Thứ 3, 23/07/2024, 02:21[GMT+7]

Tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông, bãi triều ven biển

Thứ 6, 27/03/2020 | 17:17:07
951 lượt xem
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông, bãi triều ven biển, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý thường xuyên, đột xuất, dứt điểm các vụ vi phạm còn tồn đọng, đặc biệt là các bến bãi, công trình vi phạm trong hành lang bảo vệ đê, ngoài bãi sông, kiên quyết giải toả các bến bãi không nằm trong quy hoạch…

Một công trình vi phạm nằm trong hành lang bảo vệ đê tại tuyến đê hữu Trà Lý đoạn qua thành phố Thái Bình đang được tháo dỡ.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng đất đai, vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của người dân ngày càng cao nên tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều thường xuyên xảy ra, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ đê, tập kết vật liệu với quy mô lớn, xây dựng công trình, nhà xưởng, chuồng trại, trạm trộn trái phép trên bãi sông và lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ; tình trạng sử dụng xe quá khổ, quá tải cho phép đi trên đê, số vụ vi phạm pháp luật về đê điều tuy giảm dần nhưng nhiều vụ có mức độ và quy mô vi phạm tăng, việc ngăn chặn, xử lý vi phạm còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng chưa xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm còn nhiều, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước thực trạng trên, tại Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh tăng cường quản lý đê điều, chỉ đạo cơ quan chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo huyện làm trưởng đoàn để kiểm tra, thanh tra, xử lý thường xuyên, đột xuất; xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng; xử lý triệt để tình trạng sử dụng xe vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê.

Barie và biển báo hạn chế tải trọng được lắp đặt trên tuyến đê hữu Trà Lý đoạn qua thành phố Thái Bình. 

Đối với các bến bãi không nằm trong quy hoạch, đặc biệt là các bến bãi có chiều rộng bãi sông nhỏ hơn 20m phải kiên quyết giải tỏa, bảo đảm an toàn đê điều và thoát lũ. Trường hợp xác định đủ điều kiện cấu thành hành vi phạm tội cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Rà soát, kiểm tra việc cấp đất, cho thuê đất, sử dụng đất trong hành lang bảo vệ đê, bãi sông, bãi triều đối với các xã ven đê, ven biển, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Quản lý chặt chẽ đất trong hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông, bãi triều ven biển theo quy định. Tiếp tục dừng việc cho thuê đất bãi triều; tổ chức thu hồi đất bãi triều sử dụng, cho thuê không đúng quy định; thu hồi đất theo quy định đối với các trường hợp cho thuê đất không đúng thời hạn, không đúng quy hoạch, không đúng thẩm quyền. Ban hành các quy chế, quy định, chế tài để quản lý khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình nông thôn mới, bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư. Việc xử lý, giải tỏa các bến bãi tại bãi sông có chiều rộng bãi nhỏ hơn 20m và không nằm trong quy hoạch phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019; các vi phạm khác hoàn thành trước ngày 31/5/2020…

Đến ngày 31/12/2019, tất cả các huyện, thành phố đều đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh và đạt được một số kết quả ban đầu. Điển hình như thành phố Thái Bình, trong năm 2019 đã phát hiện 10 vụ vi phạm Luật Đê điều, trong đó đã xử lý được 8 vụ, ngoài ra còn xử lý được 3 vụ vi phạm tồn đọng của các năm trước; giải tỏa được 7 bến bãi, trong đó có 3 bến bãi có chiều rộng bãi trung bình ≤ 20m. Huyện Thái Thụy đã phát hiện 22 vụ vi phạm Luật Đê điều, trong đó đã xử lý được 5 vụ, xử phạt hành chính 5 vụ với số tiền 106 triệu đồng, dừng hoạt động 5 bến bãi không nằm trong quy hoạch…

Ông Nguyễn Văn Chúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Trên địa bàn huyện Đông Hưng có đê tả Trà Lý chạy qua với chiều dài 23,5km, từ K6+600 đến K23+400 và từ K34+600 đến K41+300. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 29 bến bãi đang hoạt động, trong đó có 18 bến bãi nằm trong quy hoạch, 11 bến bãi không nằm trong quy hoạch. Trong số 11 bến bãi không nằm trong quy hoạch thì có 5 bến bãi chiều rộng bãi trung bình ≤ 20m. Năm 2019, toàn huyện đã phát hiện 11 vụ vi phạm Luật Đê điều, trong đó đã xử lý được 6 vụ vi phạm. Ngoài ra, các địa phương còn xử lý được 19 vụ vi phạm còn tồn đọng từ những năm trước; xử phạt hành chính 7 vụ vi phạm với tổng số tiền 15 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là làm nhà, xây dựng hàng quán, xây lắp cẩu, kho chứa xăng dầu, chất tải vật tư, làm hàng rào trên mái đê, cơ đê, trong hành lang bảo vệ đê điều, ngoài bãi sông, đỉnh kè. Trong thời gian tới, huyện Đông Hưng tiếp tục làm tốt công tuyên truyền Luật Đê điều để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân; đồng thời, vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm trong hành lang bảo vệ đê.

 Phạm Hưng