Thứ 6, 22/11/2024, 23:55[GMT+7]

Hưởng trái ngọt từ xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 25/02/2020 | 15:51:46
2,494 lượt xem
Với những thành tựu to lớn đạt được trong 10 năm (2010 - 2019) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã giúp tỉnh Thái Bình thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Những người được hưởng lợi trực tiếp từ xây dựng NTM không ai khác chính là người dân khi đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện vượt bậc.

Sản xuất vụ đông tại xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ).

Là tỉnh thuần nông, khi bắt tay xây dựng NTM, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn còn thiếu và chưa đồng bộ; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân toàn tỉnh là 5 tiêu chí/xã; điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Xác định cốt lõi của xây dựng NTM là phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Để hiện thực hóa điều này, Thái Bình đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cấp đồng bộ hệ thống điện, đường, trường, trạm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, giao thương, kết nối thị trường của người dân. Thành công đầu tiên của xây dựng NTM chính là các địa phương đã hoàn thành công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, đào đắp bờ vùng bờ thửa, chỉnh trang đồng ruộng. 

Bà Đào Thị Len, thôn Trung Kiên, xã Nam Bình (Kiến Xương) chia sẻ: Trước kia nhà tôi chỉ có hơn 7 sào ruộng mà có tới 5 thửa, giao thông nội đồng toàn đường đất, bờ vùng, bờ thửa nhỏ, cỏ mọc um tùm nên đi lại rất khó khăn, đặc biệt là lúc thu hoạch, vận chuyển thóc lúa. Sau khi địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, diện tích cấy lúa nhà tôi dồn lại chỉ còn 2 mảnh nên canh tác rất thuận lợi, từ khâu làm đất đến thu hoạch đều bằng máy nên giảm công lao động và chi phí sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Việc dồn điền đổi thửa của các xã, thị trấn trong huyện đã làm giảm số thửa ruộng canh tác và tăng diện tích của từng thửa, mỗi hộ dân chỉ còn từ 1 - 2 thửa ruộng với diện tích lớn. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu lao động thời vụ, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động. Hiện nay, toàn huyện có 1.529 máy làm đất các loại, 239 máy gặt đập liên hoàn, 25 máy cấy, 181 máy bơm điện, 148 máy bơm dầu… đã giúp cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 95% khâu thu hoạch, 100% khâu điều tiết nước. Nhiều địa phương đã quy hoạch vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao theo đối tượng cây trồng phù hợp với lợi thế của từng vùng; xuất hiện các hình thức thuê mượn ruộng, tích tụ ruộng đất với diện tích lớn để sản xuất. Toàn huyện hiện có trên 400ha diện tích đất đã được tích tụ với quy mô từ 2ha trở lên để sản xuất nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, cải thiện thu nhập cho người dân.

Dồn điền đổi thửa thành công đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giúp nông dân đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Toàn tỉnh đã xây dựng 234 cánh đồng mẫu lớn sản xuất tập trung có tổng diện tích 6.804ha với nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao được vào sản xuất. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn có bước chuyển biến rõ rệt, xuất hiện nhiều mô hình hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp và nông dân đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, đến nay toàn tỉnh đã thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 80% khâu thu hoạch và đang tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy.

Người dân xã Thụy Hưng (Thái Thụy) thu nhập ổn định nhờ sản xuất cây màu. 

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã huy động tổng nguồn lực xây dựng NTM (gồm tiền mặt, ngày công, xi măng tỉnh hỗ trợ, hiến đất, tài sản…) ước đạt 22.236 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động được, toàn tỉnh đã cứng hóa 1.275,51km kênh mương; xây dựng, nâng cấp 3.780,58km đường giao thông nội đồng và 8.408,32km đường trục xã, trục thôn, đường nhánh cấp 1 trục thôn, đường ngõ xóm; 277 trạm bơm và cống đập; đầu tư mới 23 trạm cấp nước sạch, nâng cấp và mở rộng phạm vi cấp nước tại 34 trạm; 207 trường THCS, tiểu học và mầm non; 1.069 nhà văn hóa xã, thôn; 180 trạm y tế; 247 khu xử lý rác thải và lò đốt rác; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp trên 6.100 nhà ở cho người có công, người nghèo; 100% số xã được đấu nối, sử dụng nước sạch. Với sự đầu tư quyết liệt, sau 10 năm xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở. Hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, lưới điện, chợ, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao, trạm y tế, trạm cấp nước sạch, bãi xử lý rác thải… đều đạt chuẩn theo quy định. Đến tháng 11/2019, 100% số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn NTM, 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, các huyện còn lại đủ điều kiện trình trung ương thẩm định và công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Thái Bình đang tiếp tục phấn đấu củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, trong đó chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vẫn là mục tiêu lớn nhất.

Với những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân có sự thay đổi vượt bậc. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cao với 9,91% và thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13,55 triệu đồng/người/năm thì hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 45,648 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,66%.

Thanh Huyền