Thứ 2, 25/11/2024, 20:39[GMT+7]

Không tăng giá điện đến hết quý II

Thứ 4, 11/03/2020 | 16:38:10
883 lượt xem
Nhằm giúp doanh nghiệp vượt khó khăn vì Covid-19, giá điện sẽ không được tăng từ nay cho tới hết quý II.

Công nhân Điện lực TP HCM sửa chữa trên đường dây. Ảnh: Thành Nguyễn

Tại chỉ thị của Bộ Công Thương về các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước Covid-19, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Điều tiết điện lực, Vụ Thị trường trong nước phối hợp tính toán, chưa tăng giá điện trong quý I và II. Đây là những mặt hàng đầu vào của sản xuất, vì thế sẽ tác động không nhỏ tới kinh doanh của doanh nghiệp nếu tăng giá. 

Theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, giá bán điện hiện có nhiều khung, mức khác nhau cho từng nhóm khách hàng. Giá bán điện bình quân được điều chỉnh khi thông số đầu vào các khâu (phát điện, truyền tải, phân phối...) làm giá tăng 3% trở lên so với hiện hành. Trường hợp thông số đầu vào làm giá bán điện bình quân tăng hơn 10% so với giá hiện hành, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá. Trường hợp cần thiết Bộ Công Thương báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng.

Gần nhất, Bộ Công Thương tăng giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,6% từ ngày 20/3/2019, lên 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) sau khi được Chính phủ đồng ý về chủ trương, và được duy trì từ đó đến nay.

Trước đó, chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước Covid-19 cũng yêu cầu không tăng giá điện.

Bộ Công Thương cũng đưa ra loạt giải pháp kích cầu thị trường trong nước, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Vụ Thị trường trong nước phải theo dõi sát thị trường, cùng các doanh nghiệp, địa phương có biện pháp bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho người dân theo từng cấp độ dịch bệnh.

"Hàng hoá thiết yếu cung ứng phải đảm bảo phương châm 4 tại chỗ: chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối và hàng hoá tại chỗ và 3 sẵn sàng là chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương", chỉ thị nêu. 

Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch, nhu yếu phẩm... để trục lợi.

Về thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương giao Cục Công nghiệp phối hợp với các Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Xây dựng rà soát nhu cầu nguyên liệu đầu vào, đề xuất phương án sản xuất và giải pháp đa dạng hoá nguồn nguyên liệu trong nước. Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại thúc đẩy tìm thị trường mới, triển khai kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng sang thị trường EU sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 7, sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5 tới. 

Theo vnexpress.net