Chủ nhật, 03/11/2024, 04:20[GMT+7]

Cần thiết ban hành chế độ, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 6, 10/04/2020 | 18:42:01
565 lượt xem
Chiều ngày 10/4, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận về việc bổ sung kinh phí và đề xuất một số chế độ, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 1004_thoia__ban_thuong_vu_tinh_uy_mixdown.mp3

Các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy dự hội nghị.

Trước yêu cầu cấp thiết của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở Nghị quyết số 37 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy một số chế độ, chính sách  đặc thù trong phòng, chống dịch đối với một số đối tượng: người cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung; cán bộ y tế, công an thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung; người tham gia thực hiện nhiệm vụ phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu cách ly tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan nhà nước; chế độ đối với cán bộ thuộc tổ công tác liên ngành làm nhiệm vụ chốt chặn tại 7 cửa ngõ của tỉnh; hỗ trợ kinh phí cho tổ tuần tra và tổ tự quản tại các thôn, tổ dân phố, khu dân cư và kinh phí sản xuất dung dịch rửa ray sát khuẩn…

Sau khi các đại biểu thảo luận, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định sự cần thiết ban hành một số chế độ, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở và là nguồn động viên kịp thời để các lực lượng tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch; nhất là với những lực lượng tham gia các chốt kiểm dịch, tổ công tác liên ngành, tổ tuần tra, tổ tự quản, cán bộ, nhân viên ngành y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Những ngày qua nhờ những lực lượng này hoạt động tích cực, Thái Bình đã thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giữ được ổn định tình hình, không để dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về các đối tượng được hỗ trợ và định mức hỗ trợ như đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh. Tuy nhiên, báo cáo về một số chế độ, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trước khi trình HĐND tỉnh phải thống kê chính xác số lượng đối tượng được hỗ trợ, từ đó xác định tổng mức kinh phí hỗ trợ. Trong quá trình thực hiện chính sách bảo đảm mọi lực lượng tham gia theo nhóm đối tượng  mà Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều được hưởng. Trong quá trình hỗ trợ phải rà soát kỹ lưỡng không để hỗ trợ trùng cho các đối tượng; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc hỗ trợ đúng đối tượng, tránh việc trục lợi chính sách.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất hỗ trợ kinh phí cho Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình mua máy móc thiết bị sản xuất dung dịch rửa tay nhanh, giúp đơn vị sản xuất ra sản phẩm bán với giá 35.000 đồng/chai (bằng khoảng một nửa giá thị trường) cho các địa phương, đơn vị trong tỉnh trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19. Với kinh phí mua dung dịch sát khuẩn trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh sử dụng từ nguồn chi thường xuyên hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước, kết hợp ngân sách nhà nước với nguồn thu học phí.

Về nguồn kinh phí hỗ trợ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và yêu cầu mỗi cấp ngân sách huy động ít nhất 50% nguồn dự phòng và 70% nguồn dự trữ tài chính kết hợp nguồn vượt thu, tăng thu để thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ; chế độ, chính sách hỗ trợ này chỉ thực hiện trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh hoàn thiện các thủ tục khẩn trương thực hiện chế độ, chính sách để hỗ trợ sớm các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận về báo cáo đề xuất bổ sung dự án Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Theo đó, địa điểm Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình dự kiến được xây dựng trên khu vực có tổng diện tích 193 ha (100ha mặt nước) ở phía Bắc sông Trà Lý, thuộc xã Thái Đô, Thái Thụy trong quy hoạch phát triển công nghiệp thuộc Khu kinh tế Thái Bình. Dự án được triển khai sẽ giúp bù đắp công suất cho các dự án của ngành điện đang bị chậm tiến độ, thay thế các nguồn điện truyền thống, chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngành điện trong đầu tư phát triển nguồn điện từ nhiên liệu sạch, góp phần giảm tác động đến môi trường, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, vận tải, dịch vụ liên quan… Công suất của dự án dự kiến 4.500MW.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định Thái Bình có điều kiện rất thuận lợi để đầu tư dự án Trung tâm Điện - Khí LNG bởi hiện tại  Khu kinh tế Thái Bình đang được đầu tư xây dựng, tỉnh có Trung tâm điện lực với hạ tầng truyền tải điện, có mỏ khí với hạ tầng truyền tải khí. Nếu dự án được đầu tư và đi vào vận hành sẽ cung cấp nguồn năng lượng cho các dự án đầu tư khác, thúc đẩy thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình nói riêng, vào tỉnh nói chung, đóng góp nguồn ngân sách lớn cho tỉnh. Dự báo trong những năm tới, lượng điện của quốc gia, của Thái Bình thiếu hụt nghiêm trọng nên đề xuất của nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện khí trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đề xuất với Chính phủ bổ sung dự án Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia như đề xuất của nhà tài trợ quy hoạch cũng là nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành. 

Để thực hiện chủ trương này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị nhà đầu tư, đơn vị tư vấn cùng với việc quy hoạch dự án nhà máy điện khí thì quy hoạch xây dựng tổng kho trung tâm phân phối khí đặt ngoài biển cách bờ 12-15km. Khi đầu tư xây dựng nhà máy phải sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất nhập khẩu từ nhóm những nước G8. Về hình thức đầu tư nghiên cứu 2 hình thức là BOO hoặc BOT. Khi đầu tư dự án, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành phải mở doanh nghiệp dự án tại Thái Bình và nộp ngân sách tại địa phương. Đồng chí đề nghị đơn vị tư vấn và nhà đầu tư cùng với việc hoàn thiện thủ tục đề xuất bổ sung dự án Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thì tiến hành xây dựng đề xuất dự án để báo cáo Chính phủ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan rà soát, bổ sung quy hoạch này vào quy hoạch Khu Kinh tế, điều chỉnh quy hoạch khác liên quan tại khu vực đầu tư dự án cho phù hợp. Chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với nhà đầu tư, đơn vị tư vấn thực hiện các thủ tục tiếp theo với tinh thần hoàn thành sớm nhất để trình Chính phủ, làm căn cứ triển khai thực hiện dự án.

Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận một số nội dung về công tác cán bộ.

Nguyễn Hình