Thứ 7, 11/01/2025, 00:34[GMT+7]

Hành trình mở đất, dựng nghiệp (Kỳ 3)

Thứ 4, 26/02/2020 | 09:18:25
2,894 lượt xem
Vốn mang dòng máu anh hùng của tổ tiên là những người tiên phong đi mở đất, lại được tôi luyện qua quá trình chinh phục vùng đất nhiều thử thách, những người con anh dũng của miền đất nơi đầu sóng ngọn gió không dễ dàng chấp nhận áp bức, bất công. Qua hàng nghìn năm chống phong kiến phương Bắc, trên đất Thái Bình đều bùng lên các cuộc đấu tranh lớn và rộng khắp.

Sông Hóa đoạn chảy qua xã An Thái (Quỳnh Phụ).

Kỳ 3: Anh hùng, hào kiệt Thái Bình dựng cờ chống phong kiến phương Bắc

Mảnh đất “hẻo lánh” nhiều anh hùng, nữ kiệt

Qua nhiều biến loạn, năm 25 sau Công nguyên, triều đình nhà Hán tái lập ở phương Bắc. Đám quân đô hộ nhà Hán càng có thêm cơ hội siết chặt chế độ cai trị nghiệt ngã, tàn bạo với Âu Lạc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là đỉnh cao của nỗi oán hận của dân tộc ta với ách cai trị của ngoại bang. Trên đất Thái Bình, phong trào nổi dậy chống chế độ cai trị Đông Hán bùng lên khá sớm và rộng khắp. Nhiều làng, nhiều vùng đã hợp lực cùng nổi dậy đánh giặc. Không khí hừng hực chống ngoại xâm ở miền đất tưởng chừng còn rất nhỏ hẹp, hẻo lánh cách đây gần 2000 năm đã được ghi nhận rất rõ qua nhiều dấu tích và cả những huyền thoại còn lưu truyền trong dân gian.

Đền Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà) - nơi thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục.

Ngọn cờ chống quân Đông Hán lớn nhất ở Thái Bình phải kể đến Vũ Thị Thục. Thục Nương xuất thân vốn người thuộc huyện Phù Ninh (Vĩnh Phúc), nổi tiếng xinh đẹp và có tài võ nghệ. Bị ép làm tỳ thiếp thái thú Tô Định, bà đã phá vây, xuôi sông Hồng về ẩn náu ở Tiên La (Đoan Hùng, Hưng Hà), tụ tập nghĩa quân khởi nghĩa. Theo thần tích đền Tiên La: Thục Nương cầm quân đánh giặc thắng nhiều trận lớn, được thăng phong làm Điển trưởng nội thị phu nhân. Cùng với Thục Nương công khai dựng cờ khởi nghĩa ở Tiên La, ở trang Đông Lực (An Khê, Quỳnh Phụ) cũng xuất hiện trại quân lớn của Lê Đô ngày đêm mài gươm, rèn luyện võ nghệ khởi nghĩa chống ngoại bang. Các nữ kiệt khác như Hậu Nương (Quỳnh Thái, Quỳnh Phụ), Nguyễn Thị Cẩm Hoa (Quỳnh Lưu, Quỳnh Phụ), Quế Hoa (Việt Hùng, Vũ Thư)... cũng tập hợp binh lính, tích trữ lương thảo theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Cả một vùng ven sông Hồng, sông Luộc rộ lên không khí sắm sửa giáo gươm, rèn tập võ nghệ sôi nổi. Nhiều cuộc giao chiến của nghĩa quân với giặc đã xảy ra. Cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Hán chấm dứt sau 3 năm ngắn ngủi song tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa đã mở đầu truyền thống chống ngoại xâm ngoan cường của dân tộc ta. Thái Bình, mảnh đất hẻo lánh đã tự giới thiệu sự hiện diện của mình trong lịch sử một cách đáng tự hào nhất trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Bền gan chống quân xâm lược phương Bắc

Thế kỷ thứ VI, Thái Bình là một trong những căn cứ đầu tiên nhen nhóm cuộc khởi nghĩa Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn) lật đổ ách đô hộ nhà Lương, dựng và giữ nước Vạn Xuân. Theo các tài liệu lịch sử, Lý Bí người phủ Long Hưng (Hưng Hà ngày nay), nổi tiếng là người văn võ toàn tài. Từng làm quan nhưng căm giận sự bạo ngược của quan lại nhà Lương, ông về quê liên kết hào kiệt khởi nghĩa. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, hào kiệt Thái Bình tự nguyện chiêu mộ binh lính, lập đồn lũy đánh giặc. Theo các thần tích, dấu tích, cả một hệ thống đồn lũy bám theo dòng Trà Lý ra biển đã được thành lập. Tại đây, Lý Bí còn cho xây một khu phòng thủ, đồn lũy hết sức lợi hại. Thế trận liên hoàn của Thái Bình đã góp sức cùng cả nước lật đổ ách cai trị bạo tàn của nhà Lương. Lý Bí lên ngôi hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, lập nên nước Vạn Xuân.

Thế kỷ XIII, đứng trước họa xâm lăng của quân Nguyên Mông, nhà Trần (vừa thay thế nhà Lý) đã phải gấp rút thực hiện chính sách phát triển kinh tế, tăng cường lực lượng quân đội và củng cố quốc phòng.

Tượng thờ voi đá trong cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình, đền, bến Tượng A Sào (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ).

Thái Bình khi ấy gồm 3 lộ phủ: Long Hưng, Kiến Xương, An Tiêm, địa bàn giao thông thuận lợi, đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc nên được nhà Trần đặc biệt quan tâm củng cố xây dựng thành một vị trí quân sự chiến lược. Ở Thái Bình khi ấy cũng đã có nhiều điền trang, thái ấp của các vương hầu, quốc thích nhà Trần. Nhà Trần đã cho tuyển dụng đinh tráng các phủ Long Hưng, Kiến Xương vào các đội quân túc vệ bảo vệ kinh đô. Các đội quân này đã được sử dụng tích cực, ngăn chặn quyết liệt bước chân xâm lược của kẻ thù. Sử sách còn ghi nhận vai trò của đội quân “gia đồng” Tinh Cương ở miền Ngự Thiên (Hưng Hà ngày nay) trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, nhà Trần cũng sử dụng địa bàn Thái Bình vừa như một hậu phương dự trữ vừa như một phòng tuyến quân sự sẵn sàng đánh trả kẻ thù. Nhà Trần đã lập một kho lương lớn ở “A Sào khu, An Hiệp trung” (An Đồng, An Thái, Quỳnh Phụ). Bên cạnh các điểm phòng thủ, nhà Trần còn bố trí rất nhiều kho đạn lớn như Nại (Liên Hiệp, Hưng Hà), Đại Nẫm (Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ), Mễ Thương (An Thái, Quỳnh Phụ)... Các thợ rèn giỏi của làng Cao Dương (Thụy Hưng, Thái Thụy), An Tiêm (Thụy Dân, Thái Thụy) được triệu tập tới lo rèn đúc vũ khí; quần áo thì giao cho nhân dân làng Mẹo (Thái Phương, Hưng Hà) chuẩn bị... Với sự tham gia của nhân dân địa phương, cụm căn cứ liên hoàn đã được hình thành, bám sát dòng chảy sông Luộc, sông Hóa ra đến tận cửa biển. Đây là cơ sở để vua tôi nhà Trần thực hiện thành công kế sách “Dĩ đoản chế trường”, dùng ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Trên bờ sông Hóa ngày nay vẫn còn một con voi đá và vị trí ngôi đền thờ Đức Thánh Trần (nay đã được xây dựng thành quần thể di tích bến Tượng và đền A Sào tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) với câu chuyện “Con voi của Trần Hưng Đạo” cùng lời thề “Nếu trận này không thắng, ta quyết không trở lại bến sông này” mãi là câu chuyện cảm động về sự ủng hộ hết lòng của nhân dân, về mối quan hệ gắn bó giữa quân với dân trên đất Long Hưng, Kiến Xương. Với vị trí địa lý, vai trò của mình, Thái Bình trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thế kỷ XIII đã khẳng định đây là một hậu cứ dồi dào sức người, sức của, một phòng tuyến lợi hại, góp phần cùng cả nước tạo nên một thế trận liên hoàn giúp nhà Trần liên tục chiến thắng thế lực xâm lược hung hãn nhất trong lịch sử chiến tranh thời trung cổ.

Sau khi lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi vẻ vang, trị vì gần 200 năm, đầu thế kỷ XV, nhà Trần bị nhà Hồ soán ngôi. Quân Minh xâm lược nước ta, thực hiện chế độ cai trị tàn ác. Hàng loạt cuộc nổi dậy chống lại chính quyền đô hộ đã bùng nổ và lan rộng. Tại Thái Bình, không khí chống giặc Minh được nhen nhóm sớm. Đoàn Công Uẩn (Thụy Trình, Thái Thụy) anh dũng chống giặc Minh bị giặc bắt, mổ bụng, lột da cũng không khuất phục. Bảy anh em Phạm Bôi (An Bài, Quỳnh Phụ) tập hợp lực lượng nổi dậy chống giặc, tiếng vang lừng lẫy khắp vùng. Tại Kiến Xương, Bùi Đằng Liêu nổi dậy lập căn cứ chống giặc ngay tại quê hương. Tất cả các thủ lĩnh Thái Bình đều theo nghĩa quân Lam Sơn khởi nghĩa góp sức đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập cho nước Đại Việt. Trong hàng trăm năm chống quân xâm lược phương Bắc, người Thái Bình và mảnh đất Thái Bình tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.


Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin
Mảnh đất Thái Bình từ xa xưa đã là vùng đông dân, vựa lúa của vùng đồng bằng sông Hồng nên nơi đây sớm trở thành vị trí chiến lược quan trọng, là hậu phương, là tiền tuyến của nhiều cuộc kháng chiến chống quân thù trong lịch sử. Mảnh đất này nhân dân cũng vốn có tinh thần dũng cảm, thượng võ, không chịu khuất phục áp bức, bất công nên mỗi khi có giặc đến xâm lược thì nhân dân đều đoàn kết, xả thân đứng lên đánh đuổi giặc. Qua mỗi thời kỳ lịch sử, đất và người Thái Bình đều xuất hiện nhiều anh hùng, hào kiệt và có đóng góp tích cực vào các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh
Trải qua các thời kỳ lịch sử, người Thái Bình luôn phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Qua các thời kỳ chống quân xâm lược phương Bắc, người Thái Bình đã tụ nghĩa dưới lá cờ của các tướng lĩnh như Hai Bà Trưng, Lý Bí, Khúc Thừa Dụ, Đinh Bộ Lĩnh... đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ biên cương, bờ cõi. Đến thời nhà Trần, phong trào chống quân Nguyên Mông của người Thái Bình diễn ra sôi sục. Nhiều thủ lĩnh Thái Bình đã được sử sách lưu truyền vì những đóng góp hiển hách trong đánh đuổi giặc ngoại xâm. Truyền thống yêu nước đã được hun đúc, tạo nên bản chất, tính cách của người Thái Bình dũng cảm, thông minh, không tiếc thân mình hy sinh vì Tổ quốc.


Trần Hương - Song Cường 

(còn nữa)


(Bài viết sử dụng tư liệu từ Địa chí Thái Bình, Từ điển Thái Bình, Lịch sử Đảng bộ Thái Bình, các tài liệu liên quan và ý kiến, tư liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử).