò, chả, lạp xưởng

Các món thịt nguội, giò, chả, lạp xưởng… còn thừa có thể thái lát, thái chỉ xào với rau củ và nấm. Hoặc bạn cũng có thể dùng giò chả còn thừa cắt hạt lựu để làm món cơm chiên Dương Châu.

Có một cách nữa là giò chả đem cắt hạt lựu, trộn cùng với hành tây và ớt chuông cũng cắt hạt lựu, kết hợp với trứng thành món trứng hấp, trứng chưng, trứng bác...Bánh chưng, dưa kiệu thành món khai vị.

Lưu ý trước khi tái chế thức ăn thừa sau Tết

Khi tái chế thức ăn, chị em nên lưu ý các nguyên tắc để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà. Đã có không ít trường hợp các thành viên trong gia đình bị ngộ độc, rối loại tiêu hóa vì những món ăn tái chế sau Tết.

Để thực phẩm tái sử dụng được vệ sinh, an toàn và ngon miệng, thì phải bảo quản kĩ lưỡng. Đối với các loại thực phẩm chế biến cùng gia vị như chả, nem, thịt, cá… tốt nhất nên để trong hộp đậy kín hoặc có bọc màng bọc thực phẩm để tránh bị khô, ám mùi tủ lạnh và vi khuẩn tấn công gây mau hư.

Tuy nhiên, dù sao thức ăn đã chế biến và trải qua một mùa Tết rồi thì không nên để quá lâu. Chị em nên có sự phân loại để "lên lịch" tái chế thức nào trước. Ví dụ các món bò, gà, giò măng… thì nên ưu tiên hàng đầu. Còn các món thịt nguội, giò chả hay đồ khô hơn thì có thể để lâu hơn.

Chuyên gia chỉ cách chế biến đồ ăn mặn thừa sau Tết vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe - Ảnh 4.

Nhiều bà nội trợ có chút lầm lẫn trong việc tái sử dụng đồ ăn đã bắt đầu hư hỏng. Đối với bánh chưng, bánh tét có người cho rằng chỉ cần cắt bỏ chỗ mốc, nhũn là có thể ăn được phần còn lại. Hoặc giò bắt đầu có mùi nhưng vẫn cố hớt bỏ phần bên ngoài để chế biến lại.

Tuy nhiên, điều này đã được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo một khi thực phẩm đã lên mốc, nhũn hoặc có mùi tức là đã trong quá trình phân hủy. Lúc này vi khuẩn tấn công mạnh mẽ. Không chỉ phần thực phẩm lên mốc, nhũn bị hư. Phần chưa có dấu hiệu cũng đã trong quá trình phân hủy và phát sinh các chất độc hại.

Vì thế, cách tốt nhất là bảo quản thức ăn cho cẩn thận, sớm "tái chế" trước khi hư hỏng. Nếu một khi thức ăn đã có dấu hiệu hư hỏng, chị em nên bỏ, không tiếc rẻ.

Theo giaidinh.com.vn