Thứ 6, 22/11/2024, 20:31[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ

Thứ 6, 16/11/2012 | 07:39:08
852 lượt xem
Ngày 13-11, ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII. Các đại biểu làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ về những vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Ðại biểu QH tỉnh Bình Thuận chất vấn thành viên Chính phủ.

Chất lượng công trình và thất thoát trong xây dựng

Ðầu giờ sáng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Ðình Dũng tiếp tục trả lời các nội dung chất vấn của các đại biểu: Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Lê Như Tiến (Quảng Trị) chung quanh việc quản lý vốn và tài sản doanh nghiệp tại Tập đoàn Sông Ðà với hàng loạt sai phạm, theo đó, tổng số vốn nợ đọng thất thoát cần xử lý lên tới hơn 10.670 tỷ đồng. Theo các đại biểu, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị xử lý sau vi phạm, sau thanh tra đối với Tập đoàn Sông Ðà. Với chức năng, quyền hạn của mình, Bộ trưởng đã xử lý đến đâu đối với cá nhân và tập thể lãnh đạo Tập đoàn Sông Ðà? Ngành xây dựng có bao nhiêu tổng công ty thua lỗ, nợ đọng, thất thoát, đầu tư ngoài ngành như Tập đoàn Sông Ðà? Bộ trưởng Xây dựng trả lời, hiện nay các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng nói chung, cũng như các doanh nghiệp đang có nhiều khó khăn. Một số tổng công ty phải xử lý nợ xấu của một số công trình chưa thanh toán xong do nợ đọng, hoặc xử lý những vấn đề  liên quan kết luận của thanh tra. Bộ Xây dựng đang tập trung xử lý những vấn đề đó, trước hết rà soát lại những khoản nợ để xem những doanh nghiệp nào có thể xử lý được nợ, những khoản nợ nào không thể xử lý được, và những khoản nợ nào cần phải có thời gian để giải quyết.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về nguyên nhân và thực trạng hiệu quả kinh doanh của nhà máy xi-măng, nhất là các nhà máy xi-măng do quyết định đầu tư không chính xác, Bộ trưởng cho biết, trên thực tế, lĩnh vực sản xuất xi-măng không phải là thế mạnh của những doanh nghiệp đang đầu tư hiện nay, kinh nghiệm quản lý, quản trị doanh nghiệp lại rất hạn chế. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn của những doanh nghiệp xi-măng. Hơn nữa, khó khăn của nền kinh tế nói chung tác động đến nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm xi-măng, các loại vật liệu xây dựng và vật liệu liên quan khó tiêu thụ. Bộ Xây dựng đang hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành đối với xi-măng, theo hướng phân loại các doanh nghiệp xi-măng để có giải pháp phù hợp. Theo đó, có thể chuyển giao vốn hoặc chuyển giao nguyên trạng doanh nghiệp xi-măng cho những doanh nghiệp khác; huy động nguồn vốn ngoài xã hội và đề nghị các tổ chức tín dụng trong nước cho giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị bổ sung các quy định về chuyển nhượng vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trả lời câu hỏi của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp xây dựng và tái cơ cấu các nhà máy xi-măng đến năm 2013 có làm xong được không, Bộ trưởng Xây dựng trả lời: Bộ có lộ trình năm 2013 tập trung triển khai, tuy nhiên để thực hiện được phải đến năm  2015, trong đó cố gắng cổ phần hóa các doanh nghiệp.

Câu chuyện thủy điện Sông Tranh 2 hiện được dư luận nhân dân quan tâm do đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chất vấn. Ðại biểu hỏi: Vì sao Chính phủ không cho tích nước công trình này? Gần đây có thông tin nói đập không vỡ nhưng có thể bị bẻ ngang, nhân dân lo lắng. Bộ trưởng Trịnh Ðình Dũng khẳng định: Ðập thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay đang tích nước ở mức độ 140 m, thậm chí ở mức 160 m thì vẫn tuyệt đối an toàn. Người dân có thể yên tâm ở lại. Bộ Xây dựng đã cử nhiều đoàn công tác tiến hành điều tra, khảo sát và hướng dẫn khắc phục tác động rung chấn.

Vấn đề tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản hiện nay tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi. Các đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng cần có những quyết sách, giải pháp mạnh hơn nữa. Bộ trưởng Trịnh Ðình Dũng bày tỏ tán thành ý kiến đề xuất của đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), xử lý vấn đề bất động sản hiện nay có thể xem xét áp dụng mô hình "3 + 1", có nghĩa là sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng của ba bộ: Xây dựng, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước; bên cạnh đó sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương nơi thị trường bất động sản đó đang vận hành. Một số ý kiến cho rằng, để thực hiện một cách quyết liệt, cần thiết phải có vai trò của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã có Ban chỉ đạo Nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản, do một đồng chí Phó Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng ban; các bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tham gia ban chỉ đạo này. 

Ðại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) thẳng thắn cho rằng tham nhũng đã góp phần làm thất thoát, hư hỏng công trình mà chưa thấy Bộ trưởng đề cập. Bộ trưởng Trịnh Ðình Dũng nói, Bộ sẽ  tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với doanh nghiệp, để kịp thời phát hiện và xử lý những hạn chế yếu kém và các vụ việc liên quan tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong doanh nghiệp và thừa nhận, trong các nguyên nhân gây ra thất thoát, chất lượng công trình không bảo đảm, trong đó có nguyên nhân do năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ, những cá nhân tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng.

Những vấn đề đặt ra đối với thị trường vàng

Kết thúc phần chất vấn đối với Bộ trưởng Xây dựng, các đại biểu QH chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Các đại biểu: Dương Hoàng Hương (Phú Thọ); Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu);... nêu câu hỏi về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới trong thời gian qua và biện pháp xử lý thế nào? Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời: Trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước có những biến động tạo ra sự chênh lệch so với giá vàng thế giới, gây biến động về kinh tế vĩ mô. Mỗi một lần chênh lệch giá vàng như vậy, các đối tượng buôn lậu, gom vàng trên thị trường "chợ đen" hoạt động, làm cho thị trường chợ đen về ngoại tệ trong những năm trước đây hoạt động rất sôi nổi, kéo theo tỷ giá trên thị trường chính thức cũng tăng theo. Theo Thống đốc, vàng, vàng miếng không phải là mặt hàng thiết yếu. Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả Luật Giá do QH mới ban hành, cũng quy định rõ vàng không phải là mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của nó đến kinh tế vĩ mô, đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời kỳ trước đây cho phép nhập khẩu vàng qua con đường chính thức để ổn định giá vàng trong nước. Hiện nay, thực tế cho thấy, có những khiếm khuyết  trong hoạt động quản lý thị trường vàng. Ðể chấn chỉnh kịp thời thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ thông qua Nghị định 24, được ban hành năm 2011 và chính thức có hiệu lực từ ngày 25-5 vừa qua. Theo đó,  Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, và kể từ ngày 25-5 tất cả các đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng trước đây chấm dứt hoạt động sản xuất vàng miếng. Theo Thống đốc, qua theo dõi giám sát thị trường,  bước đầu đã đạt được những mục tiêu  đặt ra. Ðó là hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới hầu như đã được ngăn chặn một cách rất cơ bản.

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về những khó khăn trong việc chuyển đổi vàng miếng thương hiệu khác sang vàng SJC, Thống đốc cho biết, Nghị định 24 không có quy định nào bắt buộc người dân phải chuyển đổi sang vàng SJC, các nhãn hiệu vàng khác SJC vẫn được lưu hành bình thường và người dân được bảo đảm đầy đủ quyền lợi hợp pháp trong nắm giữ, tích trữ, mua bán vàng. Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về các biện pháp để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, những chính sách điều hành thị trường vàng của chúng ta không nhằm mục tiêu liên thông giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, vì như vậy thị trường vàng trong nước sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá vàng thế giới biến động. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp hữu hiệu để bình ổn thị trường vàng trong nước. Thống đốc cũng cho biết, Nhà nước kiên quyết chống "vàng hóa" trong nền kinh tế.

Về thực tế giá vàng trong nước còn cao hơn giá vàng thế giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định, điều này không làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, vì vàng không phải là mặt hàng thiết yếu. Chung quanh giải pháp để huy động được lượng vàng đang có trong dân phục vụ cho phát triển nền kinh tế, Thống đốc cho biết: Ðến nay, chưa có một cơ quan nào khảo sát đánh giá có bao nhiêu vàng trong dân. Từ thực tiễn hoạt động quản lý của ngành, có thể ước lượng vàng này dao động trong khoảng 250-400 tấn, tùy từng thời kỳ. Mục tiêu đặt ra là làm sao huy động, khơi thông nguồn vốn trong dân để phục vụ quốc kế dân sinh, cố gắng làm sao cho "vàng chảy ra thành tiền đồng" cũng là mục tiêu đặt ra trong đề án chống "vàng hóa" của Ngân hàng Nhà nước.

Giải quyết nợ xấu, nợ đọng như thế nào?

Thực trạng vấn đề nợ xấu hiện nay, được các đại biểu: Ðàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội)... nêu lên được  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời: Hiện nay có ba loại số liệu về nợ xấu. Theo đúng thông lệ quốc tế thì số liệu đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước được coi là số liệu có ý nghĩa thực tiễn và chính xác. Hiện nay, theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 30-9-2012, tỷ lệ nợ xấu là 4,93%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ này khoảng 8,82%. Tốc độ tăng trưởng nợ xấu bắt đầu gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2008. Từ đầu năm đến nay, qua mười tháng, nợ xấu của chúng ta tăng khoảng 66%. Như vậy, khi đất nước gặp khó khăn, những hệ quả từ trước dồn lại và làm nợ xấu tăng lên liên tục trong những năm vừa qua. Vấn đề nợ xấu không phải là tăng trong giai đoạn ngắn hiện nay mà trong cả thời kỳ khi chúng ta gặp phải khó khăn. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nền kinh tế trong nước hiện nay dư nợ tín dụng khoảng 2.700 nghìn tỷ. Trong đó, có khoảng 73% dư nợ có tài sản bảo đảm và khoảng 27% không có tài sản bảo đảm. Trong số 73% dư nợ có tài sản  bảo đảm, có khoảng 66% được bảo đảm bằng bất động sản. Vì thế, giải pháp giải quyết nợ xấu được quan tâm hàng đầu là phải khai thông được thị trường bất động sản, với sự phối hợp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt giữa các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

Trình bày các giải pháp để giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn trong thời gian hiện nay và thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh giải pháp liên quan lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rất quyết liệt các ngân hàng thương mại về vấn đề này, tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp để giảm lãi suất. Ðề cập tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng, mặc dù vừa qua đã được cải thiện, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đánh giá, thanh khoản của nền kinh tế nước ta nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng còn hết sức mỏng, còn bấp bênh.  Vừa qua đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng. Qua đó phát hiện, ở nhiều tổ chức tín dụng, chủ yếu là tổ chức tín dụng cổ phần nhỏ, yếu kém, tình hình chất lượng tín dụng rất thấp. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng này phải chấp hành báo cáo đúng và tổ chức thực hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua.

Sẽ xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong ngành ngân hàng

 Ðại biểu Ðỗ Ngọc Liễn (Bình Thuận) đề nghị cho biết, có hay không tiêu cực của cán bộ ngân hàng trong việc cho vay vốn, góp phần dẫn đến nợ xấu ngân hàng tăng cao và có lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng không và biện pháp xử lý? Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời, có tiêu cực trong đánh giá tài sản khi cho vay tín dụng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra và phát hiện có tổ chức tín dụng bị nhóm cổ đông thao túng dẫn đến việc đánh giá tài sản thế chấp khi cho vay không chính xác. Nhưng đây là sai phạm kinh tế, nên Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tổ chức tín dụng đó khắc phục. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, có lợi ích nhóm trong hoạt động ngân hàng tại một số lĩnh vực nhất định. Khi phát hiện những sai phạm về lợi ích nhóm ở mức nghiêm trọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng đó phải tái cấu trúc, nếu vi phạm hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp các ngành chức năng điều tra thị trường tín dụng đen và xử lý nghiêm khắc.

Trước phản  ánh của một số đại biểu về tiêu cực trong ngân hàng, cụ thể là có tình trạng gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc cho vay vốn, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin liên quan tiêu cực ngành ngân hàng và đề nghị người dân, doanh nghiệp nếu phát hiện thông báo để Ngân hàng Nhà nước  kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực trong hoạt động ngân hàng.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên chất vấn đối với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sắp xếp lại những ngân hàng yếu kém, đồng thời  bảo đảm nền kinh tế phát triển ổn định; phối hợp các ngành liên quan giải quyết đồng bộ vấn đề nợ xấu; cải tiến chính sách tín dụng nhưng phải bảo đảm thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, không để lạm phát, không để ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng; điều hành, quản lý thị trường vàng ổn định lâu dài. Ðây là những vấn đề khó, nhưng phải thực hiện thành công, trước mắt ngay trong năm 2013 phải tạo chuyển biến tích cực hơn. Chủ tịch QH cho rằng, phiên chất vấn diễn ra trên tinh thần xây dựng cao, các câu hỏi và câu trả lời rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, gợi mở nhiều giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng công tác điều hành, góp phần ổn định thị trường vàng, thị trường tiền tệ và giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn, phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường quản lý giá thuốc

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các đại biểu QH tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Nội dung chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề như: các biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), vấn đề giá thuốc, giá viện phí, vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ sở y tế.

Vấn đề giá thuốc chữa bệnh tăng cao được nhiều đại biểu đặt câu hỏi. Các đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Trương Văn Vở (Ðồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay thuốc tại các bệnh viện dù qua đấu thầu, nhưng giá vẫn cao hơn nhiều so với giá thuốc ngoài thị trường, gây khó khăn cho người bệnh. Vậy, đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục như thế nào? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện và thị trường là một thực tế đang diễn ra. Giá thuốc tại các bệnh viện bị đẩy lên do qua nhiều khâu trung gian. Các hãng dược bắt tay với bác sĩ để kê đơn những biệt dược không cần thiết, gây thiệt hại cho người bệnh. Nguyên nhân chính do quản lý nhà nước đối với giá thuốc thời gian qua còn nhiều kẽ hở cho nên bị một số đơn vị lợi dụng. Nhiều trường hợp, thuốc của Trung Quốc, nhưng áp giá của Mỹ, khiến giá bị đội lên. Bên cạnh đó, hiện nay mặt hàng thuốc do ngành y tế quản lý, kê đơn và quản lý luôn giá bán, dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi",  gây bất cập.

 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế đã phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản, trong đó quy định cụ thể giá từng loại thuốc; quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá trước đó đã kê khai. Cùng với đó, Bộ Y tế quy định bác sĩ hạn chế kê biệt dược, thuốc ngoại có cùng chủng loại với thuốc trong nước đã sản xuất được. Những biện pháp này đã phát huy tác dụng nhất định. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, ban hành quy định quản lý giá thuốc từ gốc, nhằm kiểm soát giá thuốc hữu hiệu với mục tiêu giảm giá thuốc xuống mức thấp nhất. Bộ trưởng đề nghị, cần chuyển chức năng quản lý giá thuốc từ ngành  y tế sang bộ quản lý chuyên ngành về giá để công tác quản lý giá thuốc tốt hơn.

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu liên quan công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài và quản lý thị trường thuốc đông y, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản, nhằm quản lý đối với công tác khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, đây là việc làm khó khăn, hiệu quả chưa đạt yêu cầu, vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài vi phạm quy định, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Mặc dù, ngành y tế đã tăng cường thanh tra, nhưng do lực lượng mỏng, chế tài xử phạt vi phạm thấp, không có tính răn đe. Thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện văn bản pháp luật, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, thậm chí rút giấy phép hoạt động. Ðề cập công tác quản lý chất lượng thuốc đông y, Bộ trưởng thừa nhận, công tác quản lý thuốc đông y còn nhiều lỗ hổng từ khâu nuôi trồng, chế biến, lưu thông, phân phối, dẫn đến tình trạng thuốc đông y có chất độc hại, không đạt chất lượng lưu hành trên thị trường, trong đó phần lớn là thuốc nhập lậu vào Việt Nam. Sắp tới, Bộ sẽ có biện pháp tăng cường quản lý, nhằm lập lại trật tự trên thị trường, để nền y học cổ truyền của Việt Nam phát huy hiệu quả.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) về hiện tượng lợi dụng nhập khẩu tiền chất sản  xuất thuốc chữa bệnh, để sản xuất ma túy tổng hợp và tại sao Bộ Y tế cho một số đơn vị nhập các loại tiền chất này nhiều hơn so với nhu cầu thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay trong một số loại thuốc cảm có một lượng nhỏ tiền chất ma túy. Thời gian qua, các ngành chức năng đã phát hiện tình trạng thu mua các loại thuốc này để điều chế ma túy tổng hợp. Vừa qua, một số đơn vị nhập khẩu lượng lớn các loại tiền chất này để sản xuất thuốc chữa bệnh, tuy nhiên, Bộ Y tế thấy rằng, đây là vấn đề quan trọng cho nên đã quyết định ngừng nhập khẩu loại tiền chất đó và thay bằng chất khác để sản xuất thuốc. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, quá trình quản lý tiền chất các loại thuốc, nhất là các tiền chất có thể điều chế ma túy rất chặt chẽ, qua nhiều khâu thẩm định, từ khâu xin cấp phép nhập khẩu đến khi sản xuất thành phẩm. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tiền chất sản xuất thuốc.

Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT

 Ðại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) và nhiều đại biểu khác đặt vấn đề, những bất cập hiện nay trong chính sách viện phí, BHYT, đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác khám, chữa bệnh; tình trạng vượt tuyến trong khám, chữa bệnh tăng cao. Vậy, nguyên nhân do đâu và giải pháp khắc phục như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, trong quá trình kiểm tra cho thấy chính sách viện phí, BHYT có những bất cập. Giá dịch vụ y tế thấp là một trong những yếu tố khiến chất lượng khám, chữa bệnh không cao. Giá dịch vụ y tế ban hành từ nhiều năm trước, đến nay đã lỗi thời, không phù hợp thực tế. Do vậy, giá dịch vụ y tế phải được tính đúng, tính đủ và chỉ miễn, giảm đối với những đối tượng chính sách, đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa... Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc tăng giá dịch vụ y tế thời gian qua là cần thiết và không ảnh hưởng đến những người đang thụ hưởng BHYT, những người nghèo, cận nghèo, diện chính sách, trẻ em dưới sáu tuổi, người dân tộc thiểu số. Vì những đối tượng này đã được hỗ trợ của Nhà nước trong việc mua thẻ BHYT. Việc tăng giá dịch vụ y tế cũng góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế.

Về tình trạng vượt tuyến trong khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay, do quy định việc khám, chữa bệnh vượt tuyến vẫn được thanh toán 30% viện phí cho nên tạo tâm lý trong người bệnh muốn vượt tuyến lên bệnh viện T.Ư để được khám, chữa bệnh tốt hơn, gây quá tải tuyến trên. Bộ Y tế sẽ có biện pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, trong đó bên cạnh việc sửa đổi các quy định liên quan, sẽ tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở.

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mất cân bằng giới tính đang ở mức trầm trọng. Nguyên nhân do tâm lý người Việt Nam nói chung muốn có con trai để nối dõi tông đường. Bộ Y tế đã quy định cấm và phạt nặng những cơ sở y tế áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm mục đích lựa chọn giới tính khi sinh. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân.

Hôm nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Theo nhandan

  • Từ khóa