Thứ 3, 24/12/2024, 09:38[GMT+7]

Độc đáo những lễ hội mở cửa rừng và cầu ngư

Thứ 5, 20/02/2020 | 10:06:03
2,444 lượt xem
Trong khi nhiều lễ hội xuân ở các vùng, miền đất nước đã và đang dần thay đổi theo sự phát triển của xã hội, có những lễ nghi, tập tục thân thiện, hòa nhập với thiên nhiên, liên quan đến lao động, sản xuất đầu năm như lễ mở cửa rừng, cầu ngư vẫn được lưu giữ, mang đậm bản sắc vùng, miền, thu hút khách du lịch.

Ảnh minh họa.

Mùa lễ hội xuân đầu năm ở nước ta gắn với cuộc sống dựa trên nền nông nghiệp lúa nước cùng thiết chế xã hội làng xã. Tuy nhiên, nhiều lệ tục, lễ nghi liên quan đã và đang dần thay đổi khi nông nghiệp không còn là nền tảng thiết yếu của đời sống kinh tế và xã hội làng xã đang chuyển mạnh sang hướng đô thị hóa. Nhiều quan niệm và giá trị của cuộc sống nông nghiệp không còn phù hợp, cho nên mất dần, hoặc hiện hữu một cách mờ nhạt. Tuy nhiên, có những lễ nghi, tập tục thân thiện, hòa nhập với thiên nhiên, liên quan đến lao động, sản xuất đầu năm như lễ mở cửa rừng, cầu ngư vẫn được khôi phục và lưu giữ.

Các tộc người sống trên dải đồi núi ở nước ta có tục lệ mở cửa rừng (khai lâm) hoặc lễ mở núi (khai sơn) vào đầu năm. Theo lệ, từ ngày 25 tháng Chạp, làm lễ đóng cửa rừng. Từ ngày này, không ai được hái củi, đẵn cây, săn bắt thú trong rừng.

Tùy theo từng vùng, lễ mở cửa rừng thường tiến hành từ mồng 4 đến ngày rằm tháng Giêng. Ngọn núi hay cánh rừng hoặc một hang núi được dân làng/bản coi là “thiêng”, có khi là đình hay miếu của làng/bản là nơi làm lễ cúng thần núi (Sơn thần). Nếu không có quỹ công để mua sắm thì dân làng/bản cùng góp gạo, gà, rượu… sửa lễ. Đàn cúng được lập tại chỗ đất bằng phẳng, lễ vật được bày lên. Thầy mo thay mặt dân làng/ bản làm lễ, cầu xin thần phù hộ cho núi rừng luôn xanh tốt, không xảy ra lũ lụt; đem lại nhiều sản vật cho cộng đồng; phù hộ dân làng/bản khỏe mạnh, yên ổn, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn. Cúng xong, thụ lộc tại nơi làm lễ hoặc dọn về đình hoặc miếu. Nhiều nơi, sau lễ cúng, tổ chức lễ săn bắn tập thể đầu năm. Các thành viên là nam giới trong làng, cả già - trẻ, có sức đều có thể tham gia, mang theo lưới vây, các loại nỏ, giáo, mác, gậy và cả chó săn. Đến khu rừng đã định, làm lễ khấn Sơn thần rồi tổ chức cuộc vây, dưới sự chỉ huy của trùm phường săn hoặc của một người có tuổi, có kinh nghiệm săn bắn. Thú săn được khiêng về mổ, thui sạch rồi dâng lên cúng thần ở miếu của làng rồi chia đều nhau cho tất cả các thành viên tham gia.

Bản chất của lễ mở cửa rừng là sự tôn kính, thân thiện, hòa đồng của con người với môi trường núi rừng (gắn với sông suối); giáo dục con người ý thức gìn giữ môi trường - mái nhà che chở cho con người, bảo vệ nguồn tài nguyên - nguồn sống lâu dài của con người, làm cho môi trường được yên lành, nguồn tài nguyên không bị khai thác quá mức, bảo đảm nguồn lợi lâu dài.

Nếu như các địa phương vùng núi, rừng có lễ mở cửa rừng, cúng Sơn thần thì các làng chài sống bằng nghề đánh cá ở ven biển nước ta từ miền trung trở vào thường có tục thờ cá voi, hay cá Ông, tôn thành Nam Hải đại vương hay “Vua của sóng cả”. Đây là loại cá hiền lành, thường giúp ngư dân những khi đi biển, nhất là lúc gặp nạn. Vì thế, mỗi làng thường có một lăng thờ cá voi (gọi là lăng Ông) dựng cách bờ biển không xa. Mỗi lăng chứa nhiều bộ xương cá voi “lụ” (chết dạt vào bờ), được rửa sạch cho vào chum đặt trong các bệ thờ. Lăng Ông của các làng ven biển có vị trí quan trọng như đình thờ thành hoàng của các làng xã nội đồng.

Hằng năm, tại lăng Ông, các vạn chài tổ chức lễ cúng cá voi, hay lễ Nghinh Ông, hoặc lễ cầu ngư, thường vào một ngày tốt, ngay sau ngày Tết Nguyên đán đến trước rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, khi chưa kính cáo với thần linh, làng vạn, các ghe, tàu không được đi đánh bắt, ghe, tàu nào đã “trót” đi thì không được về đậu tại bến chung của làng. Cả làng họp bầu ra “ban các lái” (ban tổ chức) đi thu tiền ủng hộ của các gia đình để sắm sửa lễ vật. Lễ có thể “nhạt” (lễ vật đơn giản, ít) hay “mặn” (lễ vật to, nhiều), song bắt buộc phải có gà trống hoa. Trước sân lăng Ông, dân làng cùng bắc rạp, sửa lễ rồi dâng lên Nam Hải đại vương. Ban tế lễ do làng vạn bầu ra, gồm các bậc cao niên (từ 55 tuổi trở lên, tùy theo từng làng/vạn), đức độ, có uy tín, gia đình hòa thuận và không mắc tang trở. Trước ngày lễ, các thành viên ban tế lễ phải chay tịnh và sạch sẽ. Khi lễ thần, phải mặc áo dài, khăn đóng chỉnh tề, hành lễ phải trang nghiêm, tránh sai sót không đáng có; nếu không đúng sẽ bị thần giáng họa cho cả làng. Bài văn tế có nội dung cầu mong cho dân vạn khỏe mạnh, trong năm ra khơi được an toàn, đánh bắt được nhiều cá.

Sau phần lễ là phần hội gồm các hình thức ca hát văn nghệ, diễn xướng cùng các trò chơi giải trí như lắc thúng, kéo co dưới nước, có nơi đua chải, thi vá lưới…, làm tăng thêm không khí vui vẻ, háo hức trong làng vạn, tạo tâm thế bình an, cho ngư dân vững tin bước vào mùa đánh bắt mới. Sau lễ của cộng đồng, các gia đình dâng lễ ở lăng Ông, rồi chèo thuyền ra biển hoặc ở lạch gần đánh mẻ cá lấy lộc, cầu may. Từ đây, dân vạn chính thức vào mùa đánh cá.

Lễ cầu ngư thể hiện sự tôn kính thần linh biển, cũng thể hiện tính cộng đồng rất cao và đến nay vẫn được cộng đồng dân cư các vạn chài duy trì, phát huy, không những có ý nghĩa về văn hóa tâm linh mà còn góp phần động viên, tạo tinh thần hứng khởi lao động, mở đầu mùa ra khơi, bám biển, sản xuất.

Theo nhandan.com.vn