Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới không có nợ công
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến cuối năm 2019, Thái Bình đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh; là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. Điều đặc biệt, cùng với việc đạt chuẩn các tiêu chí NTM, Thái Bình coi trọng và kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công nhằm bảo đảm phát triển bền vững và tránh hệ lụy phát sinh gây mất ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Trước kết quả vui mừng này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, được biết Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố được công nhận đạt tiêu chí quốc gia, cơ sở nào để Thái Bình có bước đi đồng bộ và bứt phá như vậy?
Đồng chí Đặng Trọng Thăng: Trước hết, phải nói rằng Thái Bình được thừa hưởng thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo cùng kho báu vô giá truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Với ưu thế về địa lý, quần cư tập trung, ngay từ những thập kỷ cuối thế kỷ 20, Thái Bình đã là tỉnh điển hình gương mẫu đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thành công của chương trình “điện, đường, trường, trạm” đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, là cơ sở khởi phát của NTM xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là Thái Bình đã sớm nhận ra và có những bước đi khai phá xây dựng NTM ngay từ những thập kỷ cuối thế kỷ 20.
Nghị quyết số 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) là cơ hội để Thái Bình có những bước đi bền vững. Ngay từ năm 2009, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-TU tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai Nghị quyết. Tiếp đó, năm 2011 ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 và ngày 21/12/2018 ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ những định hướng và các giải pháp cụ thể của các nghị quyết được quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đã tạo sự đồng thuận cao, huy động được mọi nguồn lực, trí tuệ của toàn xã hội trong tiến trình xây dựng NTM ở Thái Bình.
Phóng viên: Giải pháp nào mà Thái Bình cho là bài học quý giá, thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Trọng Thăng: Người xưa có câu “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “có lật thuyền mới biết sức dân như nước”, đó chính là sức mạnh của lòng dân. Chính vì thế, giải pháp cơ bản và then chốt đầu tiên mà Thái Bình thực hiện là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để mọi người dân hiểu rằng công cuộc xây dựng NTM là nhằm nâng cao mức hưởng thụ cho chính họ, cho các thế hệ con cháu của họ, cho vùng đất họ đang sinh sống. Từ nguồn cội đó người dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ cùng Nhà nước và cộng đồng xã hội chung tay kiến tạo nên những điều kiện về vật chất, tinh thần để thụ hưởng. Từ nhận thức đầy đủ đó, một hiện thực đã diễn ra trong gần 10 năm qua ở Thái Bình là người dân đã trở thành chủ thể công cuộc xây dựng NTM. Ngoài việc hiến hàng vạn mét vuông đất, đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công xây dựng các công trình phúc lợi, giao thông công cộng, sự đồng thuận, đồng hành thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng đã thể hiện vai trò làm chủ, lòng yêu nước, yêu quê hương của người dân Thái Bình. Sau chiến tranh, chưa có thời kỳ nào mà vị thế người dân tự ý thức được vai trò làm chủ như công cuộc xây dựng NTM này. Thành quả đến nay 100% xã trong tỉnh đã về đích NTM là kết quả của sức mạnh lòng dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Một yếu tố quan trọng nữa là vai trò gương mẫu, chấp hành nghiêm túc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ngoài các mô hình được định danh xây dựng bước đầu ở các huyện, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo, có những bước đi đột phá, trở thành những điển hình tiên tiến, tạo nên sự đa dạng, phong phú, toàn diện của phong trào. Nhiều cách nghĩ, cách làm hay ở cơ sở kịp thời được tổng kết, nhân rộng ra toàn tỉnh, từ đó giúp tỉnh đề ra những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, sát thực tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp của “ý Đảng, lòng dân” chung tay xây dựng NTM.
Cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân, sự năng động, sáng tạo, gương mẫu của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng là động lực, môi trường thúc đẩy. Có lẽ, Thái Bình là tỉnh đột phá đầu tiên trong cả nước hỗ trợ đầu tư bằng vật tư trực tiếp cho các hạng mục công trình xây dựng ở cơ sở. Giải pháp đó vừa có ý nghĩa chủ động trong quản lý, giám sát nguồn vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ thực hiện vừa thể hiện minh bạch, công khai, ngăn chặn tình trạng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trái mục đích, xà xẻo, tham nhũng. Bên cạnh đó, ở tầm vĩ mô diện rộng trong toàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND và Quyết định số 19/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách khuyến khích kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn. Đến nay, 31 doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và khép kín hệ thống cấp nước sạch cho 100% xã trong tỉnh với tổng nguồn vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, từ 3 nguồn vốn: doanh nghiệp, nhà nước và nhân dân, trong đó nguồn vốn của các doanh nghiệp là chủ đạo. Từ đó đã giải quyết được vấn đề mấu chốt của một trong những tiểu mục quan trọng trong tiêu chí về môi trường mà một số địa phương không đủ khả năng thực hiện.
Cùng với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, điều đáng ghi nhận là sự đóng góp quý giá của các doanh nghiệp, doanh nhân, con em Thái Bình xa quê đã tự nguyện nhận đầu tư các công trình phúc lợi, đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào công cuộc xây dựng NTM trên quê hương Thái Bình, góp phần vào thành quả về đích NTM hôm nay. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và nhân dân Thái Bình đánh giá cao và ghi nhận tấm lòng đầy trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân, con em Thái Bình xa quê đã đồng hành, luôn hướng về quê hương, chung tay xây dựng Thái Bình giàu đẹp.
Diện mạo xã nông thôn mới Thụy Phúc (Thái Thụy).
Phóng viên: Đặc biệt hơn, cùng với việc bám sát 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, Thái Bình còn coi trọng và quyết tâm không để tồn đọng nợ công trong xây dựng NTM. Vì sao, thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Trọng Thăng: Đó là nét mới và quyết tâm của Đảng bộ tỉnh Thái Bình. Từ bài học mất ổn định trên diện rộng những năm 1997 - 1998 trước đây và để ngăn chặn bệnh thành tích, tệ nạn tham nhũng, Thái Bình luôn coi trọng và giám sát chặt chẽ đầu tư công bằng nhiều giải pháp và coi như thêm một tiêu chí khi rà soát công nhận các địa phương đạt chuẩn NTM.
Cùng với việc nâng cao vị thế chủ thể trong xây dựng NTM của các tầng lớp nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, ngăn chặn tận gốc thất thoát đầu tư công tại cơ sở, Thái Bình đã quán triệt tới các cấp ủy đảng, chính quyền và giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở các địa phương. Chính vì thế, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc rà soát nợ công trong quá trình xây dựng NTM được Thái Bình đặc biệt quan tâm và coi như giải pháp hàng đầu khi xét công nhận các xã chưa về đích. Hơn 60 xã được xét công nhận đợt cuối đều đã giải trình và cam kết không để tồn đọng nợ công. Tuy nhiên, một số xã được công nhận đạt chuẩn từ các năm trước còn tồn đọng nợ công nhưng có cơ sở khắc phục và vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Điều đáng ghi nhận là thông qua việc giám sát nợ công là bước đi đúng đắn của Thái Bình, chẳng những đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu các địa phương mà còn thể hiện bản chất thật quá trình xây dựng NTM ở cơ sở, ngăn chặn và phòng ngừa những phát sinh hệ lụy sau xây dựng NTM ở Thái Bình.
Cánh đồng màu cao sản xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ).
Phóng viên: Trên cơ sở Thái Bình đã hoàn thành xây dựng NTM, để phát huy thành quả và tạo nền tảng bền vững trong tương lai, Thái Bình đã có những giải pháp khả thi nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Trọng Thăng: Trên cơ sở đến nay Thái Bình đã hoàn thành xây dựng NTM, về đích trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng NTM ở cơ sở, ngày 21/12/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp đó, ngày 18/3/2019 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu. Từ các nghị quyết nêu trên, Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có 15% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí NTM nâng cao, 5% số xã trở lên đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu. Đến nay đã có nhiều xã trong tỉnh đã đăng ký phấn đấu đạt các tiêu chí nêu trên. Để sớm trở thành hiện thực, Thái Bình đã đề ra một số giải pháp cơ bản:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được ở tất cả các xã, các huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Kiểm soát chặt chẽ và có giải pháp xử lý đối với các địa phương phát sinh nợ đọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và ổn định ở cơ sở.
Thứ hai, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con nông dân theo hướng chuyển đổi mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi khép kín. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ ba, duy trì và giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa, phát huy dân chủ trong các hoạt động ở thôn, xã. Tạo điều kiện để người dân nông thôn tham gia vào tất cả các hoạt động của các tổ chức đoàn thể và xã hội, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư một cách bền vững.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh!
Nguyễn Trọng Thắng
(thực hiện)
Tin cùng chuyên mục
- Cách làm càng ghẹ rang me siêu ngon tại nhà 22.11.2024 | 19:07 PM
- Kiến Xương: Tổng kết công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân năm 2024 22.11.2024 | 19:04 PM
- Thành phố: Tăng cường bảo đảm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường 22.11.2024 | 19:06 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- VFF đặt mục tiêu giành 2 suất dự World Cup trong năm 2025 22.11.2024 | 17:10 PM
- Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá 22.11.2024 | 17:06 PM
- Hội nghị tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Giá năm 2023 22.11.2024 | 17:04 PM
- Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số 22.11.2024 | 16:14 PM
- Tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm trên không gian mạng 22.11.2024 | 16:14 PM
- Tập huấn cán bộ chủ chốt hội cựu chiến binh toàn tỉnh 22.11.2024 | 16:15 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh