Chủ nhật, 03/11/2024, 04:17[GMT+7]

Bảo đảm thu nhập cho người dân nông thôn đến năm 2030 cao hơn 2 lần so với hiện nay

Thứ 4, 18/03/2020 | 14:45:29
1,401 lượt xem
Đó là một trong những mục tiêu đề ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” tổ chức sáng ngày 18/3.

Các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Audio: 1803_thoia__truc_tuyen_10_nam_an_ninh_luong_thuc_mixdown.mp3

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ. 

Tham dự tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố.

Sau 10 năm thực hiện, Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm). Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh (giai đoạn 2009-2019, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn). Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới).

Đến năm 2030, cả nước giữ ổn định khoảng 3,3 – 3,6 triệu ha đất lúa, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu; bảo đảm thu nhập cho người dân nông thôn cao hơn 2 lần so với hiện nay.

Tại Thái Bình, sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cùng với sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là vấn đề về an ninh lương thực.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, để đảm bảo an ninh lương thực, thời gian qua Thái Bình đã đề ra nhiều giải pháp cho sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất cây lương thực nói riêng, trong đó tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân gắn với phát triển môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhằm bảo đảm vững chắc cung cấp lương thực, thực phẩm, đáp ứng ổn định và bền vững cho nhân dân trong tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian tới, Thái Bình sẽ quy hoạch diện tích đất nông nghiệp phù hợp với từng thời kỳ và nhu cầu lương thực phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; tiếp tục tập trung chỉ đạo tích tụ, tập trung ruộng đất; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Phấn đấu đến năm 2025, Thái Bình sẽ cơ giới hóa toàn bộ các khâu sản xuất, đặc biệt là khâu gieo trồng, bảo quản, phun thuốc bảo vệ thực vật…

Tại hội nghị, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu quy hoạch quỹ đất sản xuất lúa của Thái Bình bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đồng thời phục vụ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, theo kịp sự phát triển trong khu vực và cả nước. Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án hỗ trợ thí điểm tích tụ ruộng đất triển khai tại Thái Bình nhằm phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; cần có bộ cơ chế, chính sách đồng bộ, hoàn chỉnh hỗ trợ cho sản xuất cây lương thực. Nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư cho sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng thay thế lương thực bảo đảm sức khỏe; quy hoạch, hỗ trợ hoặc đầu tư theo hướng xã hội hóa để xây dựng kho trữ lúa gạo ở từng khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân hiện nay. Tăng cường quỹ dự phòng hỗ trợ nông dân nói chung, người trực tiếp sản xuất lúa gạo nói riêng khi gặp thiên tai, bão lũ, dịch bệnh.

Với chủ trương bảo đảm an ninh lương thực vững chắc, bền vững trong mọi tình huống, nêu cao tinh thần tự cường, chủ động về an ninh lương thực, không chạy theo thị trường, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cả về số lượng, chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu; tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gia tăng chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới, phát triển tổ chức sản xuất, cơ chế, chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạo. Phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực.

Lưu Ngần

Ảnh: Thành Tâm

  • Từ khóa