Chủ nhật, 24/11/2024, 21:28[GMT+7]

Tô thắm truyền thống cách mạng

Thứ 4, 25/03/2020 | 10:23:04
2,725 lượt xem
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, phụ nữ Thái Bình đã thể hiện những phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam: yêu nước, lao động cần cù, quả cảm, sáng tạo và giàu lòng nhân hậu. Các thế hệ phụ nữ Thái Bình đã góp phần tô thắm truyền thống cách mạng, bề dày văn hóa của quê hương.

Phụ nữ xã Thụy Liên (Thái Thụy) chăm sóc cây màu.

Năm 1928, tổ chức hội phụ nữ đầu tiên ở Thái Bình được thành lập mang tên Phụ nữ Tương tế và qua các giai đoạn cách mạng đã được đổi tên cho phù hợp. Từ tháng 6/1951 đến nay, tổ chức Hội Phụ nữ Thái Bình có tên gọi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Bình. Dù tên gọi có thay đổi theo từng thời kỳ, Hội LHPN tỉnh Thái Bình trước sau vẫn là tổ chức tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ đấu tranh giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các mẹ, các chị vừa anh dũng chiến đấu chống địch càn quét bảo vệ xóm làng vừa hăng hái xung phong vận chuyển lương thực, vũ khí, tham gia liên lạc, cất giấu tài liệu, bảo vệ cán bộ, gây dựng cơ sở cách mạng, chăm sóc, phục vụ thương binh... Không chỉ tham gia chiến đấu, các mẹ, các chị còn cùng nhân dân đẩy mạnh phong trào sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ, công tác y tế, vệ sinh môi trường.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Thái Bình đã cùng với phụ nữ cả nước động viên, tiễn đưa lớp lớp thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ở lại hậu phương, các chị thay chồng chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy con cái, tham gia công tác xã hội. Vừa sản xuất vừa chiến đấu với tinh thần “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, phụ nữ Thái Bình đã góp phần quan trọng làm nên thành tích năm 1966 Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kế thừa, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy truyền thống, bản lĩnh, trí tuệ của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thái Bình, các cấp hội phụ nữ đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đặc biệt, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ hội phụ nữ các cấp đã và đang từng bước trưởng thành, luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức cho phụ nữ thực hiện các phong trào thi đua, nhiệm vụ của tổ chức hội. Điển hình là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào “Phụ nữ Thái Bình chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Các cấp hội cũng tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội gắn với thực hiện các nghị quyết của Đảng, các đề án của Chính phủ, của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Hàng năm, các cơ sở hội đăng ký với hội LHPN huyện, thành phố, cấp ủy, chính quyền địa phương hơn 500 công trình tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mỗi năm, các cơ sở hội đã giúp hơn 3.000 gia đình đạt tiêu chí 5 không, 3 sạch; giúp hơn 600 hộ nghèo thoát nghèo. Chị em cũng đảm nhận trồng, chăm sóc hơn 810km đường hoa. Trong năm 2019 đã có 35 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo được xây dựng từ sự ủng hộ của phụ nữ toàn tỉnh với số tiền trên 1 tỷ đồng... Chị em đã tích cực học tập, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; vay hơn 1.900 tỷ đồng từ các ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế; tham gia học nghề, mạnh dạn sáng tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Hội viên, phụ nữ ngày càng tự tin tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; thực hiện quyền dân chủ, tham gia giám sát, phản biện xã hội; xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Những đóng góp thầm lặng, bền bỉ và to lớn của các thế hệ phụ nữ càng tô thắm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thái Bình, góp phần quan trọng xây dựng gia đình, xã hội và sự phát triển của địa phương.


Bà Đoàn Thị Chinh, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng trong thời chiến mà còn phù hợp với nguyện vọng của phụ nữ, tạo điều kiện để chị em phát huy mọi khả năng của mình cống hiến cho cách mạng. Phụ nữ Thái Bình từ thành thị đến nông thôn, ở mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi đều nhiệt tình hưởng ứng phong trào, đã có 85.000 chị đạt danh hiệu “Ba đảm đang”.

Chị Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Thái Bình

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp hội tập trung xây dựng, củng cố  tổ chức hội vững mạnh, tập hợp phụ nữ; quan tâm chăm lo đời sống, quyền lợi của chị em, hỗ trợ chị em khởi nghiệp, làm giàu, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Năm 2019, Hội LHPN thành phố đã hỗ trợ 38 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, chị em tiết kiệm hơn 18,7 tỷ đồng giúp phụ nữ vay phát triển kinh tế, đã có 117 nữ quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng.

Chị Bùi Thị Loan, hội viên phụ nữ thôn Trà Hồi, xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy

Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi đã tham gia các mô hình: nhà sạch, vườn đẹp, thu gom phế liệu gây quỹ hội để giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo... Các mô hình này không chỉ giúp bản thân gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc mà còn giúp tôi gắn bó với tổ chức hội và các chị em, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.


Xuân Phương