Thứ 7, 23/11/2024, 07:39[GMT+7]

Nỗ lực giảm giá thịt lợn xuống ngưỡng 70.000 đồng/kg

Thứ 4, 18/03/2020 | 14:58:29
955 lượt xem
Có nhiều cơ sở để giảm giá thịt lợn. Vấn đề là cần sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và các yếu tố cấu thành giá.

Ảnh minh họa.

Đây là khẳng định từ phía Bộ NN&PTNT. Bộ này cho biết năm 2020, Việt Nam không thiếu thịt. Sản lượng thịt lợn trên cả nước vào khoảng 4 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2019.

Hiện nay, 99% số xã bị dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Tốc độ tái đàn đang được đẩy mạnh. Cuối tháng 3 này sẽ có nguồn cung thịt lợn tái đàn ra thị trường.

Trong khi đó, theo báo cáo mới của Bộ Công Thương, dù ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi nhưng bình quân giá thành sản xuất 1kg lợn hơi chỉ vào khoảng 45.000 đồng/kg. Với giá bán 75.000 đồng/kg lợn hơi như hiện nay thì DN đang lãi hơn 3 triệu đồng/con.

Vì vậy, ngay tại Hội nghị này, Bộ NN&PTNT đã đề nghị 17 tập đoàn chăn nuôi lớn đưa giá lợn hơi về quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg. Nhiều DN cũng cam kết sẽ nỗ lực giảm giá lợn hơi để chia sẻ với người tiêu dùng.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện mức chênh lệch giữa giá lợn hơi xuất chuồng và trên thị trường là gấp 1,7 lần. Sự chênh lệch quá cao này này do thịt lợn không phải mặt hàng thuộc diện bình ổn theo Luật giá, cũng không phải mặt hàng kê khai giá nên doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, để giảm giá thịt lợn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc trông chờ vào sự chung tay của DN là chưa đủ mà cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành.

Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá chiếm gần 60% trong rổ thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá thịt lợn giảm thêm từ 8% đến 10% trong tháng 3 sẽ giúp CPI bình quân giảm đáng kể.

Dự kiến vào cuối tuần này, các Bộ, ngành liên quan sẽ báo cáo tham mưu Chính phủ về những giải pháp trước mắt và lâu dài để bình ổn giá thịt lợn.

Theo vtv.vn