Thông cáo báo chí số 07, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và tiến hành thảo luận về dự thảo Luật này.
Tại phiên thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu ý kiến và 03 đại biểu phát biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với những nội dung sau: Quy định tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; việc đổi tên 02 Ủy ban của Quốc hội; về trách nhiệm của thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong việc tham dự phiên họp toàn thể…
Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung như: Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật; về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội; về địa vị pháp lý, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội trong hệ thống chính trị ở địa phương; về bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội; về cơ cấu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội...
Sau phiên thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, tập trung vào một số nội dung sau:
- Về phạm vi điều chỉnh, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật: Việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, của Trung ương, kế hoạch 07 của Bộ Chính trị và cũng đặt trong tổng thể đổi mới đồng bộ tổ chức bộ máy các cơ quan Trung ương của Bộ Chính trị. Đối với những vấn đề khác, còn có vướng mắc trong thực tế, khi nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của đại biểu Quốc hội mới sửa đổi. Ngoài ra, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành mới thực hiện được 4 năm và đang phát huy hiệu quả tích cực trên cả ba chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 55 luật; tính cả 10 luật thông qua tại kỳ họp này nâng tổng số 65 luật. Đây là thành tích rất lớn, hoạt động của Quốc hội cũng luôn thu hút sự quan tâm và chú ý rất lớn của cử tri và Nhân dân, được Nhân dân đánh giá cao. Điều đó cho thấy các nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội đang đi vào cuộc sống.
- Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội: Qua thảo luận cho thấy, đa số đại biểu đồng tình với những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình liên quan tới nội dung này. Cụ thể như: i) Liên quan đến tiêu chuẩn một quốc tịch của đại biểu, đa số ý kiến đại biểu phát biểu đều đồng tình vấn đề này, nhưng cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm chỗ "chỉ một quốc tịch".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để đảm bảo sự thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thống nhất quy định; ii) về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội đã nhận được sự thống nhất của tất cả các đại biểu phát biểu. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể tỷ lệ đại biểu là chuyên gia ứng cử tham gia Quốc hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề thuộc phạm vi của Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội chứ không quy định cụ thể trong Luật; iii) đối với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: ngoài những tiêu chuẩn chung thì đại biểu Quốc hội chuyên trách còn phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn đối với từng chức danh và các chức danh này được quy định rất cụ thể trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản dưới luật khác và áp dụng đối với từng chức danh, do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề này trong các văn bản có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ chính sách, tiền lương, chế độ bảo đảm đối với đại biểu, vấn đề thi đua, khen thưởng, kỷ luật…
- Về Đoàn đại biểu Quốc hội: Đoàn đại biểu Quốc hội là một chế định rất đặc thù của Quốc hội Việt Nam và cũng đã song hành cùng với Quốc hội Việt Nam kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Quốc hội lần đầu tiên năm 1960. Qua mỗi lần sửa đổi thì địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội cũng ngày càng được hoàn thiện. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành thì Đoàn đại biểu Quốc hội có chức năng, nhiệm vụ, có trụ sở, có bộ máy giúp việc và được đảm bảo kinh phí để hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn mà luật giao. Những quy định này đang tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Có thể thấy, những vướng mắc, bất cập hiện nay chủ yếu liên quan đến cách thức tổ chức công việc của Đoàn và việc thực hiện công tác quản lý cán bộ, giải quyết chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn. Dự thảo Luật đã có những sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý cho việc hướng dẫn, giải quyết những bất cập này và trong thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục có những quy định cụ thể liên quan đến hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm giải quyết một số vướng mắc như các đại biểu Quốc hội nêu.
- Về kinh phí: Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với việc dự thảo Luật đã điều chỉnh theo hướng ngân sách Trung ương sẽ đảm bảo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Có ý kiến đề nghị lưu ý khi phân bổ thì có tính đến tính đặc thù của từng địa phương.
- Về bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội: nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị hợp nhất, thống nhất với kết quả tổng kết của Chính phủ là hợp nhất hai Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, giữ nguyên Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đây cũng là vấn đề Chính phủ đã tổng kết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến địa phương thực hiện thí điểm với ý kiến thảo luận của đại biểu, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, còn trong Luật Tổ chức Quốc hội sẽ chỉ quy định khái quát. Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo của Đoàn đại biểu Quốc hội đối với cơ quan tham mưu giúp việc, đồng thời đảm bảo hiệu quả hoạt động đối với bộ phận chuyên trách giúp việc trực tiếp cho Đoàn đại biểu Quốc hội.
- Về vấn đề chuyển các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội: Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành việc cần phải chuyên môn hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng tham mưu phục vụ của các cơ quan này, tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau do chưa có sự đồng thuận và thống nhất về việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình tổ chức cụ thể của từng cơ quan. Trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội, mặc dù các cơ quan đã rất cố gắng nghiên cứu, đề xuất các phương án về chuyển các Ban thành các cơ quan thuộc Quốc hội như ý kiến của đại biểu, nhưng những hạn chế, vướng mắc mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét năm 2014 khi ban hành Luật Tổ chức Quốc hội vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. Bên cạnh đó, việc xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các Ban cũng cần đặt trong bối cảnh tình hình mới và phải được xem xét trong tổng thể chung của hệ thống chính trị. Những nội dung này đã được báo cáo rất cụ thể trong Báo cáo giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, tại kỳ họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi các quy định liên quan đến các cơ quan này. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục rà soát chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của các cơ quan để đảm bảo giải quyết một cách thỏa đáng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đây là một dự án luật quan trọng, được cử tri và các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Quốc hội dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9, nhưng do còn có nhiều ý kiến chưa được phát biểu, và cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng cần làm rõ thêm. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội bố trí thêm thời gian trong Chương trình kỳ họp này để đại biểu Quốc hội phát biểu đầy đủ, rõ hơn về các nội dung của dự án luật này.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp trực tuyến tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu và 04 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến thống nhất với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tập trung cho ý kiến về một số nội dung như: về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; về áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan; chính sách về đầu tư kinh doanh; về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (trong đó có việc cấm hay không hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ; việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh); về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; về hình thức và đối tượng và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; về hình thức hỗ trợ đầu tư; về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; những vấn đề liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh; về điều khoản chuyển tiếp…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, tại phiên thảo luận các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về một số nội dung của dự án Luật. Cụ thể:
- Về vấn đề áp dụng Luật và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; về tính cụ thể, tính khả thi của dự án Luật; về phạm vi điều chỉnh của Luật, về các khái niệm.
- Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh: đa số ý kiến thống nhất vẫn giữ các Phụ lục 1, 2, 3 quy định tại dự thảo Luật. Khi cần thiết Chính phủ có thể trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định thay đổi. Về vấn đề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do vẫn còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống điện tử.
- Về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện: có ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát và đề xuất thêm một số lĩnh vực đầu tư cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
- Ngoài ra, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; về lựa chọn nhà đầu tư; về dự án đầu tư liên quan đến an ninh, quốc phòng; về xử lý tranh chấp; về dừng và chấm dứt các dự án đầu tư; về chuyển nhượng dự án đầu tư; về năng lực của các nhà đầu tư, nhất là về năng lực tài chính; về thẩm quyền quyết định các dự án đầu tư; về các điều khoản chuyển tiếp, cũng như là kỹ thuật văn bản...
Các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội để xem xét, thông qua.
Thứ Tư, ngày 27/5/2020, Quốc hội họp trực tuyến tại Nhà Quốc hội để xem xét về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp này sẽ được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp. |
Theo: baotintuc.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh