Thứ 3, 07/05/2024, 07:38[GMT+7]

Kết quả 7 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển đào tạo, dạy nghề

Thứ 3, 06/11/2012 | 16:36:28
1,079 lượt xem
Ngày 21/10/2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về: “Phát triển đào tạo, dạy nghề giai đoạn 2004 – 2010”. Đến nay, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 13, công tác đào tạo, dạy nghề ở tỉnh ta đã có bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH.

Giờ học thực hành chăn nuôi của thầy và trò Trường Trung học Nông nghiệp Thái Bình trong giờ thực hành đo đạc địa chính. Ảnh: Thành Tâm

Sau khi có Nghị quyết 13 của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 107/2004/QĐ-UB ngày 23/11/2004 phê duyệt hệ thống các cơ sở dạy nghề của tỉnh giai đoạn 2004 – 2010; Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 27/11/2006 về: “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục về thể dục thể thao”, trong đó có hoạt động dạy nghề; Quyết định 1721/QĐ-UBND ngày 31/7/2004 ban hành Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn từ năm 2010 đến năm 2020. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết và Quyết định của UBND tỉnh.

Kết quả cho thấy: Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề được quan tâm. Nếu năm 2004 toàn tỉnh có 27 cơ sở dạy nghề gồm: 4 trường trung cấp, 4 trung tâm và 19 cơ sở khác tham gia dạy nghề. Đến năm 2011, đã có 50 cơ sở đào tạo, dạy nghề (tăng 23 cơ sở so với năm 2004). Trong đó, một cơ sở liên kết đào tạo cao đẳng nghề, 8 trường trung cấp, 18 trung tâm và 23 cơ sở tham gia dạy nghề. Có 30 đơn vị công lập, 20 đơn vị ngoài công lập; 286 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Sự phân bổ các cơ sở đào tạo, dạy nghề tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố: 29 cơ sở; trong đó có một cơ sở liên kết đào tạo của trường cao đẳng nghề, 7 trường trung cấp nghề, 9 trung tâm dạy nghề và 12 cơ sở tham gia dạy nghề. Trên địa bàn các huyện có 21 cơ sở gồm: Một trường trung cấp nghề, 7 trung tâm dạy nghề và 13 cơ sở tham gia dạy nghề.

Giai đoạn 2004 – 2011, số lao động được tuyển sinh đào tạo nghề ở các cấp là 201.900 người, gồm: trình độ cao đẳng nghề: 5.100 người; trung cấp nghề và dạy  nghề dài hạn: 25.500 người; dạy nghề ngắn hạn sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 171.300 người. Chỉ tính riêng năm 2011, số lao động được đào tạo nghề là 33.000 người gồm: Cao đẳng nghề 1.700 người; trung cấp nghề 4.500 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 26.800 người. Số lao động được tuyển sinh đào tạo các nghề thuộc nhóm ngành nghề nông nghiệp 68.530 người (33, 91%) gồm: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú y, bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản, trồng cây lương thực, thực phẩm. Số lao động được tuyển sinh đào tạo nghề phi nông nghiệp: 133.370 người (66,09%) chủ yếu là: may thời trang, điện dân dụng, điện công nghiệp, hàn, tin học văn phòng, công nghệ ô tô, nhóm nghề thủ công mỹ nghệ.

Thực hiện Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, diện tích đất dành cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề tăng đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh dành 145.888 m2 đất cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề, tăng 41.812 m2. Kinh phí đầu tư cho phát triển đào tạo và dạy nghề cũng được tăng lên. Đến hết năm 2011, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị đạt 195 tỷ 478 triệu đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: 87 tỷ 435 triệu đồng (44,7%), từ ngân sách địa phương 54 tỷ 822 triệu đồng (28%), từ nguồn đầu tư khác 53 tỷ 221 triệu đồng (27,3%). Riêng kinh phí hỗ trợ dạy nghề đến tháng 12/2011 là: 29 tỷ 677 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ dạy trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho người lao động theo các dự án thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia là 25 tỷ 20 triệu đồng. Ngân sách địa phương: 4 tỷ 657 triệu đồng.

Đội ngũ giáo viên, người dạy nghề và cán bộ quản lý được kiện toàn, bảo đảm số lượng và nâng cao về chất lượng: 297 người (tăng 57 người so với năm 2004). Trong đó, trình độ đại học và trên đại học 188 người (63,3%); cao đẳng 68 người (23%); trung cấp 25 người (8,4%), trình độ khác: 16 người (5,3%). Được đào tạo nghiệp vụ sư phạm 169 người (59,6%) đào tạo trong các ngành kỹ thuật 225 (79,8%) đào tạo trong các ngành khác 57 người (20,2%). Cán bộ quản lý 167 người, trong đó trình độ đại học 130 (77,8%) cao đẳng 18 (10,8%), trung cấp 16 (9,6%) trình độ khác 3 người (1,8%).

Công tác xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh, huy động tối đa mọi nguồn lực từ các cấp, các ngành, tổ chức kinh tế và cá nhân đầu tư phát triển dạy nghề. Đến năm 2011 toàn tỉnh có 26 cơ sở ngoài công lập (52%), số lao động được tuyển sinh dạy nghề giai đoạn 2004 – 2011 tại các cơ sở ngoài công lập là 78.300 người, chiếm 38.78%, được bố trí việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội.

Theo đánh giá qua 7 năm thực hiện NQ13 của BTV Tỉnh ủy cho thấy: Mạng lưới cơ sở dạy nghề ở tỉnh ta đã hình thành và phát triển theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề ở 2 cấp trình độ: trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Quy mô, cơ cấu các ngành, nghề đào tạo cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương, phù hợp với điều kiện học tập của người lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề không ngừng tăng qua các năm. Riêng năm 2011, giải quyết việc làm cho 31.300 lao động. Số lao động đi xuất khẩu làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 2.200 người, tỷ lệ lao động thất nghiệp: 2,17%. Đầu tư cho dạy nghề, các chính sách dạy nghề được đổi mới. Đặc biệt ưu đãi đối với nhóm lao động thuộc hộ nghèo, hộ gia đình có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất canh tác... Đã khuyến khích được nhiều người lao động tham gia học nghề để tìm việc làm, tự tạo việc làm, ổn định đời sống và an sinh xã hội, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh hàng năm.

Phạm Thanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày