Thứ 6, 10/01/2025, 23:22[GMT+7]

Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm rạng danh đất học Ngoại Lãng

Thứ 3, 10/03/2020 | 09:41:50
9,530 lượt xem
Làng Ngoại Lãng, huyện Thư Trì xưa (tên Nôm là làng Lạng) nổi tiếng là đất học. Trong hàng nghìn năm lịch sử, thời phong kiến của nước ta, Ngoại Lãng là 1 trong 2 làng của Thái Bình có người đỗ Trạng nguyên, 5 tiến sĩ nho học và là nơi sản sinh nhiều nhân tài của đất nước như Thiền sư Đỗ Đô, Tiến sĩ Doãn Khuê, tướng Doãn Uẩn, Doãn Vị... Trong đó, Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm là một trong những cái tên làm rạng danh mảnh đất văn vật Ngoại Lãng xưa, Song Lãng ngày nay.

Từ đường dòng họ Đỗ, xã Song Lãng - nơi thờ Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm và Tiến sĩ Đỗ Lý Oánh.

Theo “Từ điển địa chí huyện Vũ Thư” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội) thì Đỗ Lý Khiêm (chưa rõ năm sinh, mất năm 1512) là người làng Ngoại Lãng, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ, nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư. Tương truyền, cha mẹ ông sinh được hai người con trai, Đỗ Lý Khiêm là anh, Đỗ Lý Oánh là em. Cha mất sớm, ba mẹ con Đỗ Lý Khiêm phải sống nhờ ở quán nước ven đường nhưng cả hai anh em đều chăm học, sáng dạ, hiếu thảo nên được nhiều người giúp đỡ. Khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (năm 1499) thời vua Lê Hiến Tông, Đỗ Lý Khiêm đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ nhất danh (Trạng nguyên). Đỗ Lý Khiêm được bổ vào Ngự sử đài, làm quan đến Phó đô Ngự sử. Ông là người tiết tháo, có tài thao lược, làm quan trải 4 triều vua từ Hiến Tông qua Túc Tông, Uy Mục đến Tương Dực. Thời Tương Dực, ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta sang nhà Minh (Trung Quốc). Sứ thần ta được khen là tài giỏi, được vua Minh tiếp, lại cử một đoàn sứ bộ sang Đại Việt cùng đoàn ta. Đoàn về đến Bằng Tường (Trung Quốc) thì gặp cướp. Đỗ Lý Khiêm dũng cảm chống trả, ông bị trúng tên độc và mất trên đường về. Vua truy phong cho ông tước Thái bảo hàm Thượng thư, lại phong làm Phúc Thần làng Ngoại Lãng. Đền thờ ông còn ghi: “Cảnh Thống trạng nguyên vọng phiên sơn đẩu/Bằng Tường sứ tử tiết lẫm băng sương” (Đỗ Trạng nguyên năm Cảnh Thống danh vọng như núi cao, như Bắc Đẩu/Đi sứ tử tiết ở Bằng Tường, tinh thần khí tiết như sương trong). Em trai Đỗ Lý Khiêm là Đỗ Lý Oánh đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (năm 1508), đời vua Lê Uy Mục và được phong làm Phúc Thần làng Văn Lãng.

Ông Đỗ Như Xuyên, thôn Hội, xã Song Lãng (Vũ Thư) cho biết: Thôn Hội trước kia là làng Ngoại Lãng, huyện Thư Trì. Theo gia phả dòng họ Đỗ làng Ngoại Lãng, huyện Thư Trì từ xa xưa, cụ Đỗ Lý Khiêm là đời thứ 6, đến ông Xuyên là hậu duệ đời thứ 23 của dòng họ Đỗ. Do được phong làm Phúc Thần làng Ngoại Lãng, trước kia, cụ Đỗ Lý Khiêm có đền thờ riêng ở làng. Tuy nhiên, do chiến tranh, đền thờ cụ Đỗ Lý Khiêm đã bị tàn phá. Hiện nay, bài vị của cụ Đỗ Lý Khiêm được đặt trang trọng trong từ đường dòng họ Đỗ ở xã Song Lãng.

Ông Đỗ Đình Lập, trưởng tộc dòng họ Đỗ, xã Song Lãng cho biết: Cụ Đỗ Lý Khiêm là 1 trong 18 trạng nguyên của đất nước mà ngày nay tên tuổi còn được khắc ghi, lưu lại trên bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Con cháu dòng họ Đỗ chúng tôi vô cùng tự hào về trí tuệ xuất chúng, tinh thần hiếu học, phẩm hạnh tốt đẹp của cụ. Là thế hệ sau, chúng tôi luôn cố gắng phát huy truyền thống tốt đẹp mà các bậc tiền nhân để lại. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, dòng họ Đỗ, xã Song Lãng có 17 người con anh dũng hy sinh, 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện tại, dòng họ Đỗ có gần 400 gia đình, trong đó có nhiều người đỗ đạt, thành công; hiện có 67 con em họ Đỗ đang học đại học, cao đẳng. Hàng năm, dòng họ Đỗ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài nhằm khích lệ, động viên con cháu thi đua học tập, cống hiến cho quê hương, đất nước, xứng đáng với tấm gương hiếu học của bậc tiền nhân trong dòng tộc - Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm.

Quỳnh Lưu

Đỗ Hữu Thụ - 2 năm trước

cần được giới thiệu cho hs của tỉnh thái bình biết và tìm hiểu trạng nguyên của tỉnh Thái Bình

Tải thêm