Thứ 6, 22/11/2024, 17:20[GMT+7]

Chủ động nguồn nước ngọt cho dân

Thứ 6, 13/03/2020 | 11:06:27
2,061 lượt xem
Nhiều địa phương ở ĐBSCL đang khẩn trương làm mọi cách để đưa nước ngọt về với người dân

Đập ngăn mặn dã chiến ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Ca Linh

Những ngày gần đây, hạn hán và xâm nhập mặn bắt đầu tấn công một số địa phương trong khu vực ĐBSCL khiến cuộc sống và sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn. 

Chung tay cấp nước ngọt miễn phí

Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc không để người dân thiếu nước ngọt trong mùa hạn, mặn gay gắt năm nay, nhiều địa phương ở ĐBSCL đang khẩn trương làm mọi cách để đưa nước ngọt về với người dân.

Tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), nhờ nhà có xe tải và bồn chứa nước nên từ 12 - 24 giờ mỗi ngày, ông Đoàn Trung Hiếu (giáo viên Trường Trung cấp Gò Công) và em trai là Đoàn Trung Hậu miệt mài vận chuyển hàng chục ngàn lít nước phục vụ miễn phí cho người dân xã Tân Phước. Nhận mỗi ngày được khoảng 4 can nước ngọt, bà Nguyễn Thị Chát (ngụ ấp 5, xã Tân Phước), xúc động: "Cứ đến giờ, mọi người mang can ra và xếp hàng đợi tới lượt nhận. Khô hạn mà có những giọt nước thế này thì quá quý đối với bà con nơi đây".

Ở TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), doanh nghiệp Hiếu "Tân Ánh Dương" cũng chạy ngược chạy xuôi hằng ngày thuê xe bồn để chở nước về các huyện phía Đông cấp phát miễn phí cho người dân. Nhờ đó, hàng chục ngàn lít nước đã được đưa đến cho bà con mỗi ngày. Tại cuộc họp mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất cung cấp 30.000 m3 nước/ngày đêm (từ 13-3 đến 30-4) nhằm giải cứu hơn 12.000 ha sầu riêng ở các huyện phía Tây. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, hiện có khoảng 12.100 ha sầu riêng, vườn cây ăn trái ở các huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Châu Thành đang cần nước ngọt. Phương án là thuê HTX Rạch Gầm vận chuyển nước bằng sà lan giao cho các địa phương, UBND các xã chuẩn bị phương tiện trữ nước cho dân. Trước đó, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đã đến kiểm tra tình hình nước tưới tiêu ở xã Phú Phong (huyện Châu Thành), xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy). Hiện xã Phú Phong đang triển khai đắp ao chứa khoảng 2.000 m3 nước ngọt, dự kiến hoàn thành vào ngày 13-3, sẵn sàng cấp miễn phí cho người dân phục vụ tưới tiêu trên 200 ha cây ăn trái của 2 xã Phú Phong và Kim Sơn (huyện Châu Thành).

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, nhìn nhận theo kết quả khảo sát, trong mùa khô năm nay, có hơn 20.000 hộ dân ở tỉnh này bị ảnh hưởng do không có nước sinh hoạt. Riêng tại huyện An Biên, hiện hầu hết các con sông, rạch đều đã nhiễm mặn, độ mặn cao nhất là hơn 25‰ nên người dân không thể sử dụng. Để giải quyết khẩn cấp tình hình thiếu nước sinh hoạt tại một số khu vực ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh, đơn vị này đã thổi rửa 8 giếng khoan sẵn có, trong đó 5 giếng ở huyện Kiên Hải và 3 giếng ở Phú Quốc. Đồng thời, nâng cấp sửa chữa mở rộng tuyến ống ở các trạm cấp nước tại các xã đảo Lại Sơn, Hòn Tre (huyện Kiên Hải) và Cửa Cạn (huyện Phú Quốc) để bảo đảm khả năng phục vụ cấp nước ngọt cho dân. 

Theo nld.com.vn