Chủ nhật, 24/11/2024, 18:46[GMT+7]

Thưởng thức nghệ thuật, giải trí tại nhà: An toàn, tiện lợi

Chủ nhật, 22/03/2020 | 11:40:29
1,284 lượt xem
Thưởng thức nghệ thuật, giải trí tại nhà đang trở thành xu thế trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Với công chúng, đây là phương thức vừa an toàn, tiện lợi, vừa đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần. Với đơn vị sản xuất chương trình và nghệ sĩ, xu thế này kích thích sự sáng tạo, phát triển những sản phẩm nghệ thuật, giải trí phong phú, hấp dẫn hơn.

Một cảnh trong phim “Phượng Khấu” - bộ phim cổ trang Việt Nam được sản xuất để chiếu độc quyền trên ứng dụng giải trí POPS.

Phong phú, đa dạng, hấp dẫn

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến khán giả ít đến các tụ điểm nghệ thuật - nơi đông người, nên các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã tung ra nhiều chương trình, sản phẩm nghệ thuật, giải trí mới dành cho khán giả tại nhà. Nhiều "nhà đài" đã thêm khung giờ phát sóng chương trình giải trí hoặc tăng thời lượng phát sóng phim truyền hình. Điển hình như kênh VTVcab 4 - Love dành thời lượng tối thứ bảy hằng tuần cho các tác phẩm điện ảnh Việt Nam chiếu rạp, như: “Cô dâu đại chiến”, “Và anh sẽ trở lại”, “Đoạt hồn”... Kênh VTV3 cũng tăng một buổi chiếu phim truyền hình Việt Nam vào tối thứ sáu, phủ kín giờ “vàng” các tối trong tuần.

Cũng trong tháng 3 này, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam) liên tục thực hiện và gửi đến khán giả các phim đặc sắc trên kênh VTV1 và VTV3, như: “Tình yêu và tham vọng”, “Đừng bắt em phải quên”, “Nhà trọ Balanha”… Ông Nguyễn Hoàng Dương, đại diện truyền thông của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam cho biết, sự điều chỉnh về lịch phát sóng phim truyền hình như vậy nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, giải trí của khán giả trong mùa dịch Covid-19, đồng thời tạo áp lực để đơn vị đầu tư những tác phẩm hấp dẫn hơn, giữ chân khán giả với truyền hình.

Bên cạnh truyền hình, gần đây, nhiều hình thức giải trí trên mạng và qua các thiết bị thông minh cũng nở rộ. Ứng dụng POPS - nền tảng giải trí miễn phí mới cho khán giả Việt Nam, vừa ra mắt đã và đang thu hút khán giả với kho nội dung giải trí đa dạng, chất lượng cao. Sức hút của POPS lớn hơn khi từ đầu tháng 3-2020, bộ phim truyền hình cổ trang Việt Nam “Phượng Khấu” được chiếu độc quyền trên ứng dụng này. Các dịch vụ giải trí, xem phim có bản quyền của FPT Play, MyTV, Netflix, Fim+… cũng liên tục đầu tư nâng cao chất lượng, bổ sung thêm phim mới…

Thời gian này, nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật cũng chuyển hướng phục vụ khán giả trên nền tảng số, đa phần thông qua kênh YouTube. Đối với điện ảnh, khán giả được thưởng thức những bộ phim đầu tư chất lượng không thua kém phim chiếu rạp, như “Bố già”, “Hiếu bến tàu”, “Nhà trọ quá trời phòng”… Sân khấu đã tiếp cận và chinh phục khán giả qua các chương trình phát trên mạng, như “Sông dài”, “Duyên cô Thắm”, “Thân chùm gửi”… Để đáp ứng nhu cầu của người yêu nhạc có chương trình “Music Home” - đưa âm nhạc khán phòng đến tận nhà hay các buổi livestream (truyền hình trực tiếp trên mạng) của ca sĩ Tuấn Hưng, Quang Hà, nhóm nhạc Oplus…

Với những chương trình, hình thức giải trí tại nhà đa dạng, hấp dẫn như vậy, phần lớn người dân tỏ ra hài lòng và chuyển sang tìm hiểu, thưởng thức theo xu thế này. Chị Nguyễn Hải Yến (phố Khúc Thừa Dụ, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Thay vì đến rạp và các sân khấu biểu diễn như trước đây, thời gian này, tôi thường xem phim trên mạng. Có cả hình thức miễn phí và trả phí, nhưng chi phí ít hơn so với thưởng thức tại rạp mà hình ảnh, âm thanh sắc nét không kém...”.

Xu hướng giải trí đang thịnh hành

Có thể thấy, phát triển nghệ thuật, giải trí tại nhà thông qua các nền tảng công nghệ là một xu thế tất yếu, đã được nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tận dụng, khai thác, đầu tư những năm gần đây. Vì vậy, khi người dân chọn giải trí tại nhà để tránh dịch Covid-19, ngay lập tức có nhiều dịch vụ, chương trình đáp ứng.  

Theo bà Esther Nguyễn, Giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú Sắc Việt - đơn vị phát triển ứng dụng giải trí POPS, nghe nhạc, xem phim có bản quyền trên nền tảng số là xu hướng thịnh hành trên thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Hình thức này vừa đáp ứng được nhu cầu nhanh, tiện lợi, chất lượng cao của khán giả hiện nay, vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật nước nhà. Bởi, các sản phẩm nghệ thuật được số hóa, tiếp cận càng nhiều khán giả, thì người thực hiện càng có thêm chi phí tái đầu tư, sáng tạo...

Đồng tình với quan điểm đó, ông Phan Đỗ Trí Dũng, Giám đốc điều hành nền tảng xem phim trực tuyến Fim+ cho biết, những năm gần đây, số lượt người theo dõi, xem phim trên internet tại Việt Nam ngày càng tăng, kéo theo doanh thu lĩnh vực này cũng tăng đáng kể. Chỉ tính 2 tháng đầu năm nay, doanh thu xem phim trực tuyến đã tăng gần gấp đôi, thời gian xem phim trực tuyến của khán giả cũng tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Ở góc độ người làm nội dung, nhạc sĩ Huy Tuấn, Giám đốc âm nhạc chương trình “Music Home” cho rằng, để thực hiện một chương trình biểu diễn trực tiếp trên nền tảng số, đem lại cho khán giả cảm giác chân thực, sống động như trong khán phòng, đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về kỹ thuật lẫn nội dung, nhưng đổi lại, nghệ sĩ được tiếp cận với số lượng khán giả không giới hạn, mang đến niềm vui cho công chúng trong thời điểm khó khăn này. Còn theo ca sĩ Việt Tú, anh và nhiều đồng nghiệp khác vẫn liên tục thực hiện những bản thu âm tác phẩm mới phát hành trên mạng để công chúng thưởng thức tại nhà. Qua đây, các nghệ sĩ cũng có cơ hội tương tác, giao lưu với khán giả để hoàn thiện tác phẩm và có động lực sáng tạo hơn.

Hiện tại, nhiều đơn vị nghệ thuật, giải trí và các nghệ sĩ đang tích cực sản xuất những tác phẩm độc quyền phát trên truyền hình hoặc nền tảng số để vừa đáp ứng nhu cầu của khán giả, vừa tạo đà cho lĩnh vực này phát triển trong tương lai.

Theo hanoimoi.com.vn