Thứ 7, 23/11/2024, 16:22[GMT+7]

Vùng Lục Khu, Cao Bằng “hết khát”

Thứ 2, 23/03/2020 | 10:05:33
1,081 lượt xem
Cả vùng Lục Khu trải khắp 6 xã không có lấy một dòng sông, con suối. Không có nước, nhiều người đã phải bỏ xứ tha hương.

Mỗi gia đình ở Lục Khu đều sử dụng lu, bể chứa nước mưa để sử dụng.

Những năm trước đây, vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vẫn được mệnh danh là “vùng đất khát”. Với sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của nhà nước vào những công trình nước sạch trong những năm qua, đến nay người dân vùng Lục Khu đã “hết khát”. 

Giữa tháng 3, cơn mưa trái mùa mang theo những giọt nước quý giá bất chợt trút xuống vùng đất Lục Khu cằn cỗi. Những cơn mưa vào lúc này được ví như mưa vàng giữa mùa khô hạn. Bà Dùng Thị Péc, một người dân xóm Thượng Sơn, xã Thượng Thôn cẩn thận kê lại những máng nước dẫn vào chiếc lu sau nhà, nguồn nước mưa quý giá này sẽ được dùng cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc nên không chỉ bà mà tất cả các hộ dân đều trân trọng. Trước đây do kinh tế khó khăn, người dân không có điều kiện xây bể chứa, nước mưa phần lớn lại trôi đi, ngấm vào đất. Vừa qua, gia đình bà và nhiều hộ dân khác đã được nhà nước hỗ trợ xây hồ tích nước, đặt thêm lu chứa, gia đình bà còn tự xây thêm chiếc bể hơn 7 m3.

"Bây giờ thì chỉ cần lọc cho nước sạch hơn là được. Có nước đủ dùng là bà con ở đây vui rồi. Như trước đây, rửa chân, rửa tay còn không có, mấy người chung nhau 1 chậu nước, bây giờ thì mỗi người 1 thau. Nếu không chăn nuôi thì nước dùng thoải mái, nhưng nuôi thêm trâu bò, lợn thì tốn lắm",bà Péc nói.

Vùng Lục Khu trước kia có 12 xã, hiện sáp nhập lại thành 6 đơn vị hành chính với khoảng 19 nghìn nhân khẩu. Không có bất cứ con sông, dòng suối nào chảy qua, nên vùng Lục Khu thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hàng năm vào mùa khô, chính quyền địa phương phải dùng xe téc chở nước để cấp cho người dân. Nhưng từ năm 2015 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, Cao Bằng đã đầu tư 27 công trình nước sinh hoạt, trong đó có 14 hồ vải địa kỹ thuật có sức chứa từ 1.500 - 3.800 m3/công trình.

Những hồ chứa này chính là giải pháp then chốt để giữ lại lượng nước mưa quý giá, đảm bảo nguồn nước tại chỗ cho nhân dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng hỗ trợ xây hơn 6.000 bể gia đình, 13.500 lu chứa, gần 200 bể chứa nước tập trung; 3 trạm bơm  và 9 hệ thống cấp nước tự chảy.

Đến nay mức trung bình mỗi người dân được cấp đến 46 lít/người/ngày trong 6 tháng mùa khô. Để bảo vệ nguồn nước sạch, người dân luôn có ý thức tự quản như nghiêm cấm chăn thả gia súc quanh khu vực đón và dẫn nước mưa vào hồ, làm rào bảo vệ, phân công người phát cỏ, thu gom rác. 

Ông Vương Văn Võ, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết: "Đến nay, cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho bà con nhân dân, chấm dứt tình trạng thiếu nước trầm trọng trong mùa khô, không phải chở bằng xe téch như trước đây. Huyện sẽ tiếp tục đầu tư, triển khai những giải pháp, xây thêm nhiều bể, nhiều hồ chứa nước để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phục vụ đời sống nhân dân vùng cao tốt hơn trong thời gian tới".

Song song với việc giải bài toán nước sinh hoạt, chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khô hạn. Trong đó cây gừng được xem là cây chủ lực giúp người dân thoát nghèo. Từ năm 2016 đến nay, cây gừng được trồng ở tất cả các xã với diện tích trên 330 ha, năng suất đạt 17 - 18 tấn/ha, giúp người trồng gừng có thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/ha.

Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng nói: "Cây gừng được trồng ở xã từ 2017 đến nay, bà con trồng cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, năm trước đây tỉ lệ hộ nghèo của xã rất cao, nhưng năm 2019 đã giảm tới 10,7% tỉ lệ hộ nghèo của xã".

Người dân vùng Lục Khu đã cơ bản đủ nước cho sử dụng, sinh hoạt hàng ngày. 

Các hồ vải địa được xem là giải pháp hữu hiệu để giữ lại nguồn nước mưa quý giá cho vùng Lục Khu. 

Sự quan tâm đầu tư của nhà nước bằng các công trình như hồ vải địa, trạm bơm, bể chứa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý là giải pháp hiệu quả, thiết thực giúp cho đồng bào vùng cao Lục Khu hết khát. Từ đó, người dân ổn định cuộc sống, yên tâm bám trụ trên mảnh đất quê hương, góp phần bảo vệ, giữ gìn biên cương Tổ quốc./.

Theo vov.vn