Thứ 2, 06/05/2024, 22:51[GMT+7]

Ngày làm việc thứ Năm, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Chính phủ trình bốn dự án Luật và báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

Chủ nhật, 28/10/2012 | 11:13:21
1,314 lượt xem
Ngày 26-10, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ năm. Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình bốn dự án Luật, gồm: Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thủ đô; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; đồng thời nghe các báo cáo thẩm tra về các dự án Luật và báo cáo nói trên.

Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ.

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Sự cần thiết ban hành bốn luật mới

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Theo đó, Luật Khoa học và Công nghệ (KH và CN) hiện hành được ban hành cách đây 12 năm. Khi đó, Việt Nam chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và chưa có hệ thống luật pháp đồng bộ về KH và CN. Luật KH và CN hiện hành đã bộc lộ một số bất cập về nội dung, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành; hiệu lực thực thi thấp. Vì vậy, Luật KH và CN cần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KH và CN; bảo đảm tính phù hợp cả về nội dung, hình thức văn bản, đáp ứng quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH và CN của QH tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật này.

Theo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ trình bày, sau ba năm thi hành Luật Thuế TNCN, bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động của nền kinh tế cho nên một số quy định trong Luật đã bộc lộ, hạn chế, không còn phù hợp thực tiễn, như: Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp; phạm vi, đối tượng tính thuế chưa bao quát hết hoặc đã lạc hậu do phát sinh những nội dung mới theo quy định của pháp luật liên quan; một số quy định về kỳ tính thuế, thủ tục kê khai, quyết toán thuế không phù hợp với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế cũng như hiện đại hóa quản lý thuế. Vì vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết để kịp thời khắc phục những bất cập của Luật Thuế TNCN hiện hành, bảo đảm đơn giản hóa chính sách, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng của Luật Thuế TNCN là điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC). Dự thảo luật quy định nâng mức GTGC cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng; đồng thời bổ sung quy định: Khi giá thị trường biến động hơn 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH điều chỉnh mức GTGC.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế TNCN là cần thiết.

Với Tờ trình dự án Luật Thủ đô do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, việc nâng Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội lên thành Luật Thủ đô là hết sức cần thiết, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Thủ đô phát triển đúng tầm vóc trong tương lai.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Ðồng thời, báo cáo thẩm tra cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp còn khác nhau: về quản lý dân cư, về việc quy định các biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; về xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành Hà Nội; việc quy định mức thu phí giao thông vận tải cao hơn trên địa bàn Thủ đô.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, việc xây dựng dự án Luật là cần thiết, nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Ðảng về phòng, chống tham nhũng và phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, vì qua sáu năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Một trong những nguyên nhân là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Theo đó, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, mô hình này là cần thiết. Hiệu quả hoạt động Thừa phát lại bước đầu cho thấy đây là hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự mà chủ trương của Ðảng, Nghị quyết của QH đã đề ra. Với những kết quả đạt được qua việc thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương, trong đó có thành phố Ðà Nẵng, tỉnh Ðồng Nai, tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề xuất và chủ động xây dựng đề án thực hiện thí điểm mô hình này tại địa phương mình.

Báo cáo thẩm tra Ủy ban Tư pháp của QH cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm. Hoạt động Thừa phát lại đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một nghề mới về cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính - tư pháp. Bước đầu hoạt động Thừa phát lại đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội như giảm tải nhân lực, thời gian và chi phí, bảo đảm các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng quá tải tại các cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thí điểm còn nhiều vấn đề cần được đánh giá, phân tích sâu sắc hơn cả về mặt khách quan và chủ quan để rút kinh nghiệm trong thời gian tới, nếu được QH cho phép tiếp tục thực hiện thí điểm.

Tập trung đấu tranh, xử lý các loại tội phạm mới xuất hiện

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Phần lớn các ý kiến đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều loại tội phạm tăng với tính chất phạm tội nghiêm trọng, nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để. Theo các đại biểu Ðào Thị Xuân Lan (Hưng Yên), Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), thời gian qua, nhiều loại tội phạm mới xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tội phạm sử dụng công nghệ cao, mua bán qua mạng điện tử In-tơ-nét, nhưng công tác phát hiện sớm để đấu tranh, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng có phần lúng túng, thường khi xảy ra thiệt hại mới bị phát hiện điều tra, xử lý, khiến chất lượng công tác phòng ngừa không cao. Các đại biểu này đề nghị, các ngành chức năng cần mở đợt cao điểm tiến công, trấn áp các loại tội phạm nói trên, tạo môi trường kinh doanh, tài chính minh bạch, lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về công tác đấu tranh PCTN, nhiều ý kiến cho rằng, tuy đạt được kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác PCTN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước. Theo đại biểu Thân Ðức Nam (Ðà Nẵng), thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý, nhưng phần lớn các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện thông qua đơn thư tố giác, việc tự phát hiện, hoặc phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra khá hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm lớn, nhưng cơ quan chức năng chỉ kiến nghị xử lý hành chính, việc chuyển cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử còn ít. Ðây chính là một trong những nguyên nhân khiến công tác đấu tranh PCTN thời gian qua đạt kết quả thấp.

Các đại biểu đề nghị, các cơ quan chức năng cần tích cực chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chú trọng thu hồi tài sản bị xâm phạm, bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, chức vụ và tham nhũng.

Theo nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày