Thứ 7, 06/07/2024, 12:22[GMT+7]

UBND tỉnh triển khai kế hoạch đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona

Thứ 5, 30/01/2020 | 19:06:35
2,129 lượt xem
Chiều ngày 30/1, UBND tỉnh tổ chức triển khai kế hoạch đáp ứng khẩn cấp với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Audio: trien_khai_ke_hoach_dap_ung_dich_benh_mixdown_mp3

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì cuộc họp. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Tại Thái Bình đến ngày 30/1, đã ghi nhận 2 trường hợp trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Cả hai trường hợp đã được theo dõi, cách ly, điều trị. Trường hợp thứ nhất, qua theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã loại trừ nhiễm vi rút nCoV, bệnh nhân đã ổn định, không ho, sốt và được chuyển sang khu điều trị thông thường. Trường hợp thứ hai ở huyện Đông Hưng làm nghề buôn bán tự do tại Vũ Hán. Bệnh nhân đến khám sáng ngày 30/1 và hiện đang được theo dõi, điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch đáp ứng khẩn cấp với dịch, với mục tiêu cụ thể theo tình huống dịch. 

Cụ thể với tình huống ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam nhưng chưa lây lan ra cộng đồng, chưa ghi nhận tại tỉnh Thái Bình sẽ chủ động phát hiện sớm trường hợp bệnh nCov gây ra vào địa phương từ vùng dịch. Với tình huống ghi nhận trường hợp bệnh lây lan ra cộng đồng tại Việt Nam, ghi nhận trường hợp bệnh tại Thái Bình sẽ phát hiện sớm trường hợp bệnh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất. Trong trường hợp dịch bệnh lây lan ra cộng đồng tại Thái Bình sẽ đáp ứng nhanh, khoanh vùng xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, hạn chế thấp nhất dịch lan truyền; giảm thiểu tối đa tác động của dịch đối với kinh tế, xã hội và cuộc sống của nhân dân.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là dịch bệnh nguy hiểm. Dù dịch chưa diễn ra ở Thái Bình nhưng cần chủ động phòng chống dịch: nắm chắc tình hình lây lan của dịch và các yếu tố nguy cơ, số lượng khách đi và đến từ vùng dịch, số khách ở Trung Quốc về Việt Nam, đến Thái Bình; phát hiện sớm, kịp thời khi có tình huống dịch xảy ra và phải có phương án khoanh vùng khi có dịch. Cấp tỉnh, huyện, các bệnh viện phải có đội phản ứng nhanh khi có tình huống dịch xảy ra. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấy được mức độ nguy hiểm của dịch, chủ động phòng tránh. Ngành Y tế, các đơn vị liên quan có biện pháp chủ động phòng chống khi có dịch xảy ra, không chủ quan, lơ là. Ngành Công an phối hợp với ngành Y tế trong tỉnh nắm rõ số lượng người Trung Quốc trở về Thái Bình sau Tết, nắm được tình hình sức khỏe, có biện pháp cách ly. Các huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch tăng cường kiểm tra giám sát ở các địa phương, đơn vị. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh phải có phương án cụ thể khi có dịch xảy ra. Ngành Y tế phải có phương án thiết lập bệnh viện dã chiến, chủ động thu dung ca bệnh. Bệnh viện tuyến huyện phải chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình địa phương. Các bệnh viện thiết lập đội phản ứng nhanh, xây dựng phương án khi có dịch; có phương án thuốc, vật tư, y tế như: máy đo thân nhiệt; khẩu trang; hóa chất khử trùng tiêu độc; thuốc; máy thở; máy X quang tại chỗ. Các sở, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp Sở Y tế trong phòng chống dịch; nắm bắt tình hình biến động lao động, đặc biệt nắm bắt các đối tượng nguy cơ cao có thể nhiễm bệnh để chủ động các tình huống xử lý, phòng chống dịch.


Hoàng Lanh


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày