Chủ nhật, 24/11/2024, 14:42[GMT+7]

Xuân nhật trường cửu

Thứ 2, 10/02/2020 | 09:03:13
3,742 lượt xem
Hẳn những ai “Đã là con mẹ, con cha/Thì sinh ở đất Diên Hà, Thần Khê” lại không nhớ câu thơ “lay động đất trời” của vua Trần Nhân Tông: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu”; dịch là “Đất nước hai phen chồn ngựa đá/Non sông ngàn thuở vững âu vàng” khẳng định cuộc kháng chiến trường chinh của quân dân nhà Trần chống giặc ngoại xâm tuy phải nhiều phen binh lửa nhưng giang sơn gấm vóc Đại Việt sẽ mãi mãi vững bền.

Chiêu Lăng xưa, nay là khu lăng mộ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).

Theo các tài liệu khảo cứu chép: Ngày mùng một đầu năm Mậu Ngọ (tức 5 tháng 2 năm 1258), vua Trần Thái Tông xuống chiếu chiêu tập đông đủ văn võ bá quan vào tòa chính điện Thiên An cao cao trên đỉnh ngọn núi Nùng ở chính tâm Hoàng thành Thăng Long, trọng thể và tưng bừng làm hai lễ lớn một lúc: “Mừng năm mới và mừng chiến thắng”. Trước đó, ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1257) qua tết “ông Công ông Táo” một hôm, vua Trần quyết định đưa toàn bộ sức mạnh quân sự sau 10 ngày rút lui chiến lược thực hiện kế “thanh dã” nghĩa là “vườn không, nhà trống” từ kinh đô Thăng Long về đứng chân trên vùng đất Long Hưng (Hưng Hà nay), nơi phát tích của nhà Trần, quân đội nhà Trần đã được củng cố, tăng lực lượng, tăng sức mạnh chiến đấu, quyết chiến một trận “sinh tử” ở Đông Bộ Đầu quét sạch quân xâm lược khỏi Thăng Long.

Sử cũ cũng chép rằng, năm Mậu Ngọ 1258, quân Nguyên Mông tiến hành xâm lược nước ta lần thứ nhất. Thái độ ngạo mạn, chúa Mông Cổ là Mông Kha ra lệnh cho Ngột Lương Hợp Thai, một tên tướng được mệnh danh “bách chiến bách thắng” đem một đạo quân ngót 3 vạn từ thượng nguồn sông Hồng (địa phận tỉnh Lào Cai nay) tràn vào Đại Việt. Với ý chí quật cường, vua Trần Thái Tông đã nhanh chóng tổ chức chống giặc, giữ nước. Thế mạnh như chẻ tre, quân Nguyên Mông hung hãn tiến vào Thăng Long, lúc ấy trong triều có người lo sợ khuyên vua nên “nhập Tống” (ý muốn nói Đại Việt nên dựa vào thế nước Tống để đánh lại quân Nguyên, vì lúc này nước Tống chưa bị tiêu diệt). Vua Trần Thái Tông đem chuyện đó kể với Thái sư Trần Thủ Độ, Thái sư đã khảng khái tấu trình: “Đầu thần chưa rơi, bệ hạ không có gì phải lo!”. Đạo quân Mông Cổ của tướng Ngột Lương Hợp Thai đuổi theo quân đội nhà Trần từ Bình Lệ Nguyên qua Phù Lỗ đến Thăng Long, thấy kinh thành nước Việt bỏ ngỏ chúng tràn vào chiếm luôn. Sau mấy cuộc tàn sát, đốt phá trong nội đô, chúng kéo đại quân ra đóng ở khu căn cứ thủy bộ Đông Bộ Đầu của nhà Trần ở mạn phía Đông trên hữu ngạn sông Hồng của kinh thành (bây giờ là khu vực chợ Long Biên, Hà Nội) chờ vua Trần đến “giao nộp đất nước”. Nhưng chờ mãi vẫn chẳng thấy, đến ngày thứ chín, đúng ngày tết Táo Quân tướng Mông Cổ đành phải phái hai viên sứ giả đi tìm triều đình nhà Trần để “chiêu dụ”. Sứ giả bị bắt trói và thả về. Ngày hôm sau (24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ, tức 29 tháng 1 năm 1258) “thiên binh vạn mã” nhà Trần từ đất Long Hưng đã tìm đến đại doanh Nguyên Mông mở trận đại chiến tiêu diệt gần hết lũ cướp nước. Đó là trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu. Lễ mừng chiến thắng được tổ chức tại tôn miếu nhà Trần ở Thái Đường để báo tiệp, trong niềm hân hoan đại thắng giặc Nguyên Mông vang lên những hồi chiêng trống, trong tiếng hô dậy đất “vạn tuế”, gió xuân lồng lộng thổi dồn, cờ xí bay rợp trời vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đã tuyên bố truyền ngôi cho con là Thái tử Trần Hoảng để trở thành Thái Thượng hoàng nhiếp chính. Thái tử Trần Hoảng sinh năm Canh Tý (1240) lúc này vừa bước vào tuổi 18, trong những ngày quân Nguyên Mông tràn sang xâm lăng Đại Việt, Thái tử Trần Hoảng đã xin phụ hoàng cho được xung trận đánh giặc, Thái tử cầm quân dũng mãnh, tả xung, hữu đột khiến quân thù “thất điên, bát đảo” không hổ danh dòng dõi Đông A, xứng đáng là người kế nghiệp nhà Trần. Thuận ý trời, hợp lòng dân, Thái tử Trần Hoảng được vua cha Trần Thái Tông nhường ngôi, Trần Hoảng ngự ngai vàng vừa khi “trai trẻ bẻ gãy sừng trâu”, hoàng đế lấy niên hiệu là Thiệu Long, tự xưng là Nhân Hoàng, miếu hiệu là Trần Thánh Tông.

Mùa xuân Canh Tý 2020, ngoảnh nhìn lại mùa xuân của 780 năm trước, Thái tử Trần Hoảng (Trần Thánh Tông) cất tiếng khóc chào đời cho đến nay non sông gấm vóc Đại Việt vẫn trải dài tươi xanh. Trong lịch sử các vương triều Việt Nam, vua Trần Thánh Tông được các sử gia ca ngợi là vị vua anh minh triều Trần và là vị hoàng đế tài giỏi giữ vững cơ nghiệp triều đại nhà Trần và nền độc lập quốc gia. Lịch sử phong kiến Việt Nam cũng ghi nhận triều đại nhà Trần là triều đại hưng thịnh nhất kéo dài 175 năm từ năm 1225 đến năm 1440 trải qua 14 đời vua. Con trưởng của vua Trần Thánh Tông là Trần Nhân Tông kế vị là đời vua thứ ba. Theo sử cũ ghi lại, vua Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời oanh liệt và có những đóng góp to lớn, thiết thực cho dân tộc. Ngày xuân đồng điệu thi ca và Trần Nhân Tông là vị vua có tâm hồn thi ca, những tác phẩm thơ văn của vua Trần Nhân Tông do “Thánh đăng ngữ lục” ghi lại tiêu biểu như các tác phẩm: Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Thiền lâm thiết chủy hậu lục, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự và Thạch thất mị ngữ đã bị thất lạc. Còn lại một số bài thơ, bài văn và ngữ lục được chép rải rác lưu truyền đó đây trong nhân gian. Cuộc đời Trần Nhân Tông khi còn ấu nhi đã có những biểu hiện khá rõ nét hơi hướng Phật giáo nhưng khi được ngự ngai vàng quyền lực thì vấn đề quan tâm đầu tiên của vua Trần Nhân Tông lại là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của quốc gia Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông là con đầu của Thượng hoàng Trần Thánh Tông, ông là một vị vua anh minh quả cảm, nhiều lần xông pha trận mạc đánh tan đội quân Nguyên Mông hung nô thiện chiến, đặc biệt là hai trận chiến vang dội lịch sử vào năm 1285 và 1288. Sử ghi, đầu năm 1285, quân Nguyên Mông lại tiến vào ải Nội Bàng mở đầu cho cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Trước thế mạnh của giặc, quân ta thất thủ. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn thay đổi chiến lược, lui quân phòng thủ để bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản công. Tình thế trước mắt gặp nhiều khó khăn, lòng người không khỏi hoang mang, dao động, trên con thuyền rút ra Hải Đông, vua Trần Nhân Tông viết vào đuôi thuyền hai câu thơ bất hủ:

Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh
(Việc cũ ở Cối Kê ngươi nên nhớ
Đất Hoan, Diễn vẫn còn kia mười vạn binh)

30 năm sau chiến thắng Đông Bộ Đầu đến niên hiệu Trùng Hưng của vua Trần Nhân Tông, người anh hùng lãnh đạo trực tiếp hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Nguyên Mông các năm 1284, 1285 và 1287, 1288, vào một ngày đầu xuân từ Thăng Long đi viếng Chiêu Lăng nơi an nghỉ ngàn thu của ông nội Trần Thái Tông ở Thái Đường (Long Hưng), nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, vua Trần Nhân Tông vẫn còn thấy những người lính già từng đánh trận Đông Bộ Đầu năm 1258, mái tóc đã điểm sương vẫn đi theo hộ giá. Ký ức hào hùng về trận quyết chiến, chiến lược ngày giáp tết năm Mậu Ngọ (tức là năm thứ bảy, niên hiệu Nguyên Phong của vua Trần Thái Tông) vẫn rực rỡ trong những “bạch đầu quân” đã khiến vua Trần Nhân Tông phát khởi tứ thơ hào sảng dâng tràn cho mùa xuân mãi mãi trường cửu:

Tì hổ thiên môn túc
Y quan thất phẩm thông
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong

(Xuân Nhật yết Chiêu Lăng)

Tạm dịch: 

Nghìn cửa quân tì hổ uy vũ/Các quan thất phẩm áo mũ đầy đủ/Quân sĩ có người đầu bạc vẫn còn/Thường thường kể chuyện thời Nguyên Phong. 

(Ngày xuân thăm Chiêu Lăng).

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin

Khi quân Nguyên Mông tiến vào Đại Việt, chúng tàn sát dân lành, tìm bắt vua Trần và về Long Hưng đào bới Chiêu Lăng. Chiêu Lăng ở Thái Đường nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà được nhà Trần xây dựng hành cung Ngự Thiên nguy nga, tráng lệ đặt lăng tẩm và đền thờ các bậc tiên đế.

Ông Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin

Miền đất Long Hưng bây giờ là huyện Hưng Hà, được sử cũ chép rằng: Chẳng những vào đầu thế kỷ XIII là nơi mà nhà Trần đã dựa vào để làm đặt chân lên kinh đô Thăng Long dần thay nhà Lý suy vi làm chủ cơ đồ nước Việt mà chính là quê hương nơi “chôn nhau cắt rốn” của những chỉ huy chủ chốt cuộc “rút lui chiến lược” vào những ngày tết năm Mậu Ngọ (1258) như Hoàng soái Trần Thái Tông, Thái sư Trần Thủ Độ và đặc biệt là Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung.

Ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân nhà Trần lần thứ nhất (1258) đã chiến thắng oanh liệt để lại những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc rút và thực hành trong các lần kháng chiến thứ hai, thứ ba sau đó.


Quang Viện

  • Từ khóa