Thứ 7, 23/11/2024, 06:21[GMT+7]

Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa

Thứ 3, 17/07/2012 | 10:38:46
2,013 lượt xem
Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào là một trong những địa phương đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian tới, ngành LĐTB&XH tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cấp, các ngành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Lễ đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại đài liệt sĩ Thành phố. Ảnh: Thành Tâm

Cách đây 65 năm, ngày 27/7/1947, tại một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Ban tổ chức, trong thư Người căn dặn: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Từ đó ngày 27-7 trở thành “Ngày Thương binh toàn quốc” và năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi thư động viên. Tháng 7 năm 1955, Ban bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 223, lấy ngày 27/7 hàng năm, chính thức trở thành “Ngày thương binh, liệt sĩ” của cả nước. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta có những hành động thiết thực, tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người và gia đình có công với cách mạng.

Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào là một trong những địa phương đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, chúng ta đã tiễn đưa hơn 40 vạn lượt người con yêu quý tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và Campuchia giải phóng dân tộc. Đóng góp trên 100 triệu ngày công phục vụ kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc; trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường.

Kết thúc cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại, Thái Bình vinh dự có 96 tập thể, 78 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, trên 2.200 bà mẹ được phong tặng vinh dự Nhà nước: “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, 23 vạn người được thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến. Toàn tỉnh có 51.144 liệt sĩ, gần 32.500 thương, bệnh binh các loại; gần 3 vạn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ nhiễm chất độc da cam, 6.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

Toàn tỉnh có 89 nghĩa trang liệt sĩ, với gần 14.000 mộ liệt sĩ, 104 nhà bia, đài tưởng niệm. Tại các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Điện Biên, Thái Bình có 273 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và trong chiến dịch 65 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm”, góp phần làm lên chiến thắng chấn động địa cầu; 56 liệt sĩ chống Mỹ và 2 liệt sĩ bảo vệ Tổ quốc. Tại Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 và nhiều nghĩa trang khác ở các tỉnh phía Nam, đang có hàng chục nghìn liệt sĩ quê Thái Bình, yên nghỉ trong tình thương của đồng bào, đồng chí cả nước.

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh. Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chỉ thị về giải quyết các vấn đề sau chiến tranh. Các chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, chế độ đãi ngộ người có công với cách mạng, được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình triển khai thực hiện theo đúng đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”. Đi đôi với thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng khác, Thái Bình còn thực hiện các giải pháp phù hợp với điều kiện và khả năng của nền kinh tế địa phương.

Các phong trào chăm sóc, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm chu đáo như: phong trào đỡ đầu con liệt sĩ của Hội Phụ nữ, phong trào “Tình thương, trách nhiệm” của ngành Giáo dục... Đã có hàng nghìn cháu được học nghề miễn phí và bố trí việc làm ổn định. Phong trào “tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa và làm nhà tình nghĩa” cho các gia đình chính sách được phát động từ năm 1992, đây cũng là một trong những phong trào được phát động sớm ở Thái Bình.

Chỉ tính trong 3 năm đầu (1992 - 1995) đã có 5.307 sổ tiết kiệm tình nghĩa được trao cho thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Trên 8.000 ngôi nhà của gia đình chính sách được tu sửa, trên 1.000 ngôi nhà xây mới, trị giá hàng chục tỷ đồng được tặng cho gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh. Phong trào “Tổ thương binh tình nghĩa” được nhân lên từ xã Thụy Sơn (Thái Thụy) nhanh chóng trở thành phong trào thắm đượm nghĩa tình trong anh em thương, bệnh binh, được nhân dân đồng tình ủng hộ và các cấp chính quyền, các ngành quan tâm tạo điều kiện, trở thành mô hình tốt của cả nước. Chỉ trong ba năm (1992-1995) toàn tỉnh có trên 100 tổ thương binh tình nghĩa, với 2.800 tổ viên, hoạt động hết sức có hiệu quả cả về lợi ích kinh tế và bảo đảm cuộc sống tổ viên; làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, làm ngời sáng thêm truyền thống: “Thương binh tàn nhưng không phế” như lúc sinh thời Bác Hồ từng căn dặn.

Từ năm 1995 đến nay, thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nghị định của Chính phủ... công tác thương binh, liệt sĩ  và người có công với cách mạng của tỉnh ta có bước phát triển mới, đạt nhiều thành tựu mới. Các chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng đã được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, tận tay, trân trọng. Qua 12 đợt phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã có 2.201 bà mẹ liệt sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý này. Các bà mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời.

Đêm thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Bình (Vũ Thư).

Ảnh: Thành Tâm

Các trường hợp người có công với cách mạng hoặc tham gia kháng chiến trước đây chưa được xác nhận có công với cách mạng, đã được quan tâm giải quyết về cơ bản. Đến nay, đã xác nhận gần 1.500 liệt sĩ, 5.250 thương binh, 5.898 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 106 người hoạt động tiền khởi nghĩa. Những người có công với cách mạng từ trần trước ngày 1-1-1995 thì thân nhân được giải quyết chế độ trợ cấp một lần. Đến nay, thân nhân của 55.057 người đã được nhận chế độ trợ cấp, 19.570 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ được hưởng chế độ. 12.082 người được hưởng trợ cấp theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 8-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ. 9.299 người là thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 104/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm có trên 2.500 trường hợp được an dưỡng, điều dưỡng tập trung và 93 người ở hai đơn vị điều dưỡng và điều trị. Trong điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp, được sự quan tâm của Trung ương, sự đóng góp của cán bộ và nhân dân tỉnh nhà, chúng ta đã cố gắng để các gia đình chính sách, người có công được ở trong những căn nhà đàng hoàng, kiên cố. Từ năm 1992 đến 2011, toàn tỉnh đã xây mới, tu sửa và nâng cấp 12.927 căn nhà cho người và gia đình có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 72 tỷ đồng.

Công tác quy tập mộ liệt sĩ, đón hài cốt liệt sĩ ở tỉnh ngoài về địa phương qua 14 đợt, tỉnh đã đón 114 liệt sỹ về an nghỉ tại quê nhà; tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ và xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ được thực hiện có kết quả tốt. Hầu hết các mộ liệt sĩ được xây bằng nguyên vật liệu bền đẹp. Cùng với chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và kết quả từ phong trào ủng hộ của nhân dân đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giúp đỡ các gia đình chính sách, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đến nay, toàn tỉnh có 98,5% gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi sinh sống; nhiều gia đình có mức sống khá, đời sống các gia đình chính sách ổn định và từng bước được cải thiện. Nhiều thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đã vượt khó vươn lên trở thành những điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian tới, ngành LĐTB&XH tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cấp, các ngành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Chú trọng những hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ để các gia đình thương, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng phát triển kinh tế, cải thiện nhà ở... nhằm nâng cao hơn nữa mức sống cả về vật chất và tinh thần. Quan tâm đầu tư tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ trở thành công trình lịch sử, văn hóa phù hợp với định hướng của Bộ LĐTB&XH và điều kiện thực tế tỉnh nhà, đáp ứng nguyện vọng của các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và nhu cầu của toàn thể nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012) cho phép tôi được bảy tỏ tình cảm và lòng biết ơn trân trọng nhất đến anh, chị em thương, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với nước... đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc và ngày nay đang gương mẫu đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu.

Xin trân trọng cảm ơn các bộ, ngành ở Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và  Xã hội đã thường xuyên quan tâm đến công tác giải quyết chính sách và hỗ trợ kinh phí để Thái Bình thực hiện tốt chế độ chính sách cho các đối tượng. Xin trân trọng cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; cấp ủy, chính quyền các địa phương, đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ để ngành Lao động - Thương binh và Xã hội làm tròn trọng trách của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên suốt chặng đường 65 năm đã qua. Xin được bày tỏ lòng biết ơn đến các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp, các tập thế, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; những người con của Thái Bình đang sinh sống công tác ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã luôn đồng hành, chung tay để công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng có cuộc sống ổn định và từng bước được cải thiện, bảo đảm cho việc thực hiện các chế độ chính sách được thuận lợi, chu đáo./.

Nguyễn Văn Điều

(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thuơng binh & Xã hội)

 

  • Từ khóa