Thứ 3, 05/11/2024, 00:58[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Thứ 3, 26/05/2020 | 15:22:00
3,741 lượt xem
Sáng ngày 26/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiến hành thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tại phiên họp.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 12 nội dung tại 14 điều, khoản của Luật Tổ chức Quốc hội, tập trung vào các nội dung sau: (1) tiêu chuẩn một quốc tịch đối với ĐBQH; (2) tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH; (3) việc quyết định số lượng và phê chuẩn ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; (4) công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách; (5) việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; (6) việc tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách; (7) không quy định hình thức văn bản kết luận của UBTVQH trong Luật; (8) đổi tên 02 Ủy ban của Quốc hội; (9) không quy định số lượng cấp phó cụ thể tại Hội đồng và từng Ủy ban; (10) giữ chức danh Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như Luật hiện hành nhưng mở rộng cơ cấu Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban bao gồm cả Ủy viên Chuyên trách; (11) bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; (12) làm rõ hơn trách nhiệm của thành viên Hội đồng, thành viên Ủy ban trong việc tham dự phiên họp toàn thể của Hội đồng, Ủy ban.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trong đó nhiều nội dung nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu như về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do ngân sách trung ương bảo đảm, trong phân bổ lưu ý đến yếu tố đặc thù của từng Đoàn; hợp nhất hai văn phòng là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau như về Đoàn đại biểu Quốc hội, vị trí các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội,…

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Về áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan; về chính sách về đầu tư kinh doanh; về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ; về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư; về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án;...

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)