Thứ 3, 05/11/2024, 05:32[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Thứ 5, 18/06/2020 | 16:00:00
2,591 lượt xem
Sáng ngày 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền tranh luận tại phiên họp.

Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm hành chính trong tình hình mới; đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình lần này được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng…

Tham gia tranh luận về quy định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng, đại biểu Bùi Văn Xuyền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thể hiện quan điểm không đồng tình với quy định này. Đại biểu nêu quy định tại Luật Phòng, chống ma túy vẫn giữ nguyên quy định là “đưa trẻ em nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, nhưng cơ sở cai nghiện bắt buộc ở đây lại có một khu đặc biệt cho trẻ em chứ không phải là cơ sở cai nghiện bắt buộc chung với cơ sở cai nghiện bắt buộc của người trên 18 tuổi như là hình thức xử lý vi phạm hành chính. Quan điểm nhất quán trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là không xử lý hành chính đối với trẻ em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy và kể cả là nghiện ma túy. Quy định của Luật Phòng, chống ma túy có một điểm giáp ranh là cùng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng mà đây là một khu dành riêng cho trẻ em. Đại biểu cũng đồng tình giữ quy định này nhưng lại chuyển sang thủ tục tố tụng tư pháp, bởi vì đấy không phải là xử lý vi phạm hành chính cho nên chỉ là những biện pháp hành chính, nên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định như bình thường, vẫn đúng hoàn toàn về mặt bản chất. Nếu chuyển sang Tòa án làm theo thủ tục tư pháp thì lại là xử lý hành chính.

Trước đó, đầu giờ buổi sáng, các vị đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; biểu quyết thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường về 3 nội dung: Biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)