Thứ 3, 26/11/2024, 00:27[GMT+7]

Triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Thứ 2, 28/12/2020 | 16:04:57
7,093 lượt xem
Ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 29122020_Tin_Hoi_nghi_truc_tuyen_mixdown.mp3

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước dự hội nghị. 

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố.

Trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; kinh tế - xã hội của đất nước đã đạt được thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 bình quân đạt 6,8%/năm, tốc độ tăng trưởng năm 2020 đạt 2,91% - là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới; quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, đã hình thành hệ thống pháp luật khá đầy đủ và toàn diện; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả tích cực; phát triển văn hóa - xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu có những chuyển biến rõ nét; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện, phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm  2016 - 2020; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giới thiệu dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giới thiệu dự thảo nghị quyết của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tóm tắt kết quả cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của tổ công tác năm 2020, 5 năm 2016 - 2020 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đại biểu một số bộ, ngành, địa phương phát biểu về những kết quả đạt được năm 2020, những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cả nước, bởi năm 2020 Việt Nam tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng đã trở thành tấm gương, thể hiện trách nhiệm, uy tín cao trên trường quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19; từ đó tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được đánh giá là 1 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt nhằm duy trì ở mức cao các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và duy trì thu nhập cho người lao động, hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh đối ngoại, thông tin truyền thông đạt nhiều kết quả ấn tượng. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng những kết quả, thành tích đó đã góp phần tạo niềm tin và động lực mới để vững bước tiến tới Đại hội XIII của Đảng và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội sẽ đề ra; đồng thời nhấn mạnh: Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. Chính vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương cần chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo hơn trong việc quán triệt tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm nhằm đạt được kết quả cao hơn năm trước trong mọi lĩnh vực, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm và giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, cơ cấu lại nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, quan tâm đến công tác tôn giáo, dân tộc; đẩy mạnh, đổi mới sáng tạo, sử dụng hợp lý, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương pháp luật; tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh toàn diện, củng cố lòng tin và sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến về chất trong việc tổ chức thực hiện ba đột phá chiến lược, bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nền kinh tế số, xã hội số…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn những chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Đây chính là sự động viên, khích lệ to lớn và là định hướng xuyên suốt trong hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp trong thời gian tới. Thủ tướng cũng cam kết Chính phủ và các thành viên của Chính phủ sẽ lĩnh hội, quán triệt và triển khai các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực và đạt được những kết quả to lớn hơn trong thời gian tới.

Theo chương trình, sáng ngày 29/12, lãnh đạo các bộ, ngành và các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tham luận về những kết quả đạt được trong năm 2020, đồng thời phát biểu làm rõ hơn về những đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu kết luận làm cơ sở để tổ chức triển khai bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Minh Hương