Thứ 3, 26/11/2024, 12:51[GMT+7]

Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước

Thứ 2, 15/06/2020 | 14:51:38
2,250 lượt xem
Ngày 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận về vấn đề giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng kỹ năng nghề và giáo dục nghề nghiệp là vấn đề toàn cầu, không đơn thuần là giáo dục đào tạo để trang bị kiến thức kỹ năng tay nghề cho người lao động mà đằng sau đó chính là vấn đề kinh tế, vấn đề năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, lao động Việt Nam chỉ vàng về số lượng mà chưa vàng về chất lượng. Thiếu hụt kỹ năng lao động, chưa linh hoạt về chuyên môn, đa phần phải qua đào tạo lại đang là rào cản lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài và phục hồi kinh tế trong nước.

Muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, nước ta buộc phải tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt,  là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia và hội nhập toàn cầu thắng lợi. Ngay từ bây giờ, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường gắn kết 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp. Khi nhà doanh nghiệp và nhà trường có cùng mục tiêu, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường là tất yếu. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực và luôn song hành cùng nhà trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, để làm sao trong tương lai, nhà doanh nghiệp phải là người đầu tư chính đồng thời dự báo, xác định nhu cầu của mình một cách rõ ràng, cùng tham gia thiết kế chương trình đào tạo, có như vậy nhà trường sẽ chủ động trong công tác tuyển sinh, đổi mới chương trình đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam... Thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, bảo đảm đồng bộ với các loại thị trường khác trong nền kinh tế thị trường. Đây là nền tảng, điều kiện cốt lõi đảm bảo cho người lao động có việc làm bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó tăng cường định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, nội dung hướng nghiệp phải đưa ngay vào chương trình giáo dục phổ thông, đẩy mạnh phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học theo chương trình 9+.

Đại biểu rất tin tưởng Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc tế trong tình hình mới với các chính sách và giải pháp đồng bộ, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc thì hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong nước và quốc tế, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội đạt mục tiêu Chính phủ đề ra.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)