Chủ nhật, 24/11/2024, 15:06[GMT+7]

Tự hào nữ đảng viên Công giáo

Thứ 6, 13/03/2020 | 15:23:57
2,174 lượt xem
Ở không ít vùng nông thôn trước kia, hầu hết bà con quan niệm phụ nữ chỉ cần lấy chồng, chăm sóc gia đình là đủ. Vượt qua những định kiến ấy, chị Trần Thị Phượng (Xuân Hòa, Vũ Thư) - một phụ nữ Công giáo đã quyết tâm học tập, cống hiến trở thành nữ đảng viên, doanh nhân tiêu biểu.

Chị Trần Thị Phượng (người mặc áo màu đỏ) tạo việc làm, thu nhập khá cho hàng trăm lao động nông thôn

Khao khát được đứng trong hàng ngũ của Đảng

Chị Trần Thị Phượng, sinh năm 1961 trong một gia đình theo đạo Công giáo có truyền thống cách mạng ở xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư. Cha chị Phượng nguyên là xã đội trưởng của xã Hồng Lý, 2 người anh trai của chị, người đã hy sinh, người đã hiến dâng 1 phần thân thể cho độc lập tự do của Tổ quốc. Từ nhỏ, chị Phượng luôn khao khát được đi theo lý tưởng cách mạng, trở thành đảng viên như ước nguyện của bản thân và cha mình. Năm 1986, chị kết hôn cùng anh Đỗ Văn Dũng, thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa. Gia đình anh Dũng không theo đạo Công giáo, nhưng chị Phượng luôn cố gắng để hòa nhập và giữ trọn đạo hiếu với gia đình chồng. Chồng bận công tác xa nhà, những năm 1986 - 2000, chị Phượng một mình vừa sản xuất nông nghiệp vừa chăm sóc hai con nhỏ.

Mặc dù vất vả, bận rộn, nhưng khi bà con lối xóm, chị em trong thôn, trong xã cần giúp đỡ, chị Phượng luôn nhiệt tình tham gia. Năm 1998, chị Phượng được chị em trong thôn tín nhiệm bầu là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cự Lâm. Sau đó, chị tiếp tục được tín nhiệm vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã, chuyển sang làm công tác dân số, gia đình, trẻ em xã. 

Hơn 20 năm làm công tác xã hội ở địa phương, chị Phượng luôn trăn trở, tìm học, rồi truyền nhiều nghề như: đan cói, móc sợi, làm mây tre đan, đan làn nhựa, bóc hạt điều gia công… để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho chị em nông thôn. Năm 2008, chị từng mở xưởng may quần áo gia công tạo việc làm giúp thanh niên khuyết tật có thể nuôi sống bản thân. Quãng thời gian này, dù bận mải, chị Phượng vẫn quyết tâm theo học trung cấp để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2010, chị Phượng được phân công nhiệm vụ là cán bộ tư pháp của xã Xuân Hòa. Năm 2010, Chi bộ thôn Cự Lâm kết nạp chị Phượng vào hàng ngũ của Đảng. 

"Đã 10 năm qua đi, nhưng nhớ lại giờ phút được trở thành người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bản thân tôi vẫn thấy bồi hồi, vui sướng. Tôi đã thực hiện được ước nguyện của bản thân và cha mình là tiếp tục đi theo lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.” - Chị Phượng xúc động chia sẻ.

Nữ đảng viên Trần Thị Phượng (người ngoài cùng bên phải) tạo việc làm, thu nhập khá cho hàng trăm lao động nông thôn. 

Vượt khó sản xuất kinh doanh hiệu quả

Tần tảo, chịu thương chịu khó là những từ mà chị em phụ nữ địa phương dành cho chị Phượng. Nhiều năm qua, dù bận công tác đoàn thể, hoặc làm nhiệm vụ của cán bộ tư pháp tại UBND xã Xuân Hòa, chị Phượng vẫn nỗ lực tìm và chuyển giao nhiều nghề phụ cho chị em ở nông thôn. Trước kia, bản thân chị Phượng vừa công tác, vừa sản xuất nông nghiệp, làm nghề phụ và kết hợp chăn nuôi theo mô hình gia trại để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Năm 2017, nhận thấy thị trường tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước rất rộng mở, chị Phượng bàn với gia đình quyết định mở xưởng sản xuất giày dép nhỏ ngay tại nhà. Vốn ban đầu để đầu tư máy móc, nhà xưởng cần có tối thiểu 500 triệu nhưng chị Phượng chỉ có hơn 200 triệu là số tiền tích cóp nhiều năm của gia đình, số còn lại chị phải đi vay mượn khắp nơi. Sau nửa năm đầu tiên xưởng đi vào hoạt động, hạch toán thu chi, chị Phượng bị thua lỗ không nhỏ. Chị phát hiện ra, do công nhân mới được đào tạo, tay nghề chưa cao nên sản phẩm làm ra thường xuyên bị lỗi, bị hỏng, nguồn nguyên liệu bị sử dụng lãng phí, trong khi đó chị chưa có kinh nghiệm quản lý lao động, quản lý tài chính nên để xảy ra thua lỗ. Không nản chí, chị Phượng nhanh chóng khắc phục điều này bằng việc tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của xưởng, đặc biệt là tránh thất thoát do hàng bị lỗi, hỏng. Chị cùng với con gái ở Hà Nội quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các mạng xã hội. Đến nay, xưởng sản xuất giày dép của gia đình chị Phượng đã hoạt động nền nếp, hiệu quả, thu hút 15 – 17 lao động thường xuyên và sản xuất ra bình quân 400 đôi giày, dép/ngày. Đặc biệt, gia đình chị Phượng liên kết, trở thành đại lý cung cấp nguyên liệu và đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho 6 xưởng sản xuất giày dép khác ở xã Hồng Lý. Sản phẩm giày dép của gia đình chị Phượng có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý nên thu hút người tiêu dùng, có sức cạnh tranh tốt trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng... Bình quân hiện nay, gia đình chị Phượng sản xuất, thu mua và cung cấp ra thị trường 120.000 đôi giày dép/tháng, doanh thu ước tính 10 - 13 tỷ đồng/tháng. Trừ chi phí đầu tư sản xuất, gia đình chị thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm từ công việc sản xuất, kinh doanh giày dép.

Ở tuổi gần 60, sức khỏe không còn dẻo dai, để có thể hoàn thành tốt công việc của một cán bộ tư pháp ở UBND xã đồng thời làm tốt công tác sản xuất kinh doanh như chị Phượng là điều không dễ dàng. 

Chị Phượng chia sẻ: Khi là cán bộ tư pháp ở UBND xã, tôi say mê với công việc chuyên môn; khi về đến nhà, tôi dốc hết tâm huyết cho việc sản xuất kinh doanh. Hầu hết mỗi ngày tôi chỉ được ngủ khoảng 5 – 6 tiếng, nhiều hôm, tôi phải thức trắng đêm để làm việc. Động lực khiến tôi vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để quyết tâm duy trì sản xuất, kinh doanh đó chính là vì những người công nhân của mình. Hơn 100 công nhân tại các xưởng mà tôi quản lý và liên kết sản xuất, kinh doanh hiện nay đều có thu nhập bình quân 10 – 12 triệu đồng/người/tháng, mức thu nhập khá cao so với nông thôn. Đây là điều khiến tôi vô cùng hạnh phúc và lấy đó làm động lực vươn lên mỗi khi sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

Đồng chí Đỗ Thanh Trai, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa (Vũ Thư) cho biết: Một điều dễ nhận thấy là trong con người chị Phượng dường như luôn có nhiệt huyết của tuổi trẻ, cống hiến hết mình vì bản thân và cho mọi người. Hình ảnh nữ đảng viên người theo đạo Công giáo nghị lực và vì cộng đồng không chỉ là tấm gương sáng cho đảng viên, phụ nữ noi theo mà còn là cầu nối, từng ngày vun đắp thêm niềm tin yêu của cộng đồng bà con Công giáo với Đảng, chính quyền.

Quỳnh Lưu