Thứ 3, 26/11/2024, 03:37[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 3, 03/11/2020 | 16:39:56
5,163 lượt xem
Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội dành 03 ngày thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận...

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu tại phiên thảo luận ngày 3/11.

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận ngày 3/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng đã có rất nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong nhiệm kỳ qua, nổi bật đó là:

Một là, Công cuộc phòng chống tham nhũng đã ghi dấu ấn đột phá trong nhiệm kỳ, góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh trong sạch, nhân văn, công bằng với chi phí thấp cho doanh nghiệp và củng cố niềm tin của người dân vào quyết tâm đổi mới hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước;

Hai là, Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ cải cách thể chế. Chính phủ đã phát động thành công 3 đợt sóng cải cách thủ tục hành chính quan trọng trong nhiệm kỳ này, cụ thể là: Năm 2016, đợt sóng đầu tiên xoá bỏ hàng ngàn giấy phép con trong thông tư của các bộ ngành; năm 2018, đợt sóng thứ hai cắt giảm và đơn giản hoá 50 - 60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; năm 2020, khởi động đợt sóng thứ ba tiếp tục cắt giảm đơn giản hoá 20% các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh.

Ba là, Bộ máy Nhà nước tiếp tục được kiện toàn, hành trình xây dựng Chính phủ điện tử được tăng tốc

Bốn là, Thực hiện thành công 2 cuộc hội nhập đỉnh cao: CPTPP và EVFTA để mở rộng không gian thị trường và thúc đẩy cải cách thể chế theo những chuẩn mực quốc tế cao nhất

Năm là, Trong đại dịch Covid, một năng lực cạnh tranh cốt lõi của hệ thống kinh tế - xã hội Việt Nam lại một lần nữa toả sáng: Đó là sự cố kết, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, khả năng chống chịu, kiên cường của người dân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Và Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình đa dạng hóa và chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại biểu nhấn mạnh 5 điểm sáng nói trên như 5 cánh sao của ngôi sao kinh tế Việt Nam đang tỏa sáng trên bầu trời của nền kinh tế thế giới đang có nhiều mây đen bao phủ.

Về định hướng phát triển cho giai đoạn 2021 - 2025, đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất, nhưng đại biểu cũng cho rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ trong chỉ đạo điều hành ưu tiên mục tiêu ổn định, coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, cho mọi khát vọng bay lên.

Để thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao trong khi vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, đại biểu đề xuất giải pháp là tiếp tục cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Đề nghị phải thực hiện cho được trong nhiệm kỳ này mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3 đến 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN; Chương trình rà soát, loại bỏ các quy định chồng chéo bất cập trong hệ thống pháp luật về kinh doanh cần được triển khai khẩn trương, quyết liệt. Đề nghị Chính phủ và các địa phương có chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, quyết đạt mục tiêu có được 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025. Bên cạnh đó cần có khung pháp lý và chính sách thúc đẩy minh bạch hóa và nâng cấp 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể - nơi sinh kế của hàng chục triệu lao động. Để phát triển khu vực tư nhân và huy động được mọi nguồn lực trong dân vào đầu tư phát triển, đề nghị đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công và các công trình công ích, triển khai thực hiện thật tốt các dự án đối tác công tư.

Cuối cùng, để đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới nước ta phải nhận diện thật rõ bản chất của làn sóng đầu tư này là làn sóng dịch chuyển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Luật về công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy ngành công nghiệp quan trọng này phát triển và vươn dần lên các phân khúc cao hơn.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)