Thứ 2, 06/05/2024, 18:32[GMT+7]

Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Tập trung khắc phục những hạn chế trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 5, 25/10/2012 | 07:35:19
865 lượt xem
Ngày 24-10, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ ba. Buổi sáng, QH thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013. Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dự trữ quốc gia.

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh thảo luận tại hội trường.

Tạo đà phát triển ngay từ những tháng cuối năm 2012

Thảo luận tại các tổ, phần lớn ý kiến phát biểu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã nhận định đúng tình hình hiện nay, chỉ ra những thách thức, khó khăn và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần phân tích sâu sắc, toàn diện hơn nữa về những vấn đề nổi lên của nền kinh tế, từ đó có giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, các đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), Bùi Thị An (Hà Nội) đều cho rằng, Chính phủ ước tính GDP đạt 5,2% trong năm 2012 nhưng để đạt được điều này là rất khó. Bởi vì, trong quý IV năm 2012, GDP phải đạt từ 5,6 đến 5,7% trở lên, thì GDP cả năm mới đạt 5,2%. Trong khi đó, kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng suy thoái kép và tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta. Cùng với đó, kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi nhưng quá chậm.

Ðề cập vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng, trong năm chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không hoàn thành của năm 2012, có một chỉ tiêu khá quan trọng là đầu tư toàn xã hội. Ðiều này cần tập trung phân tích nguyên nhân cụ thể để đưa ra giải pháp hữu hiệu. Thực tế, thời gian qua, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về tài chính, cải cách thủ tục hành chính... nhằm thu hút đầu tư, nhưng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội lại giảm. Ðại biểu này đặt câu hỏi, có phải do điều hành của Chính phủ chưa phù hợp, ảnh hưởng lòng tin đối với nhà đầu tư?

Ðại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến đầu tư toàn xã hội giảm, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội một phần do các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay, dẫn đến đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đời sống người lao động do thiếu việc làm. Các đại biểu này đề nghị, Chính phủ cần sớm có giải pháp giải quyết nợ xấu và giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, nhiều đại biểu cho rằng, năm 2013 nền kinh tế thế giới vẫn còn trì trệ và sẽ tác động đến kinh tế trong nước. Tuy nhiên, theo dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong nước sẽ có bước phát triển tốt hơn so với năm 2012. Nhiều đại biểu đồng tình, đánh giá cao các biện pháp Chính phủ đưa ra trong năm 2013, như: gắn tăng trưởng với tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện ba điểm đột phá về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng; gắn giải pháp tình thế với kế hoạch phát triển dài hạn.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, muốn thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, phù hợp tình hình thực tế ngay từ những tháng cuối năm 2012. Nếu không giải quyết cơ bản những khó khăn và tạo đà trong những tháng cuối năm 2012, thì sang năm 2013 khó có bước đột phá trong phát triển. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, bên cạnh những biện pháp kiểm soát lạm phát, Chính phủ cần có chính sách kích cầu phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Liên quan đến lộ trình tăng lương trong năm 2013, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có giải pháp cân đối các nguồn lực để bảo đảm việc tăng lương theo đúng lộ trình. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện tăng lương đối với tất cả các đối tượng hưởng lương, thì ưu tiên tăng cho người về hưu, đối tượng chính sách.

Cân nhắc đưa nhiệm vụ bình ổn thị trường vào mục tiêu dự trữ quốc gia

Buổi chiều, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dự trữ quốc gia (DTQG).

Thảo luận tại hội trường, phần lớn ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật DTQG. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ một số nội dung trong dự thảo luật. Về tên gọi của luật, phần lớn ý kiến tán thành với tên gọi là Luật DTQG. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị lấy tên luật là "Luật Dự trữ nhà nước" thay cho "Luật DTQG", vì nội hàm của "nhà nước" và "quốc gia" là khác nhau. Ðại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Ðồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, dự trữ quốc gia bao gồm cả Nhà nước và người dân, nhưng trong luật không quy định việc dự trữ của người dân và các tổ chức khác phục vụ nhiệm vụ dự trữ quốc gia.

Về mục tiêu của DTQG quy định trong dự thảo luật, các ý kiến tán thành  quy định: Nhà nước hình thành, sử dụng DTQG nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ bình ổn thị trường trong mục tiêu của DTQG và đưa nhiệm vụ đột xuất, cấp bách ra khỏi mục tiêu DTQG. Các đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc bình ổn thị trường hết sức quan trọng, góp phần ổn định nền kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống người dân. Do vậy, việc bổ sung nhiệm vụ bình ổn thị trường là điều cần thiết. Về nguồn hình thành DTQG, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nguồn hình thành DTQG phải bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hiện nay chưa có cơ chế nào để huy động nguồn ngân sách ngoài nhà nước phục vụ công tác DTQG.

Cùng với những nội dung trên, các đại biểu còn thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến phương thức DTQG, danh mục hàng DTQG, nguyên tắc quản lý, sử dụng DTQG, chính sách của Nhà nước về DTQG

Theo nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày