Thứ 7, 23/11/2024, 15:28[GMT+7]

Thượng Hộ nhân hào

Thứ 3, 03/03/2020 | 08:26:22
6,199 lượt xem
Truyền ngôn rằng: Lũy vua tiền Lý (Lý Nam Đế) đắp là lũy Hồ, tư thất của vua đặt ngay tại đất miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư ngày nay). Khi vua băng hà, dân sở tại sửa sang phủ đệ cũ thành đền miếu. Lý Nam Đế xây biệt điện ở trang An Để, hương Màn Để, gọi là An Điện, treo bức hoành phi 4 chữ: “Vạn Xuân chính điện” (Chính điện của nước Vạn Xuân).

Miếu Hai Thôn, trang An Để, hương Màn Để, nay là xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư - nơi thờ Lý Nam Đế.

Các nguồn khảo luận và truyền ngôn hương Màn Để đều ghi nhận họ Đỗ huyện Chu Diên là con cháu đại sư Đỗ Viện. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi nhận: Đỗ Viện người Chu Diên ta. Cuốn “Linh Nhân Lý, Tiền Lý triều phả lục” có ghi: Vào thời thuộc Lương (thế kỷ VI), tại khu Tây Để, hương Màn Để có cụ Đỗ Công Cần và phu nhân Bùi Thị Hoan là hào trưởng trong vùng. Cụ sinh thục nữ, đặt tên là Đỗ Thị Khương, diện sinh tựa ngọc, dáng tựa tiên nga, tài đức trọn vẹn. Tuy là lệnh nữ nhưng vẫn chăm chỉ việc đồng, việc nhà. Một lần, Lý Nam Đế đi tuần du đến thôn Tây Để, lính hiệu dẹp đường, dân tình giãn ra, riêng Đỗ Thị Khương thản nhiên nhổ cỏ, tát nước. Lính ngự lâm vặn hỏi, Đỗ Thị chẳng hề run sợ, nét mặt tươi tắn, lễ phép trả lời “Ta đang bận việc nước non à”, vẫn nhanh tay liềm, miệng nở như hoa hát: “Tay cầm bán nguyệt xênh sang/Tay đang giữ nước sửa sang cõi bờ”. Lý Nam Đế nghe hết lời hai bên, biết thôn nữ xinh đẹp kia không phải người thường liền xuống ngựa đến bên ân cần hỏi nhà cửa, quê quán rồi sai phu kiệu khiêng thẳng đến phủ đệ họ Đỗ, dâng lễ vật ngỏ hỏi xin rước Khương nương về trướng phủ. Từ đó hai họ Lý, Đỗ kết thân.

Theo danh mục “Thần tích, thần sắc Việt Nam” thì cả vùng Thượng Hộ (bao gồm từ xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà đến Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư và sang sông bên xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng) đều thờ Lý Nam Đế và Linh Nhân Lý Đỗ Thị. Các làng: Thượng Hộ, Gia Lạc, An Điện, Thanh Hương, Đồng Đại, Hữu Lộc, Phương Tảo, Thanh Bản, An Để... còn lưu giữ được thần sắc cổ, đặc biệt bộ thần tích viết từ thời Hồng Phúc nhà Lê. Tiêu biểu là cuốn “Lý Nam Đế Phả Lục” (dân gọi là Ngọc Phả) và thôn Hữu Lộc còn cuốn “Linh Nhân Lý, Tiền Lý triều phả lục”, tuy bản chép về vua Lý, bản chép về Đỗ Hoàng hậu nhưng khớp lại thì thành bộ sử thế kỷ VI của vùng Màn Để và thiên tình sử bi tráng giữa Lý Bí và Đỗ Thị Khương. Ngọc phả của các làng Cự Lâm, Hữu Lộc, xã Xuân Hòa và Hậu Tái, Bạch Đằng, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) đều khẳng định hương Màn Để (Hiệp Hòa, Vũ Thư ngày nay) là quê hương Đỗ Hoàng hậu (vợ vua Lý Nam Đế). Tương truyền, trong một lần hành quân qua hương Màn Để để đến đất Tây Trang (nay là thôn Hữu Lộc, xã Xuân Hòa), Lý Bí nhìn thấy khu đất (nay là thôn An Để, xã Hiệp Hòa và thôn Phương Tảo, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư) có thế long chầu, hổ phục, nhân dân nơi đây no đủ, phong tục thuần hậu liền hạ lệnh cho binh lính dựng trại lưu quân. Lý Bí nhận thấy đây là vùng đất an lành liền truyền lệnh binh sĩ cùng nhân dân hương Màn Để đắp đồn lũy, xây dựng hành cung chuẩn bị cho những cuộc chiến lâu dài chống quân xâm lược phương Bắc. Sau khi xây dựng xong đồn lũy và hành cung tại hương Màn Để, mọi việc yên hàn, Lý Bí nhường quyền chỉ huy đồn lũy ở hương Màn Để cho Đỗ phu nhân rồi dẫn đại quân lên đường tiếp tục chiêu binh, mộ tướng, mở rộng căn cứ chống quân xâm lược phương Bắc.

Ngược dòng thời gian, mùa đông năm 541, sau thời gian làm quan Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) dưới thời nhà Lương đô hộ, không chịu được cảnh áp bức, bóc lột và âm mưu đồng hóa của nhà Lương, Lý Bí đã liên kết với hào kiệt các châu lân cận khởi binh chống nhà Lương. Dưới sự lãnh đạo của Lý Bí, nghĩa quân nhanh chóng kiểm soát toàn bộ Giao Châu, Bắc Trung Bộ, quận Hợp Phố (Quảng Đông, Trung Quốc nay). Mùa xuân năm Nhâm Tý (542), Lý Bí xuống lệnh cho quân sĩ về hương Màn Để (xã Hiệp Hòa, Xuân Hòa, huyện Vũ Thư nay) hội quân, khao quân rồi xuất quân đi đánh Châu Thanh. Theo các nguồn khảo luận, đại quân thủy bộ của Lý Bí đi tới đâu cờ xí rợp trời, binh khí chói trời, chiêng trống lay động chín tầng mây, ngựa thuyền trùng trùng, điệp điệp. Dẹp giặc ở Châu Thanh xong, đại quân của Lý Bí tiến về thủ phủ Giao Châu (thành Luy Lâu, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay), chỉ trong một trận mà tướng giặc Lương là Lâm Vũ Hầu bạt vía kinh hồn phải vứt áo mũ trà trộn trong đám lính bại trận tháo chạy về phương Bắc. Mùa xuân năm Giáp Tý (544), sau khi đánh bại hoàn toàn quân Lương, Lý Bí xưng đế, lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Lấy Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ. Tấn phong Đỗ phu nhân làm Hoàng hậu, lấy đất Tây Để (làng Hữu Lộc, xã Xuân Hòa nay) để phụng dưỡng quốc trượng Đỗ Công Cần, lấy đất Thần Hậu (nay thuộc xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng) làm Thái ấp Hoàng hậu. Vua cũng trọng thưởng cho nhân dân hương Màn Để rất hậu, ban tặng bạc vàng, thóc gạo, lụa là, châu báu cho các bô lão, miễn sưu thuế cho dân.

Quân Lương sau những thất bại nặng nề dã tâm quay lại đánh tan nước Vạn Xuân. Chúng tập hợp binh tài, tướng giỏi, mộ quân khắp vùng, đến đầu năm Ất Sửu (545), nhà Lương dồn sức đem quân tấn công Vạn Xuân nhằm chiếm lại Giao Châu. Lý Nam Đế đem quân đánh chặn ở Lục Đầu nhưng thế trận không cân sức. Quân Lý Bí hạ trại ở vùng trũng, đêm ấy trời mưa to, nước dâng cao, doanh trại ngập trong biển nước, không kịp rút, giặc Lương thừa thế xông vào đánh chiếm, Lý Nam Đế đành rút quân lên động Khuất Lão (thuộc tỉnh Phú Thọ nay) bảo toàn lực lượng, tiếp tục chống giặc. Quân Lương thừa thế liên tiếp tấn công, vây hãm. Lý Nam Đế ở trong động lâu ngày nhiễm chướng khí, sinh bệnh, hai năm sau vua băng hà vào ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn (548). Biết tin Lý Nam Đế băng hà, Đỗ Hoàng hậu khóc lóc thảm thiết, đem đội hương binh lên động Khuất Lão làm lễ an táng nhà vua, sai quân lính xây dựng sơn lăng trên Liên Hoa Phong (đồi Hoa Sen) thuộc làng Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ nay. Xót thương đức vua vô hạn, Đỗ Hoàng hậu cũng lâm bệnh, lui về An Để, bà mất cùng năm với nhà vua.

Nhân dân các làng Sòi, Bản, Hương, Hậu Lộc, Cự Lâm (xã Xuân Hòa nay); An Để, xã Hiệp Hòa; Thượng Hộ, xã Hồng Lý (Vũ Thư); Kim Bôi, xã Hoa Lư; An Lễ, Thọ Vực, xã Hoa Nam; Thần Hậu, xã Bạch Đằng (Đông Hưng) đều lập đền thờ vua tiền Lý. Đặc biệt, miếu Hai Thôn, trung tâm của hương Màn Để xưa, nay nằm giữa hai thôn An Để, xã Hiệp Hòa và Phương Tảo, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) do nhân dân hảo tâm xây dựng trở thành chính từ. Đền Hữu Lộc, nơi sinh Đỗ Hoàng hậu cũng được coi là chính từ, các đền phụ cận đều được coi là vọng từ vì có công khuông phù Lý Nam Đế từ buổi đầu dựng quân, tụ nghĩa chống giặc Lương. 14 thế kỷ đã trôi qua, miếu Hai Thôn là bảo ngọc lung linh giữa làng quê hiện hữu cùng thời gian, nghe đâu đây giọng thơ trầm hùng của hào kiệt Lý Bí thuở nào khi lưu quân tại mảnh đất này và đề thơ:

“Thành thị lâu đài giai bảo ngọc
Giang sơn, hoa thảo thống đan thanh
Dư khí trung thành, tuy tiểu mạch
Mạc cư chầu khả, kiến cung thành”.

Dịch là:

“Thành thị lâu đài xinh tựa ngọc
Núi sông, hoa cỏ ngát màu xanh
Thừa khí trung thành tuy đất hẹp
Nơi đây có thể dựng cung thành”.

Lý Bí tự xưng hoàng đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, định niên hiệu, lập một triều đình ngang hàng với nước lớn phương Bắc là sự khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, sự bền vững muôn đời của đất trời Việt Nam ta.

Lịch sử nước ta ghi nhận Lý Bí (503 - 548) quê ở hương Thái Bình, phủ Long Hưng là người đầu tiên xưng đế (Lý Nam Đế) sáng lập ra nhà tiền Lý, lập nên nhà nước Vạn Xuân và đặt niên hiệu Thiên Đức. Lý Bí còn có tên gọi khác là Lý Bôn. Giới sử gia khẳng định trong thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm, cuộc khởi nghĩa Lý Bí nói riêng và vương triều tiền Lý nói chung đã tạo ra khí thế chống giặc ngoại xâm bởi cuộc khởi nghĩa Lý Bí đã giành thắng lợi vang dội và giữ vững chủ quyền độc lập, tự chủ lâu dài nhất.

Quang Viện