Thứ 3, 26/11/2024, 09:47[GMT+7]

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Thứ 3, 04/02/2020 | 14:59:35
3,201 lượt xem
Sáng ngày 4/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị . Ảnh: Thành Tâm

Audio: 0502_thoia__hoi_nghi_ban_thuong_vu_mixdown.mp3

Dự hội nghị có các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo đề án bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI); chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển đàn trâu bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2019 - 2025.

Theo báo cáo của UBND tỉnh: Hàng năm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành khảo sát và công bố chỉ số PCI đo lường và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Dữ liệu PCI chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm về môi trường kinh doanh tại mỗi địa phương thông qua các chỉ số thành phần tương đương với những lĩnh vực quan trọng. Nhưng để biết ưu điểm, hạn chế đó nằm ở cơ quan, đơn vị nào và đâu là nguyên nhân của hạn chế đó thì cần đo lường chất lượng điều hành kinh tế cấp sở, ngành, cấp huyện, thành phố, bởi đây là cấp triển khai thực hiện các thủ tục hành chính đến với doanh nghiệp. Thực tế ở những tỉnh có bước đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đều đã xây dựng và công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện, thành phố. Xuất phát từ yêu cầu cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, cải thiện thứ hạng PCI, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập đề án xây dựng bộ chỉ số DDCI trên địa bàn tỉnh. Thông qua bộ chỉ số DDCI thúc đẩy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; đối thoại, giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… Theo đó, bộ chỉ số DDCI để các doanh nghiệp đánh giá  bao gồm 8 chỉ số thành phần đó là: tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, tính năng động, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức, vai trò của người đứng đầu.

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Tâm 

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển đàn trâu bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2019 – 2025 nhằm khai thác, phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển chăn nuôi đại gia súc, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi. Theo dự thảo, UBND tỉnh đề xuất cụ thể các nhóm chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về: đất đai, hạ tầng, vốn, giống, vắc xin phòng bệnh, nguồn nhân lực, kỹ thuật, đệm lót sinh học và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện.

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến, phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Những năm qua, Thái Bình đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song trong quá trình thực hiện vẫn còn những “rào cản” từ phía các ngành, các huyện, thành phố nên rất cần thiết phải ban hành bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố. Căn cứ để tỉnh ban hành bộ chỉ số DDCI là Nghị quyết số 19 ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; kinh nghiệm một số tỉnh đã làm và đạt kết quả cao; yêu cầu từ thực tiễn của tỉnh phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc ban hành bộ chỉ số DDCI nhằm cải thiện mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng của tỉnh với các doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, năng động, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất bộ chỉ số này sẽ là căn cứ triển khai thực hiện ngay trong năm 2020; trong đó quý I/2020 sẽ đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố của năm 2019, tháng 7/2020 sẽ đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2020, tháng 1/2021 sẽ đánh giá của cả năm 2020. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất 5 nguyên tắc cơ bản để ban hành bảng câu hỏi, tiêu chí để đánh giá; 8 chỉ số thành phần như đề xuất của UBND tỉnh, trong đó lưu ý 4 chỉ số thành phần quan trọng ưu tiên lựa chọn số điểm để đánh giá đó là: Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, vai trò của người đứng đầu.Về phương pháp khảo sát thống nhất như đề xuất của UBND tỉnh là dùng 2 phương pháp chính: phỏng vấn trực tiếp, khảo sát qua thư; đối tượng được đánh giá là 25 sở, ngành, đơn vị và 8 UBND huyện, thành phố; đối tượng đánh giá là các doanh nghiệp, các tổ hợp, hộ sản xuất kinh doanh; 4 mức đánh giá gồm: xuất sắc, tốt, trung bình, yếu kém.

 Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2019 - 2025. Cơ sở pháp lý, thực tiễn để ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ này là những quy định hiện hành của pháp luật về các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong một số ngành, lĩnh vực về tài nguyên, môi trường.  Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về nguyên tắc và điều kiện áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thể hiện ở 8 nhóm cơ bản gồm: Ưu đãi về đất đai, hỗ trợ tập trung đất đai; hỗ trợ hạ tầng, vùng, khu chăn nuôi trâu, bò tập trung; tiếp cận hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ phát triển phối giống nhân tạo; hỗ trợ vắc xin phòng bệnh; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ đệm lót sinh học; hỗ trợ về truyền thông và cấp miễn phí tài liệu cho các tổ chức và cá nhân tham gia phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo tiếp thu các ý kiến hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển đàn trâu bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019 – 2025; hoàn thiện đề án xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc ý kiến phát biểu của các đại biểu, giao Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo tổ chức kỳ họp bất thường để HĐND tỉnh thông qua 2 nội dung trên làm căn cứ để triển khai thực hiện.

Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình thực hiện dự án nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh.

Mạnh Cường