Thứ 3, 30/04/2024, 22:13[GMT+7]

Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự thảo luật

Thứ 4, 24/10/2012 | 14:14:11
872 lượt xem
Ngày 23-10, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII vào ngày làm việc thứ hai.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Tăng cường hiệu quả giám sát của QH và Hội đồng Nhân dân

Buổi sáng, tại hội trường, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng Nhân dân (HÐND) bầu hoặc phê chuẩn và nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết nói trên. Tờ trình nêu rõ, lấy phiếu tín nhiệm được hiểu là việc làm định kỳ hằng năm, nhằm đánh giá sự tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HÐND bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc thực hiện công tác cán bộ; còn bỏ phiếu tín nhiệm là việc đại biểu Quốc hội, HÐND thể hiện thái độ tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do mình bầu ra hoặc phê chuẩn trong những trường hợp do luật quy định (hình thức này gần với bỏ phiếu bất tín nhiệm ở một số quốc gia khác).

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HÐND bầu hoặc phê chuẩn nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm để Quốc hội, HÐND thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân thay mặt nhân dân giám sát người giữ các chức vụ do Quốc hội, HÐND bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; qua đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người này trước Quốc hội, HÐND cũng như trước cử tri cả nước và từng địa phương.

Ba vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư do Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày đề cập chín vấn đề, gồm: Các hành vi bị nghiêm cấm; thời gian đào tạo nghề luật sư; điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư; tập sự hành nghề luật sư; đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư; thu hồi và cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư; quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa; hình thức tổ chức, hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư và điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, của luật sư nước ngoài. Trong đó đã nêu rõ các loại ý kiến còn khác nhau và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH về từng vấn đề cụ thể nêu trên.

Tuy nhiên, qua thảo luận, các đại biểu QH cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH và cũng đã đề cập cả chín vấn đề nêu trong báo cáo, nhưng nổi lên ba vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Thứ nhất là về các hành vi bị nghiêm cấm (Ðiều 9). Ðiểm đ và điểm k, khoản 1 Ðiều này quy định: Cấm luật sư "nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác...", một số ý kiến của các đại biểu (Huỳnh Nghĩa - Ðà Nẵng, Nguyễn Thái Hòa - Phú Yên,...) cho rằng, quy định này là không hợp lý, vì khi đạt kết quả tốt, khách hàng tự nguyện tặng luật sư một khoản tiền hoặc lợi ích là không trái pháp luật về dân sự và đạo đức xã hội. Một số ý kiến khác lại tán thành như dự thảo (Trần Thị Hoa Sinh - Lạng Sơn và một số đại biểu khác...). Vấn đề thứ hai là thời gian đào tạo nghề luật sư (Ðiều 12). Dự thảo quy định thời gian đào tạo nghề luật sư là 12 tháng. Một số ý kiến đề nghị cho giữ quy định như hiện hành là 6 tháng (Siu Hương - Gia Lai). Có ý kiến đề nghị phân loại đối tượng để quy định thời gian đào tạo. Theo đó, người công tác trong lĩnh vực pháp luật thì thời gian đào tạo là 6 tháng, còn đối tượng khác là 12 tháng. Có ý kiến đề nghị giao cho Bộ trưởng Tư pháp căn cứ sự thay đổi của tình hình thực tiễn để quy định thời gian đào tạo nghề luật sư, tránh phải sửa đổi luật nhiều lần về vấn đề này (Nguyễn Thái Học - Phú Yên). Vấn đề thứ ba là đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư (Ðiều 17). Dự thảo luật quy định: viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, nhưng một số ý kiến lại đề nghị quy định đối tượng này được hành nghề luật sư, vì họ là những người có trình độ cao, nhằm bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho đội ngũ luật sư, chí ít thì cũng được hành nghề trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, nhằm tận dụng và phát huy chuyên môn của họ (Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước, Ðinh Xuân Thảo - Hà Nội).

Bảo đảm điện phục vụ nhân dân vùng khó khăn, biên giới, hải đảo

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực. Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực, phần lớn các đại biểu phát biểu ý kiến đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo đối với dự án luật này, đồng thời nhất trí với những giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm phát biểu ý kiến đóng góp là những điều luật liên quan xây dựng công trình, giá bán điện ở khu vực nông thôn, miền núi. Theo đó, các đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), Ðoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Công Bình (Yên Bái) và một số đại biểu khác cho rằng: Việc đầu tư, xây dựng các công trình điện ở vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn bị chậm và gặp nhiều khó khăn, cho nên ảnh hưởng đến đời sống của người dân nghèo và các hoạt động phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh - quốc phòng. Vì vậy, các dự án, công trình điện tại khu vực này cần được bảo đảm thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Cần nghiên cứu thành lập Quỹ công ích để có điều kiện, nguồn lực đầu tư, phát triển các công trình điện cho khu vực này. Ngoài ra, bên cạnh những đối tượng được ưu tiên về giá điện đã được dự thảo luật quy định, Ban soạn thảo cần bổ sung những khu di dân tái định cư do Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình thủy điện vào diện ưu tiên, qua đó góp phần giúp người dân yên tâm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Ðại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) bày tỏ lo lắng của bản thân và đông đảo cử tri về hiện tượng liên tục xảy ra dư chấn, động đất ở khu vực đập Thủy điện Sông Tranh 2 trong thời gian gần đây và nêu rõ, việc xây dựng thủy điện là quan trọng, nhưng cần phải quan tâm đời sống, sinh mạng, tài sản của nhân dân. Vì vậy, dự thảo luật cần bổ sung vấn đề an toàn của các đập trong việc xây dựng các công trình thủy điện, từ đó nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong vấn đề này.

Về ngừng giảm cung cấp điện, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng, giảm cung cấp điện đối với các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh sản xuất gây ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự về xây dựng. Ðối với hình thức thanh toán tiền điện, có đại biểu cho rằng, nên khuyến khích việc thanh toán thông qua các hình thức dịch vụ, ngân hàng và người dân có thể trả tiền điện vào nhiều thời điểm khác nhau, qua đó tạo thuận lợi hơn cho người dân, đồng thời tiết kiệm chi phí cho ngành điện trong việc sử dụng nhân công đi thu tiền. Nhiều đại biểu nhất trí không đưa nội dung phí điều tiết điện lực vào Luật vì điều tiết điện lực là hoạt động quản lý nhà nước do đó ngân sách nhà nước bảo đảm mà không phải thu từ tổ chức, cá nhân.

Theo nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày