Thứ 6, 10/01/2025, 23:48[GMT+7]

Ung dung lễ nhạc - Trang nhã văn chương

Thứ 6, 06/03/2020 | 10:42:21
1,698 lượt xem
Vào thế kỷ XV, ở làng Phương Lai xưa, nay là thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) có một nhân tài của dòng họ Nguyễn được sử sách lưu danh, người đời ca tụng - đó là nhà thơ, danh nhân văn hóa Nguyễn Bảo.

Con cháu dòng tộc họ Nguyễn thắp hương tưởng nhớ, tri ân công lao cụ Nguyễn Bảo.

Nguyễn Bảo (sinh năm 1452, mất năm 1503) là người làng Phương Lai, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình). Tương truyền Nguyễn Bảo xuất thân trong một gia đình có truyền thống thi lễ, thuở thiếu thời Nguyễn Bảo đã nổi tiếng với trí tuệ hơn người. Năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3, đời vua Lê Thánh Tông (1472), khi mới 20 tuổi, Nguyễn Bảo là người duy nhất của các phủ lộ (nay thuộc tỉnh Thái Bình) thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã chép trong sách “Kiến văn tiểu lục” về Nguyễn Bảo trong kỳ thi đó như sau: “Sau khi chấm bài của Nguyễn Bảo ở kỳ thi Hội, khảo quan là bậc lão thần Trạng nguyên Nguyễn Trực đã tìm gặp Nguyễn Bảo mà nói: Già này chấm văn kỳ đệ nhị, mãi sau được chấm bài của ông, về lời lẽ bài chiếu Phục lập phó bi (dựng lại tấm bia bị đổ), tài tình ở chỗ nói rõ được bụng ăn năn hối lỗi... Các sĩ tử không thể theo kịp được. Già này nêu rõ ra là bài ấy đứng vào hàng kiệt tác. Từ nay về sau, nghĩa lý trong kinh sách thánh hiền, ký thác cả vào ông...”.


Đến kỳ thi Đình, tài linh hoạt ứng phó bằng thơ phú của Nguyễn Bảo được vua Lê Thánh Tông vô cùng thán phục, vua tin tưởng đặc cách cho Nguyễn Bảo làm việc tại tòa Đông Các. Nhờ tài năng và phẩm hạnh của mình, năm Hồng Đức thứ 21 (1490) Nguyễn Bảo được thăng chức Tả tư giảng, chuyên dạy dỗ các thái tử học tập. Năm Hồng Đức thứ 26 (1495) ông được thăng chức Hữu thuyết thư. Ông được vua Lê Thánh Tông tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp dạy dỗ, rèn giũa Thái tử Tăng (tên húy là Lê Tranh, sau nối ngôi là Lê Hiến Tông) ở Tả Xuân đường. Khi vua Lê Hiến Tông nối ngôi đã thăng chức cho thầy dạy mình là Nguyễn Bảo làm Tả Thị lang bộ Lễ, tham dự và coi công việc ở Viện Hàn lâm.


Năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), Nguyễn Bảo được triều đình tín nhiệm giao độc quyền tuyển chọn 55 tiến sĩ, trong đó người đỗ đầu là Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm, người làng Ngoại Lãng, huyện Thư Trì. Trải qua 30 năm ở chốn quan trường, Nguyễn Bảo từng được giao nhiều chức tước quan trọng như Đông Các học sĩ, Đô Ngự sử đài, hàm Triều liệt đại phu, đặc biệt là Thượng thư bộ Lễ. Với cương vị Thượng thư bộ Lễ, kiêm Hàn lâm viện thị độc, Nguyễn Bảo từng được cử làm độc quyền, chấm thi lựa chọn nhiều nhân tài phò giúp triều đình Lê sơ. Phụng sự hai triều vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Nguyễn Bảo đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng nền văn hóa và nhiều lĩnh vực khác thời Lê sơ. Sau khi mất, Nguyễn Bảo được triều đình truy tặng tước Thiếu bảo - một trong những phẩm hàm cao đối với các bậc quan đại thần phụng sự ở ngạch văn. Đánh giá về Nguyễn Bảo, vua Lê Hiến Tông dùng những lời lẽ cao đẹp mà sử sách còn ghi. Trong cáo văn thăng chức Thượng thư bộ Lễ cho Nguyễn Bảo, vua Lê Hiến Tông viết: “Ung dung lễ nhạc, giúp rập tốt chính trị các triều/Trang nhã văn chương, khôi phục lại giáo thanh Tam đại”. Cũng trong dịp Nguyễn Bảo được thăng chức Thượng thư bộ Lễ, vua Lê Hiến Tông đã viết thơ tặng Nguyễn Bảo: “Mưu quốc mỗi như Đường Lý Bật/Chấp hinh hoàn tự Hán Hoàn Vinh” - nghĩa là: “Mưu tính việc nước, không khác gì Lý Bật đời nhà Đường/Bàn luận nghĩa lý kinh sách lại giống như Hoàn Vinh đời nhà Hán”.


Về sự nghiệp văn chương, lịch sử văn học Việt Nam ghi danh Nguyễn Bảo là thi nhân có tiếng thời Lê sơ. Tiến sĩ Trần Củng Uyên, một học trò đồng hương của Nguyễn Bảo đã sưu tầm, chép lại những bài thơ, phú của ông thành “Châu Khê thi tập, gồm 8 quyển. Sau được Lê Quý Đôn tuyển chọn, giới thiệu 160 bài trong “Toàn Việt thi lục”. Thơ của Nguyễn Bảo được đánh giá là bình dị, giàu cảm xúc, đặc biệt thơ thiên nhiên có nhiều hình ảnh độc đáo, tiêu biểu như bài “Chiều xuân ở thôn Trường Mại”.


Từ đường quan Thái Bảo ở thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình hiện là nơi tưởng niệm danh nhân văn hóa thế kỷ XV - Tả tư giảng, Thượng thư bộ Lễ, Tiến sĩ Nguyễn Bảo. Năm 1993, từ đường được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và thường xuyên được quan tâm, trùng tu tôn tạo. Ông Nguyễn Hữu Kha, hậu duệ đời thứ 19 của cụ Nguyễn Bảo cho biết: Theo gia phả dòng họ Nguyễn thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân còn lưu lại thì cụ Nguyễn Bảo được coi là thủy tổ của dòng họ Nguyễn ở đây. Đến nay, dòng họ Nguyễn có hơn 100 hộ. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, thăng trầm của thời gian, cụ Nguyễn Bảo - nhân tài của dòng họ vẫn luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu học tập, noi theo. Chúng tôi đang nỗ lực truyền bá những tác phẩm của cụ Nguyễn Bảo đến với học sinh, sinh viên và con em trong dòng tộc, vừa mong muốn lưu truyền những sản phẩm văn học, thơ ca hay của cha ông vừa truyền bá tinh thần, cốt cách và những nỗ lực, cống hiến của danh nhân văn hóa lớn của đất nước ở thế kỷ XV - Tiến sĩ Nguyễn Bảo.


Hà Phương