Pháo đài đồng bằng
Qua làng, ra cánh đồng, đường đỡ tối. Lửa hai bên đường rì rào. Chuyển bước những bước dài thoải mái. Đêm nay không mưa. Ai cũng mừng thầm. Những chiếc lá ráy, lá chuối phủ trên gói thóc cọ vào dây quang lạch xạch, lạch xạch, theo nhịp chân đi...
*
* *
Sau trận giặc biệt kích, mụ Củng ở lỳ bên Bái.
Lão Củng toan chuồn ngay sau hôm giáo Lạc bị khử. Nhưng sợ bỏ đi trong lúc của cải đầy rẫy ở nhà thì mất hết. Chạy được người mà mất của thì chạy làm gì. Lão liều ở lại.
Vợ lão định vận của đi gọn trong mấy ngày. Lão không bằng lòng. Làm vậy lộ toét tòe loe. Cứ làm dần dần. Bán thóc, đổi lấy tiền Đông Dương bỏ túi cho gọn. Quần áo, vàng bạc nhẹ nhõm mang đi ngay. Gà, lợn giết ăn cho béo bổ vào người. Đàn trâu cồng kềnh, tạm để đấy. Nhà không dỡ đi được đành chịu...
Mụ Củng chịu chồng tính toán giỏi. Mụ lo làm theo mưu mẹo của lão. Ngày ngày, mụ chỉ vẽ cho vợ Cự và Nuôi vận chuyển của cải lên thị xã gửi nhà vợ giáo Lạc. Mụ nghĩ về Nuôi. Con ấy thế mà được việc... Nuôi người từ bé lợi thật, bảo sao nghe vậy. Nó chậm chạp nhưng thật thà. Vậy càng tốt. Hay gì cái hạng nhanh nhảu tháo vát nhưng gian. Càng nhanh, ăn cắp càng nhẹn. Mỗi ngày nó gánh hai chuyến thóc đi bán. Để ý không thấy ăn bớt ăn xén hào nào. Nó thế mà thành thần giữ của cho mình.
Hôm nay mưa, Nuôi không về Nguyễn gánh thóc được. Mụ Củng lân la xuống nhà dưới chơi với cu Hoàn. Thằng bé ngồi bên mẹ xem sàng gạo, bốc từng nắm trấu bỏ lung tung quanh mẹ.
- Thằng cún lại đây bà hỏi nào!
Mụ Củng ngồi trên cái chổi. Từ hôm tản cư sang đây, tuy nhà anh em họ gần, mụ vẫn giữ kẽ, ăn ở xuềnh xoàng hơn. Lưng mụ tựa vào cái cột, bụng và đùi mụ kềnh kệnh khiến hai đầu gối chang hang ra.
Thằng bé giương đôi mắt đen nhìn mụ như thỏ nhìn trâu, rồi cúi xuống bốc trấu. Nó không lạ cũng không quen mụ. Nuôi khẽ bảo nó:
- Cụ gọi con, kìa! Con “ạ” cụ đi!
- Thằng bé chậm nói. Nó rồi cũng hiền như mẹ. Hiền thì ai cũng thương... Nhưng mũi rỗng huếch thế kia là trống hơi, sau này làm việc gì nặng là thở ầm ầm. Người ta kín hơi mới khỏe.
Nuôi liếc nhìn con, tay vẫn lắc lắc sàng gạo. Cô thoáng lo cho con.
Mụ Củng quay ra chăm chăm nhìn Nuôi, miệng nhai nhai trầu thư thả:
- Cô thì hiền. Nhưng cái tướng cô là vất vả. Con gái mà lưỡng quyền cao, mồm cá ngão...
Nuôi ngẩn người, dừng tay, nhìn mụ Củng như muốn hỏi gì thêm. Mụ hất hàm:
- Cô xòe bàn tay tôi xem nào. Tay mặt cơ. Giai tay trái, gái tay mặt... Hừ, năm ngón tay thưa dệch thưa dạc, có làm được đồng nào cũng lọt hết.
Mụ xòe bàn tay mình ra ngắm. Bàn tay những ngón bụ như những quả chuối mắn, len bên nhau kín khít.
Như trẻ con bị dọa ngáo ộp, Nuôi lặng người, tay rờ rẫm cạp sàng, cạp mẹt, trán dâm dấp mồ hôi.
- Dưng cô được cái trán, cái đầu kéo lại. Trán dẹt, đầu hai khoáy, đảm đương mọi sự, chống chọi mọi thứ... Người ta hỏng cái nọ được cái kia kéo lại...
Đôi mắt đờ đẫn của Nuôi chợt sáng lên. Cô nhìn mụ chờ nghe thêm.
- Hai vai cô bằng thế kia là có quỷ thần hai vai phù hộ.
Tay sàng của Nuôi nhanh hẳn lên. Cô kín đáo thở một hơi dài.
Cu Hoàn bốc trấu chơi một mình, chán rồi quay ra khóc. Nuôi bảo nó xòe bàn tay nhỏ xíu, bỏ cho dăm hạt gạo. Nó nhấm nhấm bằng mấy chiếc răng cửa. Nhấm hết lại khóc.
Mụ Củng ngoái lên nhà trên, lé xé:
- Cái Quẹt đem cho em quả ổi nhá!
Cu Hoàn đưa quả ổi lên môi, để lại một vết răng như chuột nhấm.
Mụ Củng ngắm thằng bé. Cái lưng dài, rõ giống lưng bố. Dài lưng tốn vải, quý báu gì. Đuôi mắt vắt lên sắc như mũi mác thế kia là ngỗ ngược hạng nhất. Cái thằng Tuyền bố nó đã ngỗ ngược có tiếng ở làng này. Mới mười lăm tuổi đã theo tuần tráng đi đuổi cướp, lấy của lại cho nhà mụ. Mụ chuộng Tuyền làm canh điền, làm luôn cả người giữ của.
Tiếng sàng gạo rào rào nhè nhẹ của Nuôi đưa mụ Củng trở lại dăm bảy năm trước. Mụ nhớ vụ mùa năm Thân lúa má thất thu, bố Tuyền không có thóc nộp tô, bỏ ba sào ruộng lĩnh canh trốn đi Hà Tu, Hà Lầm rồi chết mất mả chỗ nào. Tuyền thì từ thằng ở chăn trâu lớn lên làm canh điền, ăn mòn bát mòn đũa nhà mụ. Để Tuyền gắn bó với nhà mụ suốt đời, mụ gả Nuôi cho Tuyền, xem Tuyền như con... Nhưng thời thế đổi thay, Tuyền đổ đốn ra. Cự vác gậy đi tập một hai, Tuyền vác gậy đi theo. Rồi tập hát, tập bắn súng, múa đao, chủ nhà chơi trò gì, con ở đua đòi trò ấy, trông mà ngứa mắt lộn ruột... Bảo ban mãi không nghe, mụ tức mình dọa cho ra “ở riêng” đúng lúc Nuôi bụng mang dạ chửa. Dọa thế, nhưng Tuyền coi giời bằng vung, dám ra ở riêng để rộng cẳng. Mấy tháng thì vợ đẻ, túng xo lại. Chồng lao vào công tác, bấn bíu gỡ không ra. Vợ phải bế con sang đây nói khan nói vã với mụ, kiếm việc gì trong vườn trong bếp để vừa nuôi con vừa làm. Cho đến bây giờ, xem chừng cũng chưa rời khỏi nhà mụ được. Rời ra là đói rã họng ngay. Vậy càng tốt. Được con vợ nó lù đù, dễ sai dễ bảo. Nay mai có chạy lên thị xã hay đi đâu, mụ cũng cần có người đi theo để hầu hạ. Đám con ở nhà này, chả mấy đứa rắp tâm đi theo mụ. Mụ ở làng thì chúng quấn quít để nhờ vả. Mụ xiêu cư bạt quán thì ma nào theo... Phải ràng buộc chặt hơn nữa. Sao cho mình đi nó cũng theo đi - Mụ nghĩ vậy. Mụ chắc Nuôi phải theo mụ, vì ăn ở với mụ từ hồi lên sáu lên bảy. Mẹ đẻ ra Nuôi mắc chứng hậu sản ròn, ho quăng quắc suốt ngày đêm, da bủng như thị rụng, người gầy như cá khô, chết ngay ở chuồng trâu nhà mụ. Đám người nhà bớt mồm bớt miệng, kẻ cho nắm cháy, người cho lưng cơm, Nuôi lớn dần lên. Tám tuổi đã chăn ba con nghé. Mười tuổi, chăn nổi con trâu lại còn cắt được hai sọt cỏ. Rồi Nuôi được mụ nhận làm con. Nuôi làm mọi việc trong nhà ngoài đồng, thu vén cho mụ. Những ngày gần đây, Nuôi trông nom nhà cửa, gồng gánh vận đi cho mụ bao nhiêu là của. Không có Nuôi thì mất vãn.
- Này mẹ nó này! - Đột nhiên mụ Củng hạ giọng nói nhỏ - Tao bảo cho mẹ mày biết cái chuyện này...
Nuôi ngừng tay, ngước mắt nhìn mụ.
-... Chuyện này tao mới nghe loáng thoáng. Loáng thoáng nhưng có thật. Tao lo. Tao cứ đắn đo, không biết có nên nói với mẹ mày không?
- Có chuyện gì. Cụ cứ bảo con! - Nuôi khẩn khoản.
Vẫy Nuôi lại gần, mụ thì thào:
- Người ta đồn, cái Dâu với anh Tuyền, hôm nảo, hôm nào đấy, lần đến ở với nhau ruốt một ngày dưới hầm bí mật... Gái góa đã bốn năm năm...
- Thật hả cụ?
- Giời ơi! Lại còn hỏi... Này! Cá nục nấu với dưa hồng. Lờ đờ có kẻ mất chồng như chơi! Cô đừng có bỡn...
(còn nữa)
Bút Ngữ
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Tuyển Việt Nam đá tập với đội 9 lần vô địch K.League 21.11.2024 | 19:28 PM
- Thông cáo báo chí số 22 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV 21.11.2024 | 19:02 PM
- Thăm các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp 21.11.2024 | 19:03 PM
- Thường trực HĐND tỉnh: Giám sát chuyên đề việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước của huyện Tiền Hải 21.11.2024 | 19:03 PM
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh 21.11.2024 | 19:07 PM
- Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên 21.11.2024 | 19:08 PM
- Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21.11.2024 | 19:08 PM
- Xử lý 4 điểm vi phạm hành lang lưới điện cao thế 21.11.2024 | 19:10 PM
- Quỳnh Phụ: Tổng giá trị hoạt động nhân đạo năm 2024 đạt trên 14,6 tỷ đồng 21.11.2024 | 17:38 PM
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết 21.11.2024 | 17:34 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam