Thứ 7, 25/01/2025, 14:37[GMT+7]

Dấu ấn “tam nông” ở Hồng An

Thứ 2, 10/02/2020 | 08:48:40
895 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua, Đảng bộ xã Hồng An (Hưng Hà) luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Trang trại 6ha do ông Nguyễn Văn Thưởng, xã Hồng An quản lý được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Về Hồng An hôm nay dễ dàng nhận thấy sự thay da đổi thịt của một xã nông thôn mới, thành quả vận dụng linh hoạt các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sau hơn 10 năm đưa Nghị quyết số 26 vào cuộc sống.

Đảng bộ xã Hồng An có 476 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ (10 chi bộ thôn, 3 chi bộ trường học). Là xã duyên giang với vùng đất bãi rộng lớn, phù hợp trồng cây ăn quả, cùng với đó là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về 4 mũi nhọn đột phá tăng trưởng kinh tế, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch các vùng sản xuất, đặc biệt là cây ăn quả cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Song song với đó là tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tích tụ đất đai đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về hợp tác đầu tư để thành lập các trang trại, gia trại tập trung. Từ cuối năm 2014, xã đã quy hoạch được 4 vùng sản xuất với tổng diện tích 232,3ha, đặc biệt là vùng trồng cây ăn quả trên diện tích đất bãi với quy mô 140ha, chủ lực là cây chuối Đài Loan, chuối tiêu hồng với sản lượng từ 3.500 - 4.000 tấn/năm, doanh thu đạt khoảng 30 - 35 tỷ đồng, lợi nhuận đạt từ 6 - 8 tỷ đồng. Các cây ăn quả khác như cam, táo, ổi đạt sản lượng khoảng 300 tấn/năm, doanh thu khoảng 4 - 5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 700 - 800 triệu đồng/năm. Hiện tại, xã đã có vùng sản xuất 6ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm chủ lực là ổi lê (sản lượng 180 - 220 tấn/năm), cam đường canh (sản lượng 30 tấn/năm), gà thịt (sản lượng đạt 30 tấn/năm). Vài năm trở lại đây, xã phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông với 20 lồng, cho thu nhập cao. Chú trọng đổi mới hình thức sản xuất, xã đã vận động, thành lập thêm 1 HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Anh Trần Ngọc Tạo, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Hồng An cho biết: Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Đảng ủy, UBND xã, HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Hồng An được thành lập tháng 9/2019 với sứ mệnh là cầu nối thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi bảo đảm hiệu quả, bền vững gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của địa phương. Mặc dù mới được thành lập nhưng chúng tôi đã tích cực tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý, giao tiếp; gặp gỡ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để kết nối, ký hợp đồng thu mua nông sản lâu dài cho nông dân trong và ngoài xã.

Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã về phát triển kinh tế đã tạo điều kiện, phát huy tính tích cực vươn lên của người dân. Vẫn là mảnh đất từ bao đời nay làm ăn sinh sống nhưng người nông dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật để vươn lên làm giàu. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng nông nghiệp được nâng lên. Tại thời điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,43 triệu đồng, đến năm 2019 ước đạt 47,67 triệu đồng, tăng bình quân 14,9%/năm.

Thực hiện Nghị quyết số 26, Hồng An đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Địa phương chú trọng công tác quy hoạch xây dựng nông thôn, phát triển nông nghiệp, lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, chất lượng, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn tham gia các mô hình kinh tế tập thể và phong trào xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền xã cũng xác định thực hiện tốt công tác dân vận và quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và kiểm tra” nên nhận được sự đồng thuận cao.

Trên chặng đường mới, Hồng An sẽ tiếp tục tận dụng tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngân Huyền