Kỳ Đồng - “đứa trẻ lạ”
Trường học mang tên Kỳ Đồng tại xã Văn Cẩm (Hưng Hà).
Từ tên gọi Kỳ Đồng
Thiên hạ xưa nay nhớ đến Nguyễn Văn Cẩm là nhớ đến tên Kỳ Đồng mà ông vinh dự được nhà vua đặt. Ngay từ lúc nhỏ, Nguyễn Văn Cẩm đã tỏ ra là một thần đồng. Có lần, người bạn của cha ra vế đối lấy ngay chữ trong sách “Tam tài: thiên, địa, nhân”, ông ứng khẩu liền: “Tứ thi: phong, nhã, tụng”. Ông khách phục Cẩm là bậc kỳ tài. Khi Nguyễn Văn Cẩm lên mười thì Tứ thư, Ngũ kinh đều thông cả. Mỗi ngày học dễ có đến cả trăm trang sách. Trong mắt người Pháp, khi ghi chép về Nguyễn Văn Cẩm cũng có những lưu ý đặc biệt. Mật báo của Phòng Nhì do Chéon viết đã dẫn ra rằng: “Từ năm lên 8 tuổi, Kỳ Đồng đã giỏi chữ Nho, đặc biệt xuất sắc về tài làm câu đối”. Nhờ nắm vững chữ Nho, lại có óc mẫn cảm khi ứng đối, Nguyễn Văn Cẩm làm cho những ai nghe tiếng hoặc trông thấy lần đầu tiên đều rất ngạc nhiên. Năm lên 8 tuổi, Nguyễn Văn Cẩm được cha dẫn lên tỉnh dự kỳ khảo khóa để năm sau thi Hương ở trường Nam Định, đạt loại ưu. Sự lạ với đứa trẻ 8 tuổi đã giỏi như thế được quan tỉnh thưa với vua Tự Đức. Nhận tin này, như Đại Nam thực lục ghi, nhà vua đã xuống dụ: “Cấp cho trẻ lạ Hưng Yên Nguyễn Văn Kỳ, tức Cẩm mỗi tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo, áo quần mỗi thứ hai cái, mỗi năm cho một lần”. Và cũng từ đây, cái tên Kỳ Đồng xuất hiện, đi vào lịch sử.
Đến thủ lĩnh đại tài
Kỳ Đồng lúc ấy do tài năng thiên bẩm của mình được dân tình một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế danh tiếng ngày càng vang xa. Theo lời đồn trong dân gian, năm 9 tuổi, Kỳ Đồng đã soạn bài hịch kêu gọi nhân dân chống Pháp, năm 11 tuổi sáng tác bài thơ Xích Bích phân tích thế mạnh của dân tộc. Ảnh hưởng của Kỳ Đồng đến dân chúng ngày một lớn, một rộng để rồi đỉnh điểm là sự kiện rước cờ vào thành Nam Định ngày 27/3/1887. Hôm ấy, một đám rước quy tụ khoảng 100 người với khăn áo chỉnh tề, giương lá cờ “Thiên binh thần tướng” đem theo kiếm gỗ, giáo gỗ rước Kỳ Đồng từ chùa Vị Xuyên, nơi Kỳ Đồng nghỉ qua đêm đi qua các phố rồi tiến về thành Nam Định. Tuy nhiên, người Pháp đã phòng xa cuộc tập hợp đông người này vì cho rằng phong trào có tính chất tôn giáo cũng có thể trở thành một phong trào chính trị, dẫn đến những hậu quả tai hại.
Sau cuộc diễu hành ấy, chú bé Kỳ Đồng bị bắt. Thay vì đưa về cho cha mẹ dạy dỗ hoặc kết án bỏ tù, thực dân Pháp thực hiện một bản án mềm mà họ cho là hữu hiệu hơn, đó là lưu đày Kỳ Đồng sang Phi châu xa xôi để tách rời chú bé với phong trào yêu nước Việt Nam đồng thời những mong đào tạo Kỳ Đồng từ một kẻ chống đối, có cơ may cho họ nếu sau này Kỳ Đồng phục vụ cho nước Pháp. Ở An-giê-ri, Kỳ Đồng có nhiều dịp được tiếp kiến, gần gũi vua Hàm Nghi nên tư tưởng yêu nước chống Pháp ngày càng triệt để. Sau gần chục năm đào tạo, năm 1896, Pháp đưa ông về nước làm công chức cho chính quyền bảo hộ nhưng ông vẫn nuôi chí chống Pháp.
Trở về nước nhưng không nhận làm công cho Pháp, ông xin đi khai hoang ở Yên Thế (Bắc Giang), lập ra một khu đồn điền lớn thuộc xã Đồng Kỳ và Hồng Kỳ ngày nay, lấy tên là “Thất diệu đồn điền”, tức là khu đồn điền được bố trí tựa như 7 ngôi sao sáng của chòm sao Bắc Đẩu. Động Thiên Thai là trại trung tâm và sau này được nhân dân dựng đền thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm. Tại đây, Nguyễn Văn Cẩm đã sáng tác nhiều thơ, văn để huấn truyền, cổ vũ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý chí triệt để chống Pháp giành độc lập dân tộc đến các nghĩa sĩ và những người đồng chí. Trong thời gian xây dựng đồn điền, Kỳ Đồng bắt liên lạc với Hoàng Hoa Thám - thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế, giúp Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân về người, tiền của và cả tinh thần. Nhưng vì Thiên Thai nằm gần trung tâm Phồn Xương, một vị trí nhạy cảm nên thực dân đã theo dõi rất sát sao hoạt động của Kỳ Đồng, hơn nữa do chủ quan nên việc bại lộ, chỉ sau hơn một năm Kỳ Đồng bị thực dân Pháp bắt đi đày biệt xứ ở đảo Tahiti thuộc Polynésie (thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương) và mất ngày 17/7/1929 tại xứ người. Sau khi Kỳ Đồng mất, đệ tử cùng nhân dân địa phương đã xây dựng Thiên Thai thành ngôi đền phụng thờ ông. Sự xuất hiện của “đứa trẻ lạ” Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm và những đóng góp của ông đã góp phần cổ vũ ý chí chống Pháp của nhân dân các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Kỳ thời bấy giờ.
![]() Ông Bùi Viết Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hưng Hà Việc nghiên cứu, lập đền thờ, xây dựng khu tưởng niệm Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm tại quê hương ông, xã Văn Cẩm (Hưng Hà) là việc làm vô cùng thiết thực, không chỉ nhằm tôn vinh, biết ơn đối với Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm mà còn góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, gắn bó của nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.![]() Ông Nguyễn Đình Thiềm, xã Văn Cẩm (Hưng Hà) Là người dân quê hương nơi sinh ra Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, chúng tôi rất tự hào và mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ quan tâm hơn nữa để mọi người dân được hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp của cụ. Qua đó tạo thêm sức lan tỏa về ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp đồng thời hun đúc, giáo dục tinh thần yêu nước và góp phần phát triển du lịch địa phương.![]() Em Nguyễn Hoàng Minh, lớp 6A, Trường Tiểu học và THCS Kỳ Đồng Em rất tự hào khi được học tập dưới mái trường mang tên danh nhân Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm. Qua những tiết học lịch sử ở trường, ở đình làng nơi thờ ông, em hiểu và cảm phục ông về sự hiếu học, tinh thần yêu nước. Em sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện để góp phần làm rạng danh ngôi trường mang tên ông. |
Ngọc Mai
Tin cùng chuyên mục
- Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương 24.05.2025 | 09:02 AM
- Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa lớn, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở ở 15 tỉnh 24.05.2025 | 09:03 AM
- Tổng thống Venezuela chia buồn trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương 24.05.2025 | 09:01 AM
- Lãnh đạo Cuba tiếc thương trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương 24.05.2025 | 09:03 AM
- Đồng chí Trần Đức Lương - Nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc 24.05.2025 | 09:03 AM
- Lễ treo cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Quảng trường Ba Đình 24.05.2025 | 09:02 AM
- Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - một đời tận hiến vì Tổ quốc và nhân dân 24.05.2025 | 09:02 AM
- Võ sĩ Việt Nam hạ đối thủ Nhật Bản sau pha giả đấm ở vòng loại UFC 24.05.2025 | 06:05 AM
- 5 cơ thủ Việt Nam vào vòng 1/8 World Cup billiard 24.05.2025 | 06:04 AM
- Khai mạc Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng lần thứ IV-năm 2025 24.05.2025 | 06:03 AM
Xem tin theo ngày
-
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị