Thứ 6, 22/11/2024, 23:02[GMT+7]

Bắc Bộ thiếu nước, Nam Bộ bị xâm nhập mặn nghiêm trọng

Thứ 2, 10/02/2020 | 16:04:18
1,822 lượt xem
Dự báo nguồn nước từ tháng 2 đến tháng 7/2020 tại khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN, thiếu hụt nhiều vào các tháng 2-4/2020. Tại Nam Bộ ranh mặn đã xâm nhập sâu vào các cửa sông từ 45-60 km, cao hơn cùng kỳ đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2016.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất tại Bến Tre

Thông tin về hiện trạng nguồn nước các vùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, tại khu vực Bắc Bộ từ tháng 11/2019 đến tháng 1/2020, tổng lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 20-50% so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng dung tích các hồ chứa lớn trên sông Hồng nhỏ hơn năm 2019 và xấp xỉ dưới mức nước theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Đối với khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, lưu lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ 40-80%; dung tích các hồ chứa thủy điện vừa và lớn khu vực Bắc Trung Bộ thiếu hụt từ 17-25% so với dung tích thiết kế; các hồ Trung Trung Bộ thiếu hụt từ 12-55% so với dung tích thiết kế; các hồ ở Tây Nguyên thiếu hụt từ 10-25% so với dung tích thiết kế.

Đối với khu vực Nam Bộ, trong tháng 1/2020, mực nước các trạm trên dòng chính Mekong biến đổi chậm và thấp hơn TBNN từ 0,2-0,7m, lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mekong (trạm Kratie - Campuchia) về đầu nguồn Cửu Long ở mức thấp hơn TBNN khoảng 18-20% và ở mức xấp xỉ cùng kì năm 2016.

Đặc biệt, trong tháng 1/2020, xâm nhập mặn tăng cao vào thời kỳ từ ngày 9-15/1 và 22-28/1/2020, ranh mặn 4g/l đã xâm nhập sâu vào các cửa sông Cửu Long từ 45-60 km (từ ngày 9-11/01), trên sông Vàm Cỏ từ 74-77 km (từ ngày 11-15/01) ở mức xấp xỉ và cao hơn cùng kỳ năm 2016.

Tại khu vực Nam Bộ mực nước trên các trạm dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và ở mức thấp hơn TBNN từ 0,2 -0,7m, xâm nhập mặn đã tăng cao với thời kỳ từ ngày 9 - 15/1 và 22 - 8/1/2020, ranh mặn 4g/l đã xâm nhập sâu vào các cửa sông.

Ông Hoàng Đức Cường cũng cho biết thêm, dự báo nguồn nước từ tháng 2 đến tháng 7/2020 tại khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN, thiếu hụt nhiều vào các tháng 2 - 4/2020, đặc biệt trên lưu vực sông Đà (đến các hồ chứa Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình) và trên lưu vực sông Thao.

Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 25-80%. Từ tháng 3-5/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Từ tháng 6-8/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ tương đương mùa khô năm 2019 tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa.

Khu vực Nam Bộ, nhận định dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL trong tháng 2 và tháng 3/2020 ở mức thiếu hụt so với TBNN và so với năm 2016 khoảng 5-20%. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung trong tháng 2/2020 (trong thời kỳ từ ngày 8-15/02 và 20-27/2); các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2020 (từ ngày 6 - 15/3), sau đó xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Về lưu lượng nước trên các sông, tính đến đầu tháng 2/2020, có 4/11 lưu vực sông về tổng thể còn thiếu nhiều nước gồm sông Mã, Hương, Vu Gia – Thu Bồn và lưu vực sông Ba. Tuy nhiên, do từ đầu mùa cạn đến nay, nhiều hồ chứa cũng đã hạn chế việc xả nước hoặc dừng phát điện để có thể tích thêm nước để nâng cao khả năng đủ nước để điều tiết cấp nước cho thời gian còn lại của mùa cạn (5-7 tháng).

Trên tổng số 34/133 hồ chứa có yêu cầu mực nước tối thiểu của các quy trình thì có 11 hồ chứa có mực nước vẫn đang thấp hơn mực nước tối thiểu là: Cửa Đạt, Hủa Na, Trung Sơn, Bản Vẽ, Bình Điền, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Ka Nak, Sông Hinh, Sê San 4 và Đại Ninh.

Theo baochinhphu.vn