Thứ 2, 23/12/2024, 23:12[GMT+7]

Rừng ngập mặn – Lá chắn thiên tai (Kỳ I)

Thứ 5, 26/03/2020 | 16:08:36
12,978 lượt xem
Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt là sức tàn phá của bão biển, triều cường dâng, xâm nhập mặn. Với gần 4.300ha, rừng ngập mặn (RNM) như bức tường xanh khổng lồ, trải rộng che chắn, bảo vệ hơn 52km bờ biển; đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hàng nghìn người dân.

Bức tường xanh trải rộng khắp 52km biển Thái Bình, chính là tấm lá chắn trước thiên tai, bão lũ.

Kỳ I: “Vành đai xanh” chống biến đổi khí hậu

Phát triển kinh tế hướng biển là 1 trong 5 trọng tâm Thái Bình đang tập trung thực hiện, tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cùng với chủ trương này, tỉnh Thái Bình xác định để phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững, bên cạnh việc xây dựng các công trình đê biển, phải hình thành hệ thống “vành đai xanh” - đó chính là rừng ngập mặn.

Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng ngập mặn tại xã Thuỵ Hải (Thái Thuỵ).

Phát triển kinh tế biển bền vững

Phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những nội dung chính trong chương trình hành động phát triển kinh tế biển tỉnh Thái Bình. Những năm qua, Thái Bình luôn kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, sẵn sàng từ chối các dự án lớn nếu không bảo đảm yếu tố bền vững, xâm hại môi trường. Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế biển phải trên cơ sở tài nguyên biển được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển nên việc bảo vệ và phát triển rừng ven biển được đặc biệt chú trọng. 

Người dân mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn nhưng cũng không quên bảo vệ, bảo tồn rừng.

Ngày 28/10/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đặt ra là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận để xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, mở rộng không gian phát triển hướng ra biển Đông gắn với BVMT. Hiện, Thái Bình đang tập trung hoàn thành các công trình có ý nghĩa tác động mạnh, tạo sự hấp dẫn các hoạt động đầu tư vào Khu kinh tế như: tuyến đường đối ngoại kết nối khu vực, tuyến đường bộ ven biển, Quốc lộ 37, nâng cấp cảng Diêm Điền, cảng trung chuyển xa bờ và các khu Logistic phục vụ cảng; thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Thái Thượng, Cồn Đen, Cồn Vành, Đồng Châu theo hướng đồng bộ gắn với BVMT xanh, chống biến đổi khí hậu (BĐKH). 

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Công an xã, dân quân xã Thụy Xuân (Thái Thụy) tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn.

Trao đổi với chúng tôi ông Bùi Quang Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thái Bình luôn xác định an toàn đê biển gắn liền với an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội, môi sinh, môi trường của vùng dân cư do tuyến đê bảo vệ. Do vậy, công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng đê luôn được quan tâm đúng mức. Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã tranh thủ nguồn vốn trung ương, vốn chương trình phòng chống thiên tai, nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng, kiên cố hoá hệ thống đê biển, kè biển; các khu trú, tránh bão cho tàu thuyền…

Phủ kín lá phổi xanh

Diện tích RNM tỉnh Thái Bình được chia thành 2 vùng chính là rừng trồng ven biển tại huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải với hệ động thực vật phong phú. Nhận thức được tầm quan trọng của RNM trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống rừng ven biển của tỉnh đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc phòng hộ, chắn sóng bảo vệ đê biển, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nhân dân. Diện tích rừng và chất lượng rừng ngày càng được cải thiện. Tình trạng phá rừng hầu như không xảy ra, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để nuôi trồng thủy sản từng bước được kiểm soát. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của rừng ven biển cũng như trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển cũng như trách nhiệm của mình được nâng cao rõ rệt. 

Nhân dân các xã ven biển huyện Thái Thuỵ tham gia trồng, bảo vệ rừng ngập mặn...

...và tích cực dọn vệ sinh môi trường ven đê, khu vực rừng ngập mặn.

Nếu như năm 2015, Thái Bình có trên 3.700ha RNM thì đến nay diện tích tăng lên gần 4.300ha, trồng mới trên 550ha tại 10 xã ven biển. Ông Đinh Hải Lục, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình cho biết: Với diện tích RNM đã trồng, chúng tôi chú trọng khoanh vùng, bảo vệ. Theo đó, tạo nên mạng lưới bảo vệ RNM chuyên biệt, đồng thời, tuyên truyền để người dân chuyển biến nhận thức, cùng chung tay bảo vệ, phát triển rừng. Từ năm 1990 đến nay, RNM được trồng thông qua các chương trình, dự án lâm nghiệp như Chương trình 327, Chương trình 661 - 5 triệu ha rừng, Dự án PAM 5325… Những năm gần đây, Thái Bình tiếp nhận và triển khai có hiệu quả nhiều dự án phục hồi và phát triển RNM do trung ương và các tổ chức nước ngoài tài trợ như dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái RNM ven biển tỉnh Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, quy mô trồng mới và trồng bổ sung 160ha; dự án phục hồi và phát triển RNM ven biển tỉnh Thái Bình nhằm ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, quy mô trồng mới và trồng bổ sung 468ha; dự án giảm sóng ổn định bãi và trồng RNM bảo vệ đê biển 5 và 6 tỉnh Thái Bình, quy mô trồng mới và trồng bổ sung 146,1ha. 

Phụ nữ xã Thụy Trường (Thái Thụy) chung tay trồng rừng ngập mặn.

Ông Nguyễn Dương Luân, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải (Thái Thụy) chia sẻ: RNM không chỉ có tác dụng chắn sóng biển, bão gió, chống xói mòn, sạt lở, bảo vệ đê biển mà còn bảo vệ sản xuất nông lâm nghiệp và nuôi trồng hải sản cho người dân. Thông qua các dự án trồng rừng, người dân đã được tuyên truyền cách trồng, bảo vệ rừng, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cư dân ven biển về vai trò và tác dụng của rừng phòng hộ ven biển. 

Ông Lưu Tiến Đạt, Điều phối viên Ban Quản lý dự án Phục hồi và Phát triển bền vững hệ sinh thái RNM tỉnh Thái Bình tại Việt Nam cho biết: Thái Bình đang triển khai hiệu quả Dự án Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái RNM tỉnh Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ tại 4 xã: Thụy Xuân, Thụy Hải (Thái Thụy), Đông Hoàng, Đông Long (Tiền Hải). Đến nay, diện tích rừng trồng mới, trồng bổ sung, chăm sóc, quản lý rừng đã có sẵn bảo đảm tiến độ đề ra. Qua kiểm tra, toàn bộ diện tích trồng mới cây phát triển tốt, đạt yêu cầu.

Rừng ngập mặn trải dài ngút ngàn, chính là “vị cứu tinh” của con người khi nước biển dâng cao.

Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Nhận thức được tầm quan trọng của RNM trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, những năm gần đây huyện Tiền Hải đã tiếp thu và triển khai có hiệu quả nhiều dự án trồng rừng, mỗi năm toàn huyện trồng được trên 100ha; công tác quản lý và bảo vệ rừng được chú trọng, người dân đã có ý thức trong bảo vệ, trồng và phát triển rừng. Nằm trong Khu kinh tế ven biển của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, huyện Tiền Hải xác định đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ven biển kết hợp với phát triển du lịch sinh thái RNM của địa phương.

Trung tá Vương Văn Trọng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Lân (Tiền Hải)

Công tác bảo vệ và chăm sóc RNM là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn với công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển của tỉnh. Vì vậy, những năm qua Đồn Biên phòng Cửa Lân đã phối hợp với chính quyền địa phương trồng mới hàng nghìn cây chắn sóng ven biển của huyện Tiền Hải. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp lực lượng công an huyện và các xã cùng các tổ bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát định kỳ, đột xuất, ngăn chặn không để các đối tượng lợi dụng ra vào chặt phá rừng và các trường hợp cải tạo đầm vùng vi phạm về quản lý rừng.

Ông Nguyễn Trọng Phà, Tổ trưởng Tổ hợp tác xã Thụy Xuân (Thái Thụy)

Thụy Xuân là một trong 4 xã được lựa chọn tham gia dự án Phục hồi và Phát triển bền vững hệ sinh thái RNM tỉnh Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Để dự án được triển khai hiệu quả tại địa phương, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền đến người dân về hiệu quả của rừng, công tác bảo vệ tài nguyên rừng; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai và BĐKH; xây dựng các bài viết phát trên hệ thống truyền thanh xã... nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của rừng. Nhờ đó các hoạt động của dự án được triển khai tích cực, hiệu quả, nhận thức của người dân về việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng được nâng lên. Tăng độ che phủ rừng không chỉ giúp ứng phó với BĐKH mà còn làm phong phú sinh vật vùng ngập mặn, tạo sinh kế cho người dân.


Nhóm phóng viên