Ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Thảo luận hai dự án luật và việc tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại
Nhiều vấn đề cần được quy định cụ thể
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Ðào Trọng Thi trình bày cho biết, tại kỳ họp thứ 3, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh Dự thảo luật trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư. Báo cáo đã đề cập tám vấn đề còn ý kiến khác nhau và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH về từng vấn đề đó. Chẳng hạn, có ý kiến đề nghị, cần tăng cường phân cấp quản lý về hoạt động xuất bản giữa trung ương, địa phương và cơ sở; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản.
Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo bổ sung các quy định về phân cấp quản lý cho địa phương và cơ sở, cụ thể tại các Ðiều 25, 28, 29, 33, 39, 43 và 46 Dự thảo luật để rõ hơn nội dung công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH và dự thảo luật đã được chỉnh lý. Tuy nhiên, đối với từng vấn đề cụ thể, một số ý kiến chưa hoàn toàn nhất trí và tiếp tục đề nghị sửa đổi, bổ sung. Nổi lên là vấn đề liên kết xuất bản (Ðiều 23).
Dự thảo luật lần này đã bổ sung quy định về điều kiện, đối tượng, hình thức thực hiện liên kết, trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản, trách nhiệm của đối tác liên kết trong liên kết xuất bản; quy định đối tác liên kết có thể được thực hiện khâu biên tập sơ bộ bản thảo khi đủ các điều kiện và năng lực biên tập; trong trường hợp này nhà xuất bản chịu trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh bản thảo, thẩm định nội dung văn hóa, tư tưởng và quyết định xuất bản. Ðồng thời, quy định đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc liên kết xuất bản thời gian qua có nhiều kẽ hở, nhiều sai sót về nội dung, rồi tình trạng bán giấy phép xuất bản cho đối tác liên kết để đối tác lợi dụng in sai trái cho nên lần này cần phải khắc phục (Nguyễn Thu Anh - Lâm Ðồng, Hà Sỹ Ðồng - Quảng Trị, Lê Ðắc Lâm - Bình Thuận, Nguyễn Thúy Hoàn - Thái Bình...). Các ý kiến này đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn trách nhiệm của Tổng giám đốc nhà xuất bản và của đối tác xuất bản, không nên quy định chung chung là chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động liên kết và xuất bản phẩm liên kết. Ðại biểu Nguyễn Thúy Hoàn đề nghị bỏ quy định đơn vị liên kết được tham gia biên tập sơ bộ bản thảo.
Vấn đề thứ hai cũng được nhiều đại biểu quan tâm là tiêu chuẩn của biên tập viên (Ðiều 19). Khoản 1 Ðiều này quy định tiêu chuẩn của biên tập viên gồm: a) Là công dân Việt Nam; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; b) Có trình độ đại học trở lên; c) Có kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ biên tập. Có ý kiến cho rằng, điểm b Khoản 1, Ðiều 19 quy định như vậy là chưa chặt chẽ, cần quy định cụ thể là đại học chuyên ngành nào? Theo đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn, quy định tiêu chuẩn biên tập viên: Có kiến thức cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, có nghĩa là phải có chứng chỉ của khóa bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ xuất bản và biên tập. Tuy nhiên, lại không quy định rõ phạm vi hoạt động của biên tập viên được đăng ký hoạt động ở bao nhiêu nhà xuất bản. Nếu không quy định rõ sẽ có tình trạng đánh trống ghi tên, một biên tập viên có thể đăng ký làm việc ở nhiều nhà xuất bản. Như vậy sẽ ảnh hưởng chất lượng xuất bản phẩm.
Các ý kiến còn đóng góp vào một số vấn đề khác như: Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, thành lập nhà xuất bản, xuất bản điện tử.
Cho phép Hà Nội quy định mức phí trong lĩnh vực giao thông vận tải cao hơn
Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thủ đô, phần lớn các ý kiến phát biểu đều nhất trí Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra về dự án luật này của Ủy ban Pháp luật của QH. Ðại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội), Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cùng nhiều đại biểu khác cho rằng: Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, có vị trí, vai trò rất quan trọng, cho nên việc ban hành Luật Thủ đô để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Ðảng về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô, nâng Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội lên thành luật để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Thủ đô phát triển đúng tầm vóc trong tương lai là hết sức cần thiết. Dự án Luật Thủ đô được xây dựng công phu, bao quát, thiết thực, phù hợp đặc thù của Thủ đô.
Về Biểu tượng của Thủ đô, nhiều ý kiến tán thành lấy Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các, nội dung này cần được đưa vào luật. Tuy nhiên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại cho rằng, cần cân nhắc việc đưa biểu tượng Khuê Văn Các vào luật, đồng thời nên thành lập Hội đồng quốc gia để lựa chọn biểu tượng tiêu biểu, thật đặc trưng về Thủ đô và cả nước.
Về quản lý dân cư (khoản 4 Ðiều 19), đại biểu Ðào Trọng Thi (Hà Nội) và một số đại biểu khác cho rằng, hiện nay Hà Nội đang phải chịu sức ép rất lớn trong việc tăng dân số. Do vậy, cần thực hiện quản lý dân cư như Phương án 2 trong dự án luật về việc đăng ký thường trú ở nội thành đối với các đối tượng công dân, bảo đảm tính khả thi của luật. Trong đó, cần quản lý chặt chẽ các khu dân cư, thiết kế các khu dân cư sao cho bảo đảm cả về mật độ dân cư, về y tế, giáo dục... bảo đảm ổn định cuộc sống bình thường của người dân.
Về Chính sách tài chính, phần lớn ý kiến đại biểu tán thành việc Ðảng, Nhà nước cần ưu tiên nguồn lực cho xây dựng các công trình của quốc gia trên địa bàn Thủ đô. Ðối với việc quy định mức thu phí giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô cao hơn (Ðiều 18), nhưng không quá hai lần so với mức thu do
Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với một số khoản thu phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhiều ý kiến tán thành với quy định này của dự thảo luật và cho rằng, so với các địa phương khác thì tại TP Hà Nội có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh; mật độ dân cư, lưu lượng người tham gia giao thông cũng tăng nhanh trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ðây là một trong những nguyên nhân chính gây ra ách tắc, mất trật tự trong giao thông, sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường... Trong bối cảnh như vậy, cần cho phép Hà Nội quy định mức phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm góp phần hạn chế số lượng phương tiện tham gia giao thông, đồng thời huy động thêm nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để ngày càng phục vụ tốt hơn cho người tham gia giao thông.
Cần tiếp tục mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại
Thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, phần lớn ý kiến đại biểu tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Hoạt động Thừa phát lại đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một nghề mới về cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính - tư pháp. Bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội như giảm tải nhân lực, thời gian và chi phí, bảo đảm các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự.
Ðại biểu Ðinh Xuân Thảo (Hà Nội) và một số đại biểu khác cho rằng, trong quá trình tiến hành cải cách tư pháp, để có cơ sở tham khảo, vận dụng nhằm hoàn thiện thể chế về tố tụng và thi hành án, việc thí điểm chế định Thừa phát lại là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện hệ thống pháp luật và bối cảnh kinh tế - xã hội cũng như tập quán, ý thức pháp luật của người dân ở nước ta hiện đã có sự khác biệt rất lớn so với trước đây, cho nên việc thí điểm đòi hỏi phải có bước đi thận trọng, trên cơ sở nghiên cứu, cân nhắc kỹ các yếu tố pháp lý và điều kiện kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm định hướng, lộ trình cải cách tư pháp. Việc thí điểm một chế định pháp luật cũng đòi hỏi cần có thời gian hợp lý, tạo điều kiện cho người dân làm quen, sử dụng dịch vụ pháp lý và kiểm nghiệm trên thực tế. Mặt khác, chế định Thừa phát lại mới chỉ được thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu thí điểm ở một số địa phương. Ðại biểu Ðinh Xuân Thảo, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa), cùng nhiều đại biểu tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và cần mở rộng triển khai ở nhiều địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo nhandan
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh