Thứ 7, 21/12/2024, 22:42[GMT+7]

Lào Cai: Sáng tạo giữ vững tiêu chí nông thôn mới

Thứ 3, 10/03/2020 | 09:40:15
2,113 lượt xem
Môi trường được đánh giá là tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở vùng cao. Nhận thức rõ khó khăn này, tỉnh Lào Cai luôn chú trọng vận động người dân các địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực thực hiện phong trào vệ sinh môi trường nông thôn và mấu chốt là khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Diện mạo nông thôn mới ở các xã vùng cao trong tỉnh đã có nhiều đổi thay. (Ảnh: baolaocai.vn)

Những cách làm sáng tạo

Tiêu chí số 17 - tiêu chí môi trường được xác định cần ít vốn đầu tư, khó đạt nhưng dễ tụt "dốc". Xuân Quang là xã vùng 2 của huyện Bảo Thắng, Lào Cai đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016. Từ khi đạt chuẩn, 19/19 tiêu chí nông thôn mới và 10 thôn kiểu mẫu vẫn được duy trì. Tuy vậy, vấn đề môi trường tại địa phương này vẫn còn nhiều điều đáng nói bởi rác thải khu dân cư, rác thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, rác thải đồng ruộng, môi trường rừng… là nguy cơ không nhỏ ảnh hưởng đến tiêu chí môi trường và có thể khiến xã Xuân Quang tụt hạng bất cứ lúc nào.

Trước thực trạng đó, năm 2018, Hội Cựu chiến binh xã Xuân Quang đã đề xuất Xây dựng mô hình Câu lạc bộ cựu chiến binh bảo vệ môi trường, lấy lực lượng cán bộ, hội viên cựu chiến binh làm nòng cốt.

Công tác bảo vệ môi trường được phân chia theo từng thôn, mỗi thôn là một chi hội. Các thôn này có ô tô hoặc xe bò tự chế vận chuyển rác với quy trình gom rác 2 ngày hoặc 1 ngày/lần với 3 công nhân làm việc và một tổ trưởng.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Xuân Quang hiện tại có 2 tổ vệ sinh môi trường, thuộc hai câu lạc bộ do hội Cựu chiến binh phụ trách, thu gom rác thải khu dân cư tập trung tại tổ thôn Làng Bạc và tổ thu gom thôn Bắc Ngầm.

Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Quang cho biết, sau khi triển khai thành lập Câu Lạc Bộ cựu chiến binh bảo vệ môi trường, các hội viên tích cực động viên con em và nhân dân nghiêm túc ký cam kết và chấp hành việc thu gom rác thải đúng theo quy chế mà câu lạc bộ đã để ra.

Cụ thể là nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường, không vứt rác, vứt xác gia súc, gia cầm chết, phân, tro các loại bao bì, bừa bãi ra môi trường; có vật dụng chứa rác để đúng nơi quy định hoặc chôn vùi, đốt xử lý tại chỗ đúng quy cách, đảm bảo hợp vệ sinh. Tuyệt đối không xả thải nuớc sinh hoạt cũng như nước phân rửa chuồng trại trực tiếp ra môi trường phải qua bể lọc xử lý.

Mô hình này đã trở thành điểm sáng của huyện Bảo Thắng nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Các xã của huyện Si Ma Cai cũng đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực trong công tác vệ sinh môi trường. Để thực hiện tiêu chí môi trường, huyện Si Ma Cai đẩy mạnh tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân về vệ sinh môi trường nông thôn bằng biện pháp thực tiễn "Để người dân nói với người dân".

Theo đó, địa phương này chú trọng vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín, thầy mo, thầy cúng, xây dựng quy ước thôn bản. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Đảng ủy, UBND xã đã phân công cụ thể từng cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giám sát các khu dân cư thực hiện nghiêm quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; đưa mục tiêu đảm bảo vệ sinh môi trường vào nghị quyết của cấp ủy đảng và quy ước, hương ước của thôn, bản.

Vì vậy nhận thức của người dân Si Ma Cai về công tác vệ sinh môi trường được nâng cao, tỷ lệ gia đình có nhà vệ sinh, chuồng nuôi nhốt gia súc đạt 77%, 87% gia đình được dùng nước sạch, hợp vệ sinh, 75% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Việc dọn vệ sinh tại khu dân cư, đường làng ngõ xóm được duy trì và trở thành thói quen, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp.

Giữ vững tiêu chí "động"

Quá trình thực tiễn triển khai, lãnh đạo nhiều địa phương của Lào Cai cho rằng, môi trường là tiêu chí "động", không phụ thuộc nhiều vào việc phân bổ kinh phí mà chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức, ý thức của người dân. Do đó, đây là nội dung khó khăn và phải thực hiện thường xuyên và lâu dài.

Nhận thức được điều đó, ngay từ năm đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Lào Cai cùng Ban chỉ đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phong trào thi đua "Vệ sinh môi trường nông thôn".

Theo đó, các xã phân công cán bộ phụ trách thôn, bản hướng dẫn, vận động các hộ gia đình làm nhà tiêu, chuồng nuôi nhốt gia súc hợp vệ sinh, xây dựng các mô hình nhà sạch vườn đẹp. Bên cạnh đó, vận động nhân dân tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như khơi thông cống rãnh, duy trì tổ thu gom rác thải; tổ chức "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh", làm mới nhà vệ sinh, chuồng nuôi nhốt gia súc, đào hố chứa rác...

Khu nông thôn, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa Lào Cai được quan tâm đầu tư xây dựng các bãi rác tập trung. Giai đoạn 2010-2019, Lào Cai đã xây dựng 41 cụm thu gom rác thải tại 41 xã. Đối với các xã chưa được đầu tư bãi xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh và chưa có đơn vị chức năng thu gom rác thải, xử lý chất thải rắn, các nhóm hộ đã xây dựng lò đốt rác. Hiện, Lào Cai đã xây dựng được 933 lò đốt rác. Tại khu vực vùng cao, dân cư thưa thớt người dân tự thu gom xử lý rác thải, rác hữu cơ được sử dụng cho chăn nuôi, ủ phân; rác vô cơ được đào hố chôn lấp và đốt thủ công.

Từ năm 2010 đến nay, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân xây dựng 80.020 nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, đến thời điểm này, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh tại Lào Cai đạt 92%, tăng 30% so với năm 2010, tăng 15% so với năm 2015.

Tổng số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và làm mới trong 10 năm qua là 1.042 công trình. Đến nay, toàn tỉnh có 72/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, tăng 46 xã so với năm 2015, tăng 71 xã so với năm 2010.

Quan tâm phát triển văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, trong đó, chú trọng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, kiến thức phân loại, xử lý rác cho từng hộ gia đình; tập trung xử lý vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, có các hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện từng địa phương để xử lý hiệu quả rác thải, nước thải... là một trong 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Lào Cai xác định thực hiện trong năm 2020 để xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Riêng từ đầu năm đến nay, Lào Cai đã vận động nhân dân xây dựng được thêm 401 nhà tiêu hợp vệ sinh, 214 chuồng trại gia súc hợp vệ sinh, 9 mô hình nhà sạch vườn đẹp, 457 hố rác hộ gia đình...

Ông Bùi Công Khanh, Phó chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Lào Cai cho biết, để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra, trong thời gian tới, Lào Cai xác định tập trung triển khai hiệu quả Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tổ chức tốt việc thu gom xử lý rác thải, nước sinh hoạt và chăn nuôi, quản lý và bảo vệ bền vững tài nguyên đất, nước.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; tiến hành quy hoạch nghĩa trang và thực hiện đúng theo quy hoạch đối với các xã chưa có nghĩa trang hoặc có nghĩa trang nhưng chưa đảm bảo về yếu tố môi trường./.

Theo dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày