Thứ 6, 10/01/2025, 02:58[GMT+7]

Ngân hàng thương mại bắt đầu giảm lãi suất cho vay

Thứ 4, 18/03/2020 | 10:11:52
1,510 lượt xem
Hàng loạt lãi suất điều hành được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm khá mạnh. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, đây là một trong những cơ chế, chính sách giúp các ngân hàng thương mại hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất tốt hơn cho doanh nghiệp. Ngay sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại bắt đầu giảm lãi suất cho vay...

Các ngân hàng thương mại đã giảm hàng loạt mức lãi suất cho vay sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã giảm hàng loạt mức lãi suất điều hành. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm; với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên giảm lãi suất cho vay ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành là Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB). Ông Sanjay Chakrabarty, Tổng Giám đốc khối bán lẻ OCB cho biết, từ ngày 17-3, đối với khách hàng cá nhân, lãi suất huy động được OCB điều chỉnh giảm 0,2%-0,3%/năm cho tất cả các kỳ hạn, xuống tối thiểu 4,6%/năm đối với kỳ hạn ngắn; riêng kỳ hạn 6 tháng trở lên, lãi suất vẫn được áp dụng từ 7%/năm trở lên.

Cũng theo ông Sanjay Chakrabarty, đối với các khách hàng doanh nghiệp, OCB triển khai gói tín dụng ưu đãi 500 tỷ đồng dành cho các công ty xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng thuộc những ngành ưu tiên phát triển của khối khách hàng siêu nhỏ. Kênh vay vốn trực tuyến của OCB dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được triển khai.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngoài ra, ngân hàng này còn giảm lãi suất dư nợ hiện hữu, với mức giảm 1%/năm cho khoản vay VND ngắn hạn; 1,5%/năm cho khoản vay VND trung, dài hạn. Đặc biệt, Vietcombank giảm tối đa tới 1%/năm đối với khoản vay mới của khách hàng thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thời gian áp dụng đến hết ngày 30-4.

Hàng loạt ngân hàng khác cũng có động thái điều chỉnh lãi suất huy động để có nguồn vốn giá rẻ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng xuống mức tối đa 6,1%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) hạ lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng từ 4,9%-4,95%/năm về 4,6%-4,8%/năm.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là động thái phù hợp bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã giảm lãi suất để ngăn đà suy thoái.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước giảm hàng loạt lãi suất điều hành là nhằm xây dựng cơ chế để các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Dự kiến, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm khoảng 0,3-1%/năm đối với các kỳ hạn.

Theo hanoimoi.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày