Tích tụ đất đai: Giải pháp phát triển sản xuất hàng hóa
Nhìn lại công cuộc cải cách ruộng đất 1954, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp từ năm 1958, Chỉ thị số 100-CT/TW năm 1981, Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 1988 về khoán sản phẩm đến Nghị định số 64/CP năm 1993 về giao đất sản xuất lâu dài cho hộ nông dân đều là những quyết sách đúng đắn, phù hợp với mỗi thời kỳ cách mạng và sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đến nay, chính sách đất đai đã bộc lộ nhiều bất cập, cản trở nông nghiệp vươn lên sản xuất lớn theo hướng công nghiệp, hiện đại. Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà) cho biết: Nếu cấy với diện tích nhỏ, phải thuê từ 250.000 - 300.000 đồng/sào, nhưng khi có diện tích lớn, áp dụng cấy bằng máy, mỗi sào chỉ mất 220.000 - 250.000 đồng/sào (đã bao gồm cả giống lúa). Còn gặt tay, thuê nhân công vào khoảng 300.000 đồng/sào, nhưng nếu gặt máy chỉ khoảng 130.000 - 150.000 đồng/sào mà còn giảm được công tuốt. Chỉ tính riêng cấy, gặt, làm thủ công mỗi sào chi phí tăng trên 200.000 đồng so với sản xuất cơ giới trên diện tích lớn. Dự báo thời gian tới sẽ còn rất ít lao động trực tiếp làm ruộng. Hơn nữa, hiện thu nhập từ sản xuất lúa sau khi trừ chi phí rất thấp. Với mức đó, nếu độc canh, nông dân chỉ thoát nghèo, không thể nói đến chuyện tích lũy, làm giàu trên đồng đất của mình.
Đây không phải là hiện tượng cá biệt mà là thực trạng phổ biến ở các địa phương trong tỉnh. Để giải quyết thực trạng này, đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp, tạo “cú hích” mới, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển lên tầm cao mới. Và tích tụ ruộng đất, xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đang trở thành xu thế nhằm đáp ứng trình độ của lực lượng sản xuất ngày càng cao.
Tích tụ, tập trung ruộng đất ở Thái Bình được triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực: trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có 17.409,28ha đất tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa với quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 6.631,28ha đất nông nghiệp được tập trung theo hình thức thuê đất, góp đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất (lĩnh vực trồng trọt 3.260,8ha, lĩnh vực chăn nuôi 432,8ha, lĩnh vực thủy sản 2.937,68ha) và 10.778ha diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết. Nhờ đó, hình thức tổ chức sản xuất có nhiều đổi mới, đã và đang xuất hiện các mô hình tổ chức sản xuất mới như mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp để sản xuất hàng hóa lớn (lúa, rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu…); phát triển các HTX, tổ hợp tác mới gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản.
Cánh đồng thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa (Vũ Thư) trước đây thường xuyên bị bỏ hoang do đồng đất chua, cấy lúa kém hiệu quả. Năm 2014, ông Vũ Khắc Bằng, thôn Đại Đồng mạnh dạn vận động người dân cho thuê 8ha với thời gian thuê 30 năm để cải tạo, chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả: ổi, đu đủ, cam, bưởi, hồng xiêm… Đến nay, gia đình ông có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình chuyển đổi này. Ông Bằng cho biết: Tích tụ được ruộng đất, có trong tay tư liệu sản xuất với thời gian dài giúp tôi chủ động trong lựa chọn cây, con vật nuôi cũng như biện pháp canh tác; áp dụng máy móc, kỹ thuật vào canh tác góp phần giảm chi phí đầu tư; đặc biệt có thể trồng các loại cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, trang trại của tôi còn tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Sản xuất với quy mô lớn đã và đang hình thành nên những “đại điền chủ” với tư duy sản xuất mới: tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác, sản xuất an toàn, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất và tiêu thụ; đặc biệt, nông sản làm ra đã gắn với yêu cầu, đòi hỏi của thị trường.
Điểm mới nữa trong tích tụ, tập trung ruộng đất đó là sự thay đổi về mô hình sản xuất. Thái Bình đã thực hiện chuyển đổi 100% hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Sự chuyển đổi này đã từng bước ổn định, chất lượng hoạt động các dịch vụ được nâng cao; các liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Toàn tỉnh có 327 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản; 1 liên hiệp HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp (đây là mô hình liên hiệp HTX hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có 4 HTX thành viên, với tổng số lao động là 3.000 người, vốn điều lệ 1,3 tỷ đồng). Trong số đó, có 236 HTX tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng năm là 10.778ha đã đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, thiết thực.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mô hình HTX kiểu mới, mô hình tổ hợp tác cũng được Thái Bình quan tâm triển khai thực hiện. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 51 tổ hợp tác, trong đó có 31 tổ hợp tác khai thác hải sản, 20 tổ hợp tác chăn nuôi. Nhìn chung, các tổ hợp tác đã phát huy được vai trò giúp đỡ, hỗ trợ nhau về vốn sản xuất, thức ăn chăn nuôi, nhân lực và công cụ sản xuất của các thành viên.
Diện tích ruộng đất lớn cũng sẽ thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn đã và đang xây dựng, hoàn thiện thủ tục đầu tư vào nông nghiệp Thái Bình như: liên doanh Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải - Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần T&T 159… Năm 2019, có 2 dự án vào nghiên cứu, dự kiến đầu tư lĩnh vực phân bón hữu cơ, chế biến nông sản.
Để khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp, tập đoàn lớn có dự án đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh; rà soát, đơn giản các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn Thái Bình.
Phan Lợi - Lưu Ngần
Tin cùng chuyên mục
- Thông cáo báo chí số 28, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV 28.11.2024 | 19:57 PM
- Hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ 2024 - Đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển 28.11.2024 | 19:58 PM
- Thành lập Ban Chỉ huy Quân sự Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh 28.11.2024 | 19:57 PM
- Kỳ quay thưởng “Hóa đơn may mắn” quý III/2024 có 46 giải thưởng 28.11.2024 | 19:58 PM
- Cụm thi đua Liên minh HTX các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng: Ký giao ước thi đua năm 2025 28.11.2024 | 20:02 PM
- Tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao của thanh niên 28.11.2024 | 20:04 PM
- Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón cấp Nhà nước Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni 28.11.2024 | 17:28 PM
- Thông báo 28.11.2024 | 17:09 PM
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh 28.11.2024 | 17:09 PM
- Rau cải xanh rất tốt cho sức khoẻ nhưng 'đại kỵ' với 5 nhóm người này 28.11.2024 | 17:34 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật