Thứ 7, 11/01/2025, 00:35[GMT+7]

Hành trình mở đất, dựng nghiệp (Kỳ 4)

Thứ 5, 27/02/2020 | 09:02:53
3,258 lượt xem
Thái Bình vốn là tỉnh nông nghiệp thuần túy, nông dân chiếm phần lớn dân số. Dưới ách cai trị bạo tàn, hà khắc của ngoại bang và các triều đình phong kiến mục nát, không ai khác, người nông dân chính là người phải chịu nhiều áp bức nhất. Vốn có truyền thống anh hùng, thượng võ nên những người nông dân Thái Bình đã vùng lên chống giặc. Tinh thần nông dân khởi nghĩa đã lan tỏa ra mọi tầng lớp nhân dân.

Đền thờ Hoàng Công Chất ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh tư liệu

Kỳ 4 : Sục sôi khởi nghĩa nông dân

Sục sôi khởi nghĩa nông dân

Bước vào thế kỷ thứ XVIII, thế kỷ của “nông dân khởi nghĩa”, Thái Bình là một địa bàn hết sức sục sôi bởi hàng loạt các cuộc nổi dậy chống triều đình phong kiến Lê - Trịnh đã quá mục ruỗng, thối nát. Đê vỡ, bão lụt, hạn hán, mất mùa, đói kém và nạn phiêu tán phổ biến của nhân dân ở nhiều làng xã Thái Bình là nguyên nhân trực tiếp của sự phẫn nộ, nổi dậy trong nông dân. Mở đầu cho ngòi nổ của sự phản kháng này là cuộc khởi nghĩa do Bùi Đá, Hoàng Sỏi, hai nông dân nghèo vùng Quỳnh Côi phát động. Bùi Đá và Hoàng Sỏi đã kêu gọi nhân dân trong vùng tham gia ứng nghĩa. Nghĩa quân nhận được sự đồng lòng của người dân nhanh chóng phát triển về số lượng. Hai ông cho xây dựng một tòa thành kiên cố bằng hàng nghìn cối đá tại khu vực chợ Và (Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ) làm căn cứ. Để đàn áp cuộc khởi nghĩa này, nhiều lần nhà Trịnh đã cho quân đến vây thành, song đều bị nghĩa quân rút ra theo đường hầm bí mật đánh úp, mãi đến lần thứ 5 chúa Trịnh mới chiếm được thành.

Tuy nhiên, lớn hơn cả ở Thái Bình cũng như so với vùng Bắc Bộ lúc này là cuộc khởi nghĩa nông dân của Hoàng Công Chất (người làng Hoàng Xá, Nguyên Xá, Vũ Thư). Cuộc khởi nghĩa Hoàng Công Chất kéo dài từ năm 1739 đến năm 1764, đây cũng là cuộc khởi nghĩa có phạm vi hoạt động rộng, liên kết nhiều lực lượng nổi dậy. Quân khởi nghĩa của Hoàng Công Chất phát triển lực lượng không chỉ ở Thái Bình, khắp vùng duyên hải Bắc Bộ mà còn lan tỏa ra khắp miền Tây Bắc. Trong sử người Thái ở Tây Bắc còn gọi ông là vua Hoàng. Mục tiêu lật đổ triều đình phong kiến Lê - Trịnh không thành nhưng cuộc khởi nghĩa Hoàng Công Chất và các cuộc khởi nghĩa nông dân khác đã làm tiêu hao sinh lực quân sự của triều đình, tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vào năm 1785.

Thế kỷ XIX, dưới triều nhà Nguyễn, ngọn lửa nông dân chống triều đình phong kiến phản động một lần nữa bùng lên dữ dội. Lớn nhất trong các cuộc khởi nghĩa nông dân Bắc Hà là cuộc nổi dậy của nông dân Thái Bình do Phan Bá Vành (quê làng Minh Giám, huyện Vũ Tiên, nay là xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương) làm thủ lĩnh. Vốn xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, Phan Bá Vành thấu hiểu nỗi thống khổ của đại đa số dân nghèo. Có sức khỏe lại giỏi võ nghệ, tinh thần sục sôi căm hờn phong kiến phản động đã thôi thúc Phan Bá Vành đứng lên khởi nghĩa. Hàng vạn nông dân đã tham gia cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành, hoạt động của nghĩa quân rộng khắp các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên tới Quảng Ninh. Phong kiến nhà Nguyễn đã phải hoảng loạn trước sức mạnh phản kháng mãnh liệt của nông dân nghèo Thái Bình do Phan Bá Vành lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành thất bại nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng của nghĩa quân còn vang vọng mãi truyền thống đấu tranh bất khuất của nông dân Thái Bình vì ruộng đất, cơm áo và công bằng, dân chủ.

Lan tỏa phong trào kháng Pháp

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Cùng cả nước, người Thái Bình lại sôi sục ý chí đánh giặc, kiên quyết không “đội trời chung” với kẻ thù xâm lược.

Năm 1873, Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Ở Thái Bình đã nhanh chóng hình thành nhiều trung tâm kháng chiến. Đến giai đoạn này, nhiều văn thân, sĩ phu yêu nước đã tập hợp lực lượng kháng Pháp. Năm 1883, thực dân Pháp tiến chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, cuộc kháng chiến chống Pháp lại tiếp tục được dấy lên mạnh mẽ ở Thái Bình với phạm vi trải rộng khắp tỉnh và bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn đấu tranh chống kế hoạch bình định và cướp bóc của thế lực thực dân cùng bọn tay sai phản động. Lực lượng kháng chiến ở Thái Bình xuất hiện nhiều cánh quân mới. “Trên, quan Đề Tạ Quang Lang/Dưới ông Bang Tốn quê làng Hoàng Nông/Lại thêm An Kiến Động Trung/Đông Quan, Ngự sử ở vùng Phù Lưu”, đó là những thủ lĩnh tiêu biểu trong phong trào kháng Pháp ở Thái Bình ngay những năm đầu sau khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2. Với lối đánh du kích lợi hại, các nghĩa quân đã làm cho địch nhiều phen hoảng loạn. Năm 1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, phong trào kháng chiến chống Pháp ở Thái Bình bùng lên đều khắp, sôi nổi và quyết liệt. Bên cạnh các văn thân, sĩ phu yêu nước, nhiều cánh nghĩa quân do dân tập hợp cũng liên kết đứng lên kháng chiến.

Giai đoạn 1885 - 1890, phong trào và các trận đánh dưới sự chỉ đạo của các thủ lĩnh như Tạ Hiện, Phạm Huy Quang cùng hàng chục thủ lĩnh nghĩa quân khắp vùng tại Thái Bình được chỉ đạo với quy mô lớn, bài bản và có sự liên kết chặt chẽ. Các cuộc tập kích táo bạo, bất ngờ của nghĩa quân đã gây cho địch nhiều tổn thất nghiêm trọng. Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào kháng chiến tại Thái Bình, nhiều lúc địch đã phải tung ra một lực lượng quân sự từ Hưng Yên đánh xuống, Nam Định đánh sang, Hải Dương đánh vào. Song các cuộc hành binh tìm diệt, cướp bóc của địch đều vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân Thái Bình. Trong bối cảnh đó, cùng với thiết lập nhiều tỉnh mới theo quy mô phù hợp để dễ bề kiểm soát, Toàn quyền Đông Dương đã quyết định thành lập phủ Thái Bình. Trong một báo cáo gửi về Bộ Thuộc địa Pháp về việc thành lập tỉnh Thái Bình, viên Toàn quyền Đông Dương đã lý giải: “Dân vùng này ngoan ngạnh, khó trị, phải thành lập một tỉnh riêng để cử quan công sứ cai trị”. Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình gồm phủ và phân phủ Thái Bình và phủ Kiến Xương tách ra từ tỉnh Nam Định và huyện Thần Khê tách khỏi tỉnh Hưng Yên.

Thành lập tỉnh Thái Bình để chia cắt “hòn đảo” Thái Bình với phong trào cách mạng trên toàn miền Bắc nhưng Toàn quyền Đông Dương đã thất bại với mưu đồ này. Trở thành một đơn vị hành chính độc lập, phong trào cách mạng của nhân dân Thái Bình không những không bị chia cắt, dập tắt mà càng nổi lên mạnh mẽ, quyết liệt và chủ động hơn. Nhân dân Thái Bình đã bước sang một giai đoạn cách mạng mới với nhiều cuộc khởi nghĩa quy mô, có sự lãnh đạo bài bản để chuẩn bị cho những năm tháng kháng chiến sục sôi, công khai, tiến đến khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.


Ông Lê Công Hưng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nhân dân Thái Bình, trong đó chủ yếu là nông dân đã tiến hành cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ và liên tục chống lại bọn thực dân và địa chủ phong kiến phản động. Cuộc đấu tranh đó, cùng với những truyền thống tốt đẹp về nhiều mặt của nhân dân Thái Bình đã tạo ra tiền đề thuận lợi để Thái Bình sớm tiếp thu được ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành một trong những cái nôi và trung tâm cách mạng của xứ Bắc Kỳ giai đoạn 1925 - 1945.

Ông Đào Văn Hồng, nguyên Trưởng phòng Quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh Thái Bình
Phong trào khởi nghĩa nông dân tại Thái Bình diễn ra ở khắp các địa phương trong tỉnh kéo dài qua nhiều thế kỷ chống lại triều đình phong kiến mục ruỗng và có những thành công nhất định. Đến đầu thế kỷ 20, phong trào khởi nghĩa nông dân chống thực dân Pháp càng quyết liệt và thể hiện rõ nhất ở hai cuộc biểu tình của nông dân hai huyện Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930 và cuộc biểu tình của nông dân huyện Tiền Hải ngày 14/10/1930. Trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, nông dân Thái Bình đã cùng nhau đứng lên chống Pháp, họ treo cờ, rải truyền đơn, giăng biểu ngữ yêu cầu thực dân Pháp giảm thuế, giảm sưu, cấp thóc gạo cho dân, được tự do đi lại và hội họp... Mặc dù hai cuộc biểu tình thất bại, nhiều chiến sĩ cách mạng bị giết, nhiều người bị thương nhưng đã thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của nông dân Thái Bình, tạo ra một làn sóng đấu tranh trong cả nước, góp phần đưa Thái Bình trở thành địa phương có phong trào cách mạng mạnh nhất Bắc Kỳ, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931.


Trần Hương - Nguyễn Cường 

(còn nữa)


(Bài viết sử dụng tư liệu từ Địa chí Thái Bình, Từ điển Thái Bình, Lịch sử Đảng bộ Thái Bình, các tài liệu liên quan và ý kiến, tư liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử)

  • Từ khóa