Thứ 3, 14/01/2025, 10:45[GMT+7]

Chủ động bảo vệ các đối tượng thủy sản thời điểm giao mùa

Thứ 4, 26/02/2020 | 16:08:31
2,197 lượt xem
Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi khiến nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, ngoài ra còn xuất hiện những đợt không khí lạnh với cường độ nhẹ kèm theo mưa làm ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Để động vật thủy sản không bị tác động bởi thời tiết bất lợi, người dân các địa phương đã tăng cường nhiều biện pháp bảo vệ các đối tượng nuôi.

Người dân cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý cho các đối tượng nuôi khi thời tiết thay đổi.

Nhiều năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Đông Tiến, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) luôn duy trì hơn 4.000m2 diện tích mặt nước để nuôi thả các giống cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè, kết hợp nuôi thêm cá vược cho nguồn thu ổn định với hơn 100 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. 

Bà Thanh cho biết: Nguồn thu chính của gia đình từ nuôi cá nên mỗi khi bước vào vụ nuôi mới ngoài việc phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, tôi còn chủ động các biện pháp bảo vệ đàn cá khi thời tiết giao mùa. Ngoài việc chuẩn bị ao nuôi, tiến hành diệt khuẩn, tu sửa, gia cố lại bờ ao, cống chắc chắn để tránh nước bị rò rỉ thì tôi còn hòa vôi với nước tạt đều xuống ao nuôi định kỳ 2 lần/tháng để khử trùng và diệt mầm bệnh trong nước ao. Vào những ngày thời tiết thay đổi khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu bất thường do thiếu oxy thì tôi bơm nước sạch vào ao rồi dùng máy quạt nước để tăng cường oxy trong ao nuôi; đồng thời thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để biết được nhiệt độ hàng ngày, từ đó điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp cho cá.

Nuôi cá lồng trên sông Hồng đã hơn 8 năm, gia đình ông Phạm Đình Chiểu, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) thường duy trì từ 60 – 70 lồng nuôi với các loại cá cho giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, trắm đen, chép giòn, cá lăng. 

Ông Chiểu cho biết: Khi giao mùa là lúc thời tiết có nhiều thay đổi, cá dễ bị ảnh hưởng và phát sinh dịch bệnh, vì vậy tôi đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc, quản lý để nâng cao sức đề kháng cho cá. Những ngày nhiệt độ xuống thấp, cá thường ăn ít nên tôi giảm lượng thức ăn so với những ngày nắng ấm để tránh dư thừa gây thất thoát thức ăn và ô nhiễm môi trường nước; thời điểm cho cá ăn từ 14 – 15 giờ hàng ngày vì lúc này nhiệt độ ấm hơn. Ngoài ra tôi còn áp dụng các biện pháp bảo vệ, phòng bệnh cho cá như hạ thấp lồng nuôi; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ; treo túi vôi ở các góc lồng để vôi tỏa ra khử trùng môi trường nước nhằm tiêu diệt, hạn chế mầm bệnh phát sinh gây bệnh cho cá.

Đối với cá lồng nuôi trên sông, những ngày không khí lạnh nên neo hạ lồng xuống sâu hơn; thường xuyên treo các túi vôi xung quanh lồng để khử trùng nước và hạn chế dịch bệnh.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hơn 15.500ha, trong đó: nuôi nước mặn hơn 3.000ha; nuôi nước lợ gần 3.500ha; nuôi nước ngọt gần 9.000ha. Ngoài ra, người dân các huyện, thành phố nuôi 602 lồng cá trên sông với tổng thể tích gần 67.000m3

Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi cho mầm bệnh trên các đối tượng thủy sản phát triển. Để hạn chế những tác động xấu do thời tiết bất lợi gây ra, các địa phương và người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để chủ động các biện pháp bảo vệ đối tượng nuôi khi thời tiết thay đổi. Về ao nuôi cần phải được vệ sinh sạch sẽ, gia cố xung quanh bờ ao để tránh nước bị thất thoát; bón vôi để tiêu diệt mầm bệnh, ổn định độ pH và diệt tạp; nâng cao mực nước trong ao từ 1,5 - 2m để duy trì nhiệt độ nước ổn định. Trong quá trình nuôi, người dân cần chú ý công tác chăm sóc quản lý, cho cá ăn thức ăn bảo đảm đủ chất và lượng để cá sinh trưởng, tăng sức đề kháng, tích lũy chất dinh dưỡng chống chịu tốt trong điều kiện môi trường thay đổi; tùy vào nhiệt độ môi trường và giai đoạn sinh trưởng của đối tượng nuôi cần điều chỉnh thức ăn cho phù hợp, bổ sung độ đạm tối thiểu 28%, vitamin C, B-Complex vào thức ăn để tăng sức đề kháng, thời gian cho cá ăn từ 9 - 10 giờ hoặc 14 giờ hàng ngày. Đối với cá lồng nuôi trên sông, những ngày không khí lạnh nên neo hạ lồng xuống sâu hơn; thường xuyên treo các túi vôi xung quanh lồng để khử trùng nước và hạn chế dịch bệnh. Khi môi trường ô nhiễm chưa có điều kiện thay nước thì phải sử dụng chế phẩm sinh học có tác dụng làm sạch nước để cải thiện môi trường nuôi; người dân phải thường xuyên kiểm tra diện tích nuôi và các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường trên đối tượng nuôi.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày