Chủ nhật, 24/11/2024, 22:50[GMT+7]

Trọn tình đồng đội

Thứ 2, 16/03/2020 | 08:50:58
1,687 lượt xem
Một ngày giữa tháng 3 thật đặc biệt với các chiến sĩ “sao vuông” của đơn vị Dân quân tập trung huyện Kiến Xương từng bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Thái Bình. Những người đồng đội năm xưa nay tóc đã bạc, hội ngộ bên nhau sau nửa thế kỷ.

Các chiến sĩ đơn vị Dân quân tập trung huyện Kiến Xương thăm lại trận địa xưa.

Chuyến về thăm quê lần này của cựu chiến binh Nguyễn Thị Thúy, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) đã thỏa ước mong bấy lâu. Bà nguyên là khẩu đội phó khẩu đội 12,7 ly thuộc đơn vị Dân quân tập trung huyện Kiến Xương giai đoạn 1967 - 1969. Quê bà ở xã Vân Trường, huyện Kiến Xương (nay thuộc huyện Tiền Hải). Noi gương nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Chiên “tay không bắt giặc”, bà Thúy và nhiều cô gái trong huyện xung phong vào đơn vị Dân quân tập trung của huyện mong góp một phần sức trẻ trên trận tuyến diệt thù. Cựu chiến binh Nguyễn Thị Thúy tâm sự: Chúng tôi hạnh ngộ bên nhau đúng ngày 16/3, kỷ niệm 52 năm ngày đơn vị lập công bắn rơi máy bay Mỹ thì còn hạnh phúc nào bằng.


Tháng 12/1967, thời điểm cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc lần thứ nhất đang cam go, ác liệt, đơn vị Dân quân tập trung huyện Kiến Xương ra đời với 89 chiến sĩ nam và nữ của các xã trong huyện. Đơn vị được biên chế thành Đại đội súng máy phòng không 12,7 ly và Đại đội đại liên. Đơn vị đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện đội Kiến Xương, sẵn sàng cơ động bắn máy bay Mỹ tấn công hỏa lực vào địa bàn, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng của huyện; đồng thời, là lực lượng dự bị bổ sung vào quân đội khi có yêu cầu. Ngay sau khi ổn định tổ chức, đơn vị gấp rút bước vào giai đoạn huấn luyện, xây dựng trận địa và các phương án chiến đấu...


Cựu chiến binh Đặng Long Yên nhớ lại: Sau thời gian huấn luyện, đơn vị được lệnh hành quân xây dựng trận địa tại xã Bình Định (Kiến Xương), phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương bảo vệ an toàn tuyến đê sông Mèn và cống Tân Bồi - hai công trình quan trọng điều tiết tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp khu vực Nam Kiến Xương và Tiền Hải. Đầu tháng 3/1968, dù bị địch pháo kích vào các trận địa song đơn vị vẫn bảo toàn lực lượng và vũ khí trang bị. Sau khi báo cáo tình hình, xin ý kiến chỉ đạo của Huyện đội, đơn vị được lệnh chuyển về xã Hòa Bình và xã Quang Bình (Kiến Xương) xây dựng trận địa mới với nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan thăm dò dầu khí của Liên Xô, bảo vệ cầu Ngái, cầu Cánh Sẻ để giao thông trên trục đường 39 được thông suốt.


Đêm ngày 16/3/1968, sau khi tấn công hỏa lực vào thị xã Thái Bình và thành phố Nam Định, máy bay Mỹ đã lọt vào trận địa phòng không của đơn vị. Khẩu lệnh nổ súng vang lên, các trận địa súng máy bắn máy bay tầm thấp của hai đại đội đồng loạt nổ súng, lưới lửa phòng không chằng chịt trên bầu trời. Kết quả, 1 máy bay Mỹ trúng đạn pháo và rơi ngoài vùng biển huyện Tiền Hải. Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của đơn vị như làn gió tỏa khắp các địa phương trong Quân khu Tả ngạn, làm nức lòng quân và dân trong tỉnh, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.


Cựu chiến binh Bùi Văn Thức, xã Minh Tân, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 12,7 ly thuộc Đại đội súng máy phòng không 12,7 ly kể: Ngay sau khi phát hiện máy bay bị đơn vị bắn rơi, anh chị em chúng tôi hô vang, ôm chầm lấy nhau vì sung sướng. Vậy là sau 3 tháng thành lập đơn vị, trận đầu xuất kích, chúng tôi đã lập thành tích. Ngày hôm sau, Bộ Tư lệnh Quân khu Tả ngạn và Tỉnh đội Thái Bình đã trực tiếp về đơn vị động viên, khen thưởng và công nhận chiến công bắn rơi máy bay mang số hiệu A6A của đế quốc Mỹ cho đơn vị...


Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6/1968, do yêu cầu của cấp trên, đơn vị đã nhiều lần thay đổi trận địa, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Kiến Xương... Sau đó, trước yêu cầu bổ sung lực lượng cho quân đội, chi viện cho chiến trường miền Nam, hầu hết anh chị em đủ điều kiện sức khỏe đã xung phong nhập ngũ, số ít người được giữ lại làm nòng cốt tiếp tục xây dựng đơn vị những năm sau này. Phát huy truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu, ngày 12/9/1972, đơn vị tiếp tục lập công lần thứ hai, bắn rơi máy bay Mỹ, cùng quân và dân xã Trà Giang bắt sống giặc lái, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của đơn vị và quê hương Kiến Xương.


Cựu chiến binh Nguyễn Thị Thúy, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang)

52 năm đúng dịp kỷ niệm chiến thắng trận đầu của đơn vị chúng tôi gặp nhau. Dù gắn bó với đơn vị không dài nhưng tôi luôn tự hào về những thành tích, chiến công của mỗi cá nhân, của tập thể đơn vị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, trong đó có một phần công sức nhỏ bé của mình. Tôi mong muốn đây là cuộc gặp đầu tiên và sẽ còn nhiều cuộc gặp mặt nữa để chúng tôi có dịp tề tựu bên nhau cùng ôn lại ký ức về một thời hoa lửa.

Cựu chiến binh Đặng Long Yên, xã Quang Minh (Kiến Xương)

Hôm nay, chúng tôi gặp mặt nhau chỉ có 31 cán bộ, chiến sĩ trong tổng số 89 người, dù chưa trọn vẹn nhưng đó cũng là điều mà chúng tôi mong muốn từ rất lâu rồi. Qua Báo Thái Bình, tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều anh chị em trong đơn vị Dân quân tập trung huyện Kiến Xương đang sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc biết và kết nối với chúng tôi để những cuộc hội ngộ sau sẽ thêm phần đông đủ.

Thương binh hạng 1/4 Đinh Văn Tộ, xã Quang Bình (Kiến Xương)

Giữa năm 1968, tôi được bổ sung vào Đoàn 559, trực tiếp lái xe chở quân lương vào chiến trường miền Nam. Có lẽ, chính khoảng thời gian cùng đồng đội huấn luyện, chiến đấu tại đơn vị Dân quân tập trung huyện Kiến Xương đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn để rồi hiên ngang bước vào tuyến lửa Trường Sơn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng đồng chí, đồng đội tiếp tục lập nên những chiến công.


Tất Đạt