Chủ nhật, 07/07/2024, 02:12[GMT+7]

Còn có tình trạng chủ quan trong phòng chống dịch Covid – 19 tại các chợ

Thứ 6, 06/03/2020 | 16:53:19
2,252 lượt xem
Với sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống dịch Covid – 19 của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở nên đến nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Tuy nhiên, đã xuất hiện sự chủ quan của người dân và một số địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19, trong đó có tại khu vực các chợ từ thành thị tới nông thôn.

Nhiều người dân đến chợ Niềm, xã Vũ Ninh (Kiến Xương) không sử dụng khẩu trang để bảo vệ bản thân.

Chợ Thông, xã Hòa Bình làm một trong những chợ đầu mối lớn của huyện Vũ Thư. Đây là nơi giao lưu, mua bán hàng hóa của người dân rất nhiều xã trong vùng. Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng ngày 6/3, phiên chợ có rất nhiều người tham gia. Song, hầu hết tiểu thương và người dân đến mua sắm đều không đeo khẩu trang như khuyến cáo của các cơ quan chức năng để phòng, chống dịch Covid – 19. Đáng lo ngại hơn là ngay tại khu vực buôn bán lợn, gà, vịt – nơi dễ phát sinh dịch bệnh, phần lớn người bán và người mua cũng không sử dụng khẩu trang. Khi được hỏi vì sao không đeo khẩu trang, nhiều người thản nhiên trả lời: Ở đây không có dịch bệnh gì cả nên không lo. Đeo khẩu trang không quen, vướng víu lắm.

Khu vực buôn bán gia cầm ở chợ Thông (Hòa Bình, Vũ Thư), tiều thương không đeo khẩu trang theo khuyến cáo của ngành chức năng. 

Còn tại các chợ: Đề Thám, Bồ Xuyên, Kỳ Bá (thành phố Thái Bình), nơi công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 của các phường rất tích cực thời gian qua, tình trạng người dân đến chợ mua, bán không sử dụng khẩu trang cũng diễn ra phổ biến. Từ hàng rau, quả, hàng thủy sản đến hàng thịt, việc mua, bán diễn tấp nập nhưng nhiều người rất chủ quan không đeo khẩu trang.

Khảo sát thêm tại các chợ: Niềm, xã Vũ Ninh; chợ Sóc, xã Vũ Quý (Kiến Xương), chợ thị trấn Đông Hưng (Đông Hưng), tình trạng tương tự cũng xảy ra khiến chúng tôi không khỏi trăn trở trước câu hỏi, liệu đó có phải là thực trạng chung ở hơn 230 chợ trên địa bàn tỉnh?. 

Trao đổi với lãnh đạo một số địa phương có chợ được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, mỗi xã, phường đã chi gần 100 triệu đồng cho công tác tuyên truyền, tổ chức tổng vệ sinh môi trường, mua và phun hóa chất khử trùng các nơi công cộng, trong đó có chợ. Chính quyền cấp xã cũng chỉ đạo Ban quản lý chợ làm tốt công tác vệ sinh chợ, nhắc nhở người dân khi đến chợ phải sử dụng khẩu trang để bảo vệ sức khỏe và phòng lây nhiễm dịch bệnh. 

Nhiều tiểu thương và người dân đến chợ Đề Thám (thành phố Thái Bình) vẫn chủ quan trước dịch Covid - 19 nên không đeo khẩu trang. 

Nhiều địa phương đã triển khai đẩy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19, tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại các chợ, chúng tôi thấy thiếu vắng lực lượng quản lý chợ trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài ý thức, sự chủ quan của không ít người dân trước dịch bệnh nguy hiểm này thì vai trò, trách nhiệm của Ban quản lý chợ chưa phát huy, không thực hiện thường xuyên, liên tục trong việc nhắc nhở, khuyến cáo và thiếu biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh đang tạo ra kẽ hở trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19 và cả dịch cúm gia cầm do virus cúm A/H5N6, virus cúm A/H5N1 đang diễn biến phức tạp dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ, hậu quả khó lường.

          Khắc Duẩn