Thứ 4, 27/11/2024, 17:46[GMT+7]

"Hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp xuất khẩu chính ngạch và đối tác Trung Quốc có thể nhận hàng"

Thứ 6, 14/02/2020 | 15:12:19
596 lượt xem
Bộ Công Thương khuyến cáo các DN cần hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.

Ảnh minh họa.

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) đang diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản trái cây.

Ngày 12/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 224/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: "Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, thống nhất với các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Công thương, UBND các tỉnh có đường biên giới và cơ quan liên quan xây dựng quy trình kiểm dịch y ế, vận chuyển hoàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của phương tiện để áp dụng tại các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sắt trên nguyên tắc tạo thuận lợi, đẩy nhanh hoạt động thông quan chàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh".

Bộ Công thương, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đang liên tục khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại các khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng; liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…; tiếp tục khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp dịch vụ logistics (đặc biệt là các doanh nghiệp có kho lạnh), hỗ trợ thông qua việc ưu tiên bảo quản các loại trái cây đang gặp khó khăn, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa; đồng thời tiếp tục các nỗ lực để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông sản và trái cây trong giai đoạn hiện nay.

Để ứng phó, giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản, trái cây của nước ta, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã đề nghị Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp rà soát, đánh giá lại tình hình và chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cả nước có kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, đối với các loại nông sản, trái cây đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (như thanh long và dưa hấu), cần có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này. Đối với những diện tích chưa gieo trồng, cơ quan chức năng cũng khuyến khích người dân chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn như chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển nông sản trước tác động của dịch bệnh Covid-19, diễn ra ngày 3/2/2020.

Theo vtv.vn