Thứ 6, 10/01/2025, 21:02[GMT+7]

Người ba lần được phong anh hùng

Thứ 4, 18/03/2020 | 09:25:31
23,388 lượt xem
Thái Bình có một người con mà cả thế giới biết đến với lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ khi đã lập nên hai kỷ lục: người lái máy bay chiến đấu đầu tiên bắn rơi B-52 của Mỹ và người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Ông ba lần được phong anh hùng - đó chính là Trung tướng Phạm Tuân.

Anh hùng Phạm Tuân và Anh hùng Liên Xô Viktor Gorbatko trên tàu vũ trụ “Soyuz-37”. Ảnh tư liệu

Phạm Tuân sinh năm 1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương. Tháng 9/1965, ông nhập ngũ khi tròn 18 tuổi. Lúc đó, chàng thanh niên Phạm Tuân chỉ cao 1,65m và nặng 52kg, không đủ tiêu chuẩn để thi tuyển phi công nên đi học thợ máy, sửa chữa máy bay. Sau một thời gian ngắn, do thiếu phi công chiến đấu, Phạm Tuân được tuyển lại học phi công và tốt nghiệp Trường Không quân Liên Xô năm 1967, về nước chiến đấu năm 1968. Giữa năm 1972, ông là 1 trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc bắn hạ “pháo đài bay” B-52 của Mỹ.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức của Trung tướng Phạm Tuân về trận chiến 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội năm 1972 là ký ức hào hùng nhất. Theo lời kể của ông: Khoảng 7 giờ tối ngày 18/12/1972, địch bắt đầu mở chiến dịch đánh vào Hà Nội. B-52 bay ở độ cao khoảng 10km, tốc độ từ 900 - 950km/giờ. Trước khi đem B-52 ra đánh phá miền Bắc, Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ lực lượng, phương tiện của ta, nắm rất rõ chúng ta có những loại tên lửa, pháo, máy bay nào... và thuộc từng sân bay của ta, do đó rất tự tin mang B-52 ra ném bom đánh phá Hà Nội và các tỉnh khác. Mỗi khi xuất kích chiến đấu, B-52 thường được nhiều máy bay khác bay cùng để yểm trợ như F4, F100, F111... Mặt khác, hệ thống làm nhiễu sóng ra-đa của các máy bay này rất tốt nên chúng ta rất khó phát hiện B-52 để triển khai tấn công. Phạm Tuân cùng đồng đội nhận được lệnh của cấp trên là bằng mọi cách phải ngăn chặn, không quân phải cất cánh, tên lửa phải đánh, nếu không bắn được B-52 thì phải xua đuổi để không cho chúng vào Hà Nội, bảo vệ mục tiêu là trên hết. Ông đã xung phong trực chiến liên tục, nhiều khi suốt cả ngày đêm, luôn chủ động xin được cất cánh đánh B-52 của địch. Đêm ngày 18/12/1972, khi được lệnh cất cánh, mặc cho máy bay địch đang đánh phá sân bay, Phạm Tuân nhanh chóng vận động qua hố bom đến nơi để máy bay và lập tức cất cánh. Địch phóng tên lửa khi phát hiện máy bay của ông bay lên. Bình tĩnh tránh tên lửa địch, Phạm Tuân đến khu vực chiến đấu kịp thời. Khi được lệnh hạ cánh, máy bay địch vẫn đang đánh sân bay, hệ thống thông tin liên lạc, đèn dấu, đường băng sân bay hỏng, ông vẫn hạ cánh an toàn. Tiếp đó, vào đêm ngày 27/12/1972, nhiều tốp B-52 của Mỹ từ hướng Tây Bắc bay vào đánh phá Hà Nội. Được lệnh cất cánh, Phạm Tuân nhanh chóng tiếp cận khu vực có máy bay địch, xin công kích. Lúc này, máy bay F4 bay ở nhiều độ cao bảo vệ B-52 rất chặt chẽ, ông đã dũng cảm xông thẳng vào tốp B-52, bắn 2 quả tên lửa, hạ tại chỗ 1 chiếc, trở về hạ cánh an toàn.

Do thành tích này, ngay sáng hôm sau ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen. Ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày 3/9/1973, khi đó ông đang là Thượng úy, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Phạm Tuân chia sẻ, chiến công của ông có “80% là may mắn”, nhưng may mắn ở đây là có thời cơ và phải biết chớp được thời cơ đó thì mới làm nên chuyện. Theo ông, trận ấy không thực sự phức tạp nhưng thành quả đó có được là do chúng ta đã từng đổ xương máu, đổ mồ hôi cho những trận chiến đấu trước.

Năm 1977, Phạm Tuân được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô), năm sau chuyển loại sang bay vũ trụ. Phạm Tuân được chọn vào đội bay quốc tế thứ sáu trong chương trình Intercosmos của Liên Xô ngày 1/4/1979. Sau khi trải qua những bài huấn luyện, Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 ngày 23/7/1980 và trở về trái đất ngày 31/7 trên tàu Soyuz 36. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Xô viết khác. Hành trang người anh hùng mang theo là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, một nắm đất Ba Đình, bản Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ Tổ quốc và cờ Đảng, ảnh gia đình, vợ con, phong thư... Trong toàn bộ thời gian trên quỹ đạo, hai phi công cùng làm việc, thực hiện các thí nghiệm trong tình trạng không trọng lực; quan sát bề mặt trái đất xem mũi đứt gãy để phán đoán vị trí các mỏ khoáng sản; quan sát hướng chảy của sông, vùng biển tập trung nhiều cá để hướng dẫn ngư dân; quan sát các hành tinh xa... Phạm Tuân cũng tiến hành các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu, chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo trái đất. Ông ở trong không gian 7 ngày, 20 giờ và 42 phút; đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quỹ đạo quanh trái đất. Khi từ vũ trụ trở về, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Hồ Chí Minh. Cũng năm đó (1980), ông vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô kèm theo Huân chương Lê-nin khi mới 33 tuổi. Như vậy, ông là người Việt Nam duy nhất lập kỷ lục ba lần được tặng danh hiệu anh hùng.

Năm 1982, Phạm Tuân tốt nghiệp Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô). Năm 1989, ông là Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân. Từ năm 1999, ông mang quân hàm Trung tướng của Không quân Việt Nam, từ năm 2000 giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng. Năm 2002 ông được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội đồng thời giữ những chức vụ quan trọng trong các công ty trực thuộc Ngân hàng. Năm 2008 Trung tướng Phạm Tuân nghỉ hưu. Ông bảo: “Mình thật may mắn vì đã đi hết chiến tranh mà vẫn còn lành lặn để hưởng không khí hòa bình”. Khi nói chuyện với thế hệ trẻ, ông thường rất tự hào khi nói về Không quân Việt Nam, về trận chiến 12 ngày đêm lịch sử, về những kỷ niệm đáng nhớ khi bay vào vũ trụ, truyền cảm hứng và khát vọng cho tuổi trẻ. “Thế hệ trẻ hôm nay đừng bao giờ quên lịch sử. Chúng ta đã có một quá khứ hào hùng. Tôi muốn kể lại để các em hiểu được cha anh chúng ta đã sống và chiến đấu thế nào” - Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ trong rất nhiều cuộc nói chuyện.

Khi nói về thành tích đặc biệt ba lần được tặng danh hiệu anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân bộc bạch: Tôi rất vinh dự khi được nhận những nhiệm vụ trọng đại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhờ có tập thể, nhờ có nhân dân, nhờ có đồng chí, đồng đội, tôi đã vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ. Danh hiệu anh hùng thuộc về nhân dân, về đồng chí, đồng đội mà mình chỉ là người thực hiện mà thôi.

Với Trung tướng Phạm Tuân, quê hương Thái Bình mãi khắc sâu trong trái tim. Đó là miền quê gian khó nhưng chính trong gian khó người Thái Bình luôn có truyền thống yêu nước, cách mạng, đoàn kết, bó bện với nhau chống chọi với thiên tai và đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ cuộc sống bình yên. Truyền thống ấy đã tạo nên những con người Thái Bình anh dũng, quả cảm và kiên cường trước mọi khó khăn, thử thách. Truyền thống ấy đi theo Anh hùng Phạm Tuân suốt cuộc đời và trong những lúc khó khăn nhất ông lại nghĩ về mảnh đất quê hương mình. Nguồn cội là động lực lớn lao giúp ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.


Đại tá phi công Vũ Đình Rạng, nguyên cán bộ Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân
Nếu như trận đánh của tôi và đồng đội đêm ngày 20/11/1971 đã hạ gục “pháo đài bay” B-52 của Mỹ đã khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và tinh thần cách mạng tiến công của Không quân nhân dân Việt Nam, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đồng thời là đòn phủ đầu của không quân ta khiến đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai choáng váng thì trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng 12/1972, Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều đã giáng đòn quyết định, bắn rơi tại chỗ B-52, hạ gục biểu tượng sức mạnh của không quân Hoa Kỳ.

Đồng chí Trần Đức Dụng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương
Quê hương Quốc Tuấn vinh dự và tự hào đã sinh ra Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ và cũng là người ba lần được phong anh hùng. Dù ngày còn công tác hay khi đã về nghỉ hưu, Trung tướng Phạm Tuân luôn là người nặng tình nặng nghĩa với quê hương. Trên chặng đường đổi mới của xã Quốc Tuấn hôm nay luôn có sự đồng hành của những người con xa quê, trong đó có dấu ấn của Trung tướng Phạm Tuân. Đảng bộ, chính quyền và các thế hệ người dân Quốc Tuấn sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng giữ vững và phát huy các giá trị văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương, xây dựng Quốc Tuấn thành xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xứng danh đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ông Phạm Đình Niết, em trai Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân
Anh Tuân là người có tố chất thông minh, sáng dạ ngay từ nhỏ. Anh thường sáng tạo ra các trò chơi để đám trẻ chúng tôi cùng chơi. Tuổi thơ được cùng anh rong ruổi khắp làng trên xóm dưới là những kỷ niệm không thể nào quên. Khi anh trở thành phi công và có những chiến tích trong cuộc đời binh nghiệp, anh vẫn giữ cho mình tính dân dã của một người con quê lúa. Anh em, con cháu chúng tôi luôn tự hào về truyền thống gia đình, về một người anh trai cả đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và anh Tuân. Giá trị truyền thống gia đình là những điều quý giá nhất để trao truyền, giáo dục các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau kế thừa và phát huy.

Cháu Phạm Bảo Châu, học sinh Trường Vinschool, thành phố Hà Nội
Cháu vẫn thường kể cho bạn bè nghe về quê hương mình chính là quê hương của Anh hùng Phạm Tuân, miền quê nằm ven con sông Trà Lý trong xanh. Không chỉ được biết ông qua sách báo, mỗi dịp về quê cháu được ông nội kể cho nghe nhiều hơn những câu chuyện về người đầu tiên của châu Á bay vào vũ trụ, người đã làm rạng danh quê hương. Là thế hệ hôm nay lớn lên khi đất nước đã yên bình, chúng cháu càng quý trọng và biết ơn công lao của các thế hệ đi trước, cháu hứa sẽ ra sức học tập, noi theo tấm gương Anh hùng Phạm Tuân để mai này đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước.


Nguyễn Hình - Tất Đạt